Mấy ngày nay, mạng xã hội ồn ào chuyện anh họa sĩ “đồng hương” Hải Phòng với những bức tranh về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bị phản đối kịch liệt. Tôi không hiểu về nghệ thuật nhiều, chỉ nghĩ mấy điều giản đơn thế này.
Bà nội tôi vừa mất ở tuổi 89, một trong những việc cần làm như mọi gia đình khi chuẩn bị tang lễ là chọn ảnh thờ cho bà. Và tất nhiên bức ảnh không thể “trẻ đẹp” quá vì con cháu sẽ không nhận ra đó là cụ, là bà, là mẹ mình. Và cũng không thể lấy bức ảnh những năm cuối đời, bà ốm đau bệnh tật nằm một chỗ, cơ thể kiệt quệ, cong queo… để làm ảnh thờ. Như mọi gia đình, chúng tôi chọn bức ảnh đủ biểu cảm, đủ thần thái, đủ thân thương và trân trọng nhất để tưởng nhớ bà. Nhìn ảnh là thấy người…
Trở lại câu chuyện anh họa sĩ. Tôi không biết anh vẽ nghệ thuật gì nhưng từ hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên đến vị Tổng Tư lệnh Quân đội đều trở nên “dị dạng” với phần đông công chúng. Đặc biệt nó trở nên “ác nghiệt” với chính những người cựu chiến binh tham gia đánh Điện Biên Phủ năm nào. Họ không thấy tuổi trẻ hào hùng, bi tráng, lẫm liệt của mình bên chiến hào bom đạn mà lại thấy một hiện thân… méo mó, xấu xí, khù khoằm đến khó tả.
Còn với Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong độ 5 năm cuối đời, ông cũng tuân theo quy luật tạo hóa, sinh lão bệnh tử. Khi ấy diện mạo, thể xác của ông không thể được đẹp như trước nhưng có lẽ tôi cũng như những ai đã có cơ may được tiếp xúc với ông đều nhận thấy. Ở “Ngọn núi lửa phủ tuyết” ấy là một khí chất tuyệt vời tỏa ra uy dũng, cao vợi nhưng vẫn vô cùng nhân văn mà bình dị. Một nhân sinh đi qua hơn thế kỷ với dáng hình tạc vào lòng dân tộc đẹp đẽ và tự hào biết bao nhiêu. Vậy mà anh họa sĩ dùng cọ để thể hiện lại chân dung ông ấy như thế nào ???
Nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật là câu hỏi chẳng bao giờ có đáp án thỏa đáng. Nhưng ở Đất nước này, ở dân tộc này có những điều thiêng liêng, có những giá trị bất tử được kính trọng và tôn thờ mà đừng kẻ nào hỗn hào đụng tới, chế nhạo, xuyên tạc. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hãy khắc ghi lấy điều đó.
Tôi còn nhớ, một ngày mùa thu 9 năm trước: “Nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Trung tá Hoàng Sỹ Tâm, Giám đốc Xí nghiệp Đo may quân đội thuộc Công ty cổ phần X20 bỗng choáng váng, ngồi không vững. Lát sau, định thần lại, anh đi ra tủ tài liệu, lấy chiếc hộp lưu số đo quân phục của Đại tướng, ôm chặt nó vào ngực, khóc nức nở. Anh cứ nhắc đi nhắc lại: “Thế là những người lính thợ X20 không bao giờ được may quân phục cho Đại tướng, thế là con không bao giờ được may quân phục cho Cụ nữa rồi… “.
Anh Tâm chỉ là một trong hàng chục triệu người khi ấy đã bàng hoàng, đau xót… mà thôi.
Anh họa sĩ ạ !
Theo: NB Thiếu tá Hoàng Trường Giang
Ảnh minh họa: Cậu thợ vẽ
Tin cùng chuyên mục:
Zelensky và điều kiện ngừng bắn với Nga: Thông điệp mới giữa xung đột kéo dài
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ