Vụ cô giáo bị học sinh “bạo lực”: Khi “Tiên không học lễ”…

Người xem: 596

Việc cô giáo dạy môn âm nhạc bị các em học sinh Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) dồn vào góc tường rồi chửi bới, xúc phạm khiến dư luận bức xúc. Theo các chuyên gia, đây là hậu quả của việc “tiên không học lễ”, đặc biệt là do ảnh hưởng từ những người lớn bạo lực…

Cô giáo bị học sinh dồn vào góc lớp, chửi bới, đe dọa. Ảnh cắt từ clip

TS Vũ Thu Hương (nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, bỏ hình phạt đuổi học, cấm giáo viên phạt học sinh, môn học Đạo đức – giáo dục công dân là môn phụ – không có giá trị đánh giá ở các kỳ thi lớn, luôn đòi hỏi người lớn phải bao dung và bỏ qua mọi hành vi xấu của trẻ…. là cách nhanh nhất để hủy diệt đất nước và tương lai của trẻ.

Theo TS Vũ Thu Hương, phong cách giáo dục “không phạt” trẻ đã gây ra rất nhiều hậu quả. Nhiều trẻ phản ứng với mọi hình thức kỷ luật của cô giáo. Hễ không hài lòng giáo viên điều gì, phụ huynh và học sinh lập tức phản ứng. Trong những trường hợp đáng tiếc, giáo viên luôn là kẻ tội đồ để cả phụ huynh, học sinh và toàn xã hội lên án. Gia đình chiều chuộng bao bọc con, giáo viên không dám thực hiện các biện pháp kỷ luật học sinh, tư cách đạp đức của học sinh ngày càng đi xuống. Đến khi học sinh phạm pháp, hỗn láo, bất trị, gia đình đổ trách nhiệm cho nhà trường.

“Vì không bị phạt, trẻ không hề có ý thức tuân thủ các quy định. Ngoài ra, trẻ còn tìm cách “giật dây” người lớn, tìm cách để cha mẹ phản ứng với cô giáo để tránh những thứ mình không muốn. Chẳng hạn nhiều trẻ đi học nhưng vở viết nguệch ngoạc, không ghi thứ ngày tháng, viết vỏn vẹn vài chữ lem nhem. Ngồi học thì ngáp vặt, làm việc riêng, chơi game khi học online, chat chit… Một số bất trẻ bất trị qua được cấp 1 và học tiếp lên cấp 2, cấp 3 nhưng lúc này một số vấn đề sẽ lộ ra. Nhiều trẻ bất trị vi phạm quy định, gây gổ, đánh bạn, thậm chí trộm tiền chơi game… Lúc này, cha mẹ mới hối hận vì phong cách giáo dục “không phạt”.

Đặc biệt, trẻ không bị phạt còn dễ nảy sinh tính coi thường cha mẹ, coi thường người lớn, coi thường mọi luật lệ, quy tắc lễ phép. Thái độ coi thường ngông nghênh đó có thể tới đỉnh điểm khi các con dám phản ứng dữ dội với cha mẹ (viết giấy từ mặt bố mẹ, tuyên bố con không cần bố mẹ…), hỗn với giáo viên, gây sự với người xung quanh”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh về hậu quả của việc dạy trẻ theo phong cách “không phạt”, không nghiêm khắc.

Trước việc cô giáo bị chính học sinh của mình “bạo lực”, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nhận định, đây là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn. “Vị thế người thầy, vốn được đề cao như hoặc thậm chí còn hơn cả cha mẹ trong xã hội Việt Nam, đã không cứu được cô giáo khỏi bạo lực từ những đứa trẻ mà chính cô dạy dỗ. Đọc các bình luận về vụ việc tôi thấy nhiều người đặt câu hỏi: “Vì sao nên nỗi?”. Tôi nghĩ câu hỏi đó chỉ là một cách cảm thán và thể hiện sự bất lực của mọi người trước sự việc khủng khiếp này nhưng ai cũng biết câu trả lời”.

“Tôi thường xuyên theo dõi vấn đề bạo lực học đường nhưng lần nào xem các clip đó tôi cũng thấy kinh sợ. Tôi kinh sợ vì thấy mức độ bạo lực trong trẻ em ngày càng gia tăng. Tôi khiếp hãi vì thấy một số đứa trẻ hả hê khi tung ra những đòn đánh cực kỳ hiểm ác vào thân thể non nớt của đứa trẻ nạn nhân và trút lên đầu nó những lời chửi rủa mạt sát khủng khiếp. Tôi hiểu vì sao những đứa trẻ nạn nhân có thể tìm đến cái chết, vì sao có đứa bị rối loạn tâm trí không thể phục hồi… Vì thế từ sáng đến giờ tôi không ngừng nghĩ đến hình ảnh cô giáo bị lũ trẻ vây hãm và hành hung, mạt sát với một nỗi lo lắng tột độ”, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ trên trang cá nhân.

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, trẻ con không sinh ra với bạo lực. “Một số đứa trẻ bạo hành người khác vì học hỏi điều đó từ người lớn. Chúng chứng kiến cha mẹ hoặc hàng xóm của chúng bạo hành lẫn nhau hoặc chúng bị chính cha mẹ hoặc người lớn khác bạo hành. Tôi đã từng chứng kiến những ông chồng đánh vợ với những đòn tàn độc như đánh kẻ thù. Tôi cũng đã từng chứng kiến có ông bố đánh con như đánh rắn, ném con xuống giếng, tra tấn con bằng cách gí đầu thuốc lá đang cháy vào người nó. Tôi đã nghe có bà mẹ chửi con gái là “đồ đĩ”, “sau này lớn lên chỉ có nằm ngửa ăn sẵn”… chỉ vì đứa bé mải chơi không làm việc nhà… Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực kinh tế hay bạo lực tình dục giữa người lớn chính là nguồn cơn dẫn đến bạo lực của trẻ con đối với trẻ con và trẻ con đối với người lớn như những câu chuyện ở trên. Mức độ bạo lực giữa trẻ con phản ánh mức độ bạo lực giữa người lớn. Mức độ bạo lực của cả người lớn và trẻ con phản ánh mức độ suy đồi của đạo đức xã hội”.

Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam

One thought on “Vụ cô giáo bị học sinh “bạo lực”: Khi “Tiên không học lễ”…

  1. admin says:

    Nguyễn Đức Hiển

    “CÔ GIÁO TỪNG BỊ KỶ LUẬT”
    Cô giáo có thể ứng xử kém, thiếu kỹ năng và bản lĩnh. Cô giáo cũng có thể đã từng có những vi phạm nội quy hay nguyên tắc và bị kỷ luật.
    Nhưng có một điều không thể phủ nhận là thời điểm xảy ra sự việc, cô đang được bố trí đứng lớp, đang là nhà giáo. Lãnh đạo nhà trường và chính quyền phải không thể phủ nhận, theo đánh giá và phân công của chính họ, cô xứng đáng là cô giáo, là nhà giáo. Và những đứa trẻ kia đang là học sinh của cô.
    Và cô giáo, đã bị các học sinh càn rỡ, hỗn xược có thái độ bạo hành.
    Và những học sinh kia, rất đông, rất hỗn hào, không phải là sản phẩm giáo dục của một mình cô giáo. Những đứa trẻ ấy là là sản phẩm của gia đình, nhà trường, xã hội. Và nhà trường là một đội ngũ sư phạm dưới quyền của Ban Giám hiệu; xã hội nhỏ là dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch UBND xã.
    Vì vậy, khi trả lời công luận, chính quyền và nhà trường phải nêu quan điểm của họ. Có thể là sự bất lực, đau lòng, là trách nhiệm giáo dục chưa tới, trong đó có phần trách nhiệm của mình. Là quan điểm về sự việc và cách ngăn ngừa, cải thiện; là những chia sẻ với nhà giáo về sự việc mà ai cũng thấy là cú sốc tinh thần với cô.
    Chứ không phải là: Ôi, cô giáo cũng từng sai, từng vi phạm và bị kỷ luật. Càng không phải là: Ơ, chuyện đó đã xảy ra cả tháng và xử xong rồi.
    Không thể bôi cô giáo bằng những cái dở của cô (để gián tiếp thuyết phục dư luận rằng sự hỗn xược kia là “ăn miếng trả miếng”?)
    Khi cố gắng bẻ lái nhấn sâu vào cái dở của cô giáo để làm nhẹ đi tính nghiêm trọng của sự việc khiến dư luận phẫn nộ, thì quý vị cũng đang gián tiếp giới thiệu điều rất tệ về mình!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *