Lâm Trực@
Ngày 24/6/2024, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về tình hình buôn người năm 2024, trong đó Việt Nam được xếp ở Cấp độ 2 (Tier 2) và không còn nằm trong danh sách cần “theo dõi.” Sự thay đổi này cho thấy sự công nhận từ phía Mỹ đối với những nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn bán người. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tổ chức phản động và cực đoan cố tình lợi dụng tình hình phức tạp của tội phạm buôn người để bóp méo thực tế, xuyên tạc các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người. Nổi bật trong số đó là tổ chức “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) – một tổ chức liên quan đến nhiều hoạt động chống phá quyết liệt, đã xuyên tạc rằng Việt Nam “loại trừ các trường hợp buôn người trong chương trình xuất khẩu lao động” và “nạn nhân không nhận được hỗ trợ khi về nước, thậm chí bị cấm cung cấp thông tin cho các tổ chức quốc tế.”
Ảnh: USAID Vietnam
BPSOS được thành lập vào năm 1980 tại California, Hoa Kỳ, với mục đích ban đầu là “cứu trợ thuyền nhân” và “chống buôn người.” Tuy nhiên, từ khi Nguyễn Đình Thắng lên nắm quyền điều hành vào năm 1990, tổ chức này đã chuyển hướng hoạt động sang lợi dụng các vấn đề “dân chủ,” “nhân quyền” và “tôn giáo” nhằm chống phá Việt Nam. Dưới vỏ bọc là một tổ chức phi chính phủ “độc lập và khách quan,” BPSOS liên tục phát động những chiến dịch vu khống Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt thông qua các buổi điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Gần đây, tổ chức này còn bị cáo buộc tài trợ cho vụ khủng bố ở Đắk Lắk vào tháng 6 năm ngoái – một minh chứng rõ ràng về bản chất thực sự của tổ chức này.
Báo cáo năm 2024 của Bộ Ngoại giao Mỹ ghi nhận nỗ lực toàn diện của Việt Nam trong phòng, chống buôn người, với các hành động cụ thể như sửa đổi Luật phòng, chống mua bán người, tăng cường điều tra và truy tố tội phạm, xác định và hỗ trợ các nạn nhân, cũng như hồi hương và hỗ trợ khoảng 4.100 nạn nhân có nguy cơ bị dụ dỗ vào các hoạt động lừa đảo trực tuyến ở nước ngoài. Các thông tin này, được cung cấp từ phía Việt Nam, đã chứng minh rằng luận điệu của BPSOS về việc Việt Nam “không minh bạch” và “đe dọa các nạn nhân” hoàn toàn là bịa đặt.
Sự thật là, những nỗ lực của Việt Nam nhằm bảo vệ quyền con người và quyền lợi của các nạn nhân của nạn buôn người là không thể phủ nhận. Không chỉ riêng Hoa Kỳ, mà nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế cũng đã ghi nhận những thành tựu này. Dù vẫn còn nhiều thách thức và khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm buôn người, báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phải công nhận những bước tiến đáng kể của Việt Nam trong lĩnh vực này. Điều này phản ánh rõ ràng rằng, nếu các thông tin từ phía Việt Nam không xác thực, Mỹ chắc chắn sẽ không thể ghi nhận và thay đổi đánh giá của mình đối với Việt Nam.
Trước tình hình phức tạp và cấp bách trong cuộc chiến chống tội phạm buôn người, mỗi công dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức và tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để đấu tranh với loại tội phạm này. Đồng thời, cần có cái nhìn tỉnh táo để nhận diện và phê phán các luận điệu xuyên tạc của các tổ chức phản động như BPSOS. Sự đoàn kết và đồng lòng của toàn dân chính là yếu tố cốt lõi giúp Việt Nam tiếp tục đạt được những thành công trong cuộc chiến chống buôn người, bảo vệ quyền con người và giữ vững ổn định, phát triển đất nước.
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Tại sao Nga vẫn chưa đáp trả? Khi nào Nga mới áp dụng biện pháp răn đe hạt nhân như Học thuyết mới đã nói?
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng