Những cáo buộc thiếu căn cứ về tự do tôn giáo ở Việt Nam: Trường hợp Thích Minh Tuệ

Người xem: 1109

Lâm Trực@

Hà Nội, ngày 5/4/2025 – Gần đây, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo” (CPC) trong báo cáo thường niên 2025, viện dẫn trường hợp ông Thích Minh Tuệ như một “bằng chứng”. Tuy nhiên, đây là một sự quy chụp sai lệch, thiếu khách quan và không phản ánh đúng thực tế. Đề xuất này không chỉ bóp méo sự thật mà còn phớt lờ thiện chí của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân, bao gồm những người tu hành chân chính.

Đảng và Nhà nước Việt Nam từ lâu đã luôn quan tâm, chăm sóc đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các tôn giáo lớn như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo đều được tạo điều kiện phát triển bình đẳng, không phân biệt. Mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do tín ngưỡng, thờ cúng và thực hành tôn giáo theo đúng quy định pháp luật. Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất phục vụ tôn giáo ngày càng được nâng cao. Cả nước hiện có hơn 26.000 cơ sở thờ tự như chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, với nhiều công trình được xây mới hoặc trùng tu khang trang. Số tín đồ cũng không ngừng gia tăng, đạt hơn 26 triệu người, chiếm khoảng 27% dân số. Những nỗ lực này được chính người dân ghi nhận. Một giáo dân ở Hà Nội bày tỏ: “Nhà nước luôn hỗ trợ chúng tôi tu bổ nhà thờ, tổ chức lễ hội tôn giáo mà không hề cản trở”. Một phật tử tại TP.HCM cũng chia sẻ: “Chùa chiền ngày càng khang trang, chúng tôi tự do tu tập mà không gặp bất kỳ trở ngại nào từ chính quyền”.

Để bảo vệ người tu hành chân chính, Việt Nam đã xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ. Hiến pháp năm 2013 (Điều 24), Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016, cùng các văn bản như Nghị định 162/2017/NĐ-CP không chỉ đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng mà còn đưa ra chính sách bảo hộ rõ ràng. Các hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi hay gây rối đều bị xử lý nghiêm minh, minh chứng cho cam kết của Việt Nam trong việc tạo dựng một môi trường tôn giáo minh bạch, lành mạnh.

Trường hợp ông Thích Minh Tuệ, tên thật Lê Anh Tú, lại càng làm rõ sự sai lệch trong cáo buộc của USCIRF. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra công văn khẳng định ông Tú không phải tu sĩ chính thức, không phải sư, không phải thầy và không thuộc bất kỳ tự viện nào. Bản thân ông Tú cũng nhiều lần xác nhận ông tự nguyện chọn lối sống ẩn tu, tự nguyện sang Ấn Độ để theo đuổi con đường tâm linh riêng. Dù không phải tu sĩ, Nhà nước Việt Nam vẫn thể hiện sự khoan dung và nhân đạo. Ông được cấp lại căn cước công dân dù trước đó từng tự đốt giấy tờ tùy thân, được hỗ trợ làm hộ chiếu để thực hiện nguyện vọng cá nhân là đi Ấn Độ. Khi ở Việt Nam, dù đám đông vây quanh gây mất an ninh trật tự, công an địa phương vẫn tận tình hỗ trợ, hộ tống và bảo vệ, đảm bảo an toàn cho hành trình của ông. Dẫu ông Tú có thể hiểu sai, hiểu chưa sâu hoặc thực hành không đúng giáo lý nhà Phật, Nhà nước vẫn tôn trọng lựa chọn cá nhân, tạo điều kiện tối đa để ông tu tập theo niềm tin của mình.

Một tiếng nói đáng chú ý đến từ luật sư Hoàng Duy Hùng, một Việt kiều Mỹ thường xuyên cập nhật thông tin về hành trình của ông Thích Minh Tuệ. Trong những phát biểu mới nhất trên video clip đăng tải qua Facebook, ông Hùng khẳng định cáo buộc của USCIRF là hoàn toàn sai lệch và không phản ánh thực tế tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam không chỉ không đàn áp tôn giáo mà còn tạo điều kiện tối đa cho các cá nhân như ông Thích Minh Tuệ được tự do tu hành theo ý nguyện. Ông Hùng chia sẻ chi tiết về hành trình của ông Tú – người nổi tiếng với những tranh cãi về cách sống “khổ hạnh” và sự “buông xả” trong tu tập – đồng thời khẳng định chính ông Tú đã nhiều lần lên tiếng xác nhận rằng ông tự nguyện ẩn tu, tự nguyện sang Ấn Độ để tiếp tục con đường tâm linh, mà không hề chịu bất kỳ cản trở hay đàn áp nào từ chính quyền. Theo ông Hùng, Nhà nước luôn tôn trọng và hỗ trợ quyền tự do tín ngưỡng của ông Tú cũng như mọi công dân khác. Ông lập luận rằng đề xuất của USCIRF là hành động thiếu cơ sở, mang tính áp đặt và không công bằng. Ông so sánh Việt Nam với Thái Lan, Malaysia, Singapore – những nước có truyền thống tôn giáo phong phú đã không chấp nhận ông Lê Anh Tú cùng đoàn của ông được bộ hành trên đất nước họ – nhưng không bị liệt vào danh sách tương tự. Thực tế, Việt Nam có các hoạt động tôn giáo sôi nổi, cơ sở thờ tự được duy trì và phát triển, người dân tự do thực hành tín ngưỡng mà không gặp trở ngại từ chính quyền. Trường hợp ông Thích Minh Tuệ, theo ông Hùng, là minh chứng rõ ràng: ông tự do đi lại, tu tập theo cách riêng và còn nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ một bộ phận cộng đồng.

Đáng chú ý, các Giáo hội Phật giáo quốc gia Thái Lan, Malaysia và một ngôi chùa lớn tại Singapore đã lên tiếng, cho rằng đoàn bộ hành của ông Tú có dấu hiệu “giả tu” nhằm trục lợi, đồng thời cảnh báo các địa phương không tiếp nhận. Thái Lan từ chối gia hạn visa một cách khéo léo bằng ân hạn một tuần. Malaysia yêu cầu  đoàn rời khỏi nước này ngay lập tức mà không gia hạn visa như thông lệ bởi lý do “tế nhị” liên quan đến mỹ quan và trật tự xã hội. Còn Singapore cũng đã từ chối đoàn nhập cảnh vì cho rằng đoàn của ông Lê Anh Tú không phải nhà tu hành chân chính, hợp pháp theo quy định của pháp luật, và họ chỉ là những người cạo đầu, tụ khoác lên mình chiếc áo giống nhà tu mà thôi. Những động thái này cho thấy vấn đề không nằm ở Việt Nam mà ở chính cách hành xử của đoàn bộ hành. Vậy nhưng, USCIRF lại cố tình bỏ qua thực tế ấy, phớt lờ phản ứng từ các quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Singapore, và bây giờ là Indonesia để dựng lên câu chuyện sai lệch, mang tính áp đặt và thiên lệch, hòng bôi nhọ hình ảnh Việt Nam.

Các tờ báo chính thống như Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam hay các ấn phẩm của Ban Tuyên giáo, Đảng Cộng sản đã nhiều lần phản biện mạnh mẽ, chỉ rõ đây là chiêu bài chính trị thiếu căn cứ. Việt Nam không chỉ không đàn áp tôn giáo mà còn là hình mẫu về bảo vệ tự do tín ngưỡng – điều mà USCIRF cố tình không thừa nhận. Những cáo buộc này không chỉ vô căn cứ mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với chủ quyền và thực tế tại Việt Nam.

Đã đến lúc cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận vấn đề một cách công tâm, dựa trên sự thật khách quan thay vì tin vào luận điệu sai lệch từ USCIRF. Việt Nam xứng đáng được đánh giá công bằng, và những thiện chí của đất nước này cần được ghi nhận thay vì bị bóp méo một cách vô lý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *