Xem lại Trần Đăng Khoa viết sử

Người xem: 304

 
Ông Đại tá Nhà báo Đào Văn Sử gởi cho tôi bài MỘT SỰ THẬT LỊCH SỬ đã vài chục ngày mà nay mới đọc. Đó là bài trả lời phỏng vấn của Trần Đăng Khoa, vẫn giữ quan điểm quyết cho Trung tướng anh hùng Phạm Xuân Thệ là “Lý Thông” với nhiều lý lẽ. Từ từ tôi sẽ phân tích. Hôm nay ta thử ngược dòng thời gian một chút xem cội nguồn vấn đề.
 

Trần Đăng Khoa là một trong những người chủ chốt gây ra sự tranh cãi về ngày lịch sử 30-4-1975. Khoa kể, năm 1996, đã về Quân đoàn 2, được nghe chính anh Phạm Xuân Thệ kể, “Nhưng ngay từ dạo đó, chúng tôi cũng đã không tin. Không tin vì hai lý do. Một: Văn bản đầu hàng cho Dương Văn Minh rất chặt chẽ, kín kẽ, khó có thể là văn của một anh đại úy, chỉ huy quân sự…”

Như vậy, TĐK đã sai ngay từ nhận thức đầu tiên này. Giả sử văn bản có “chặt chẽ kín kẽ” là do khả năng của ông Bùi Tùng thì vấn đề soạn thảo văn bản ở Đài PT SG như đã công bố cũng không có gì phải tranh cãi cả, vì nhóm anh Thệ luôn kể, đang soạn thảo thì thấy ông Tùng đến và đã mời ông ấy cùng soạn mà. Viện LSQS còn kết luận thiên vị ông BT hơn nữa, đã cho ông chỉ đạo hoàn thành văn bản, tức văn bản cũng có “văn” ông Bùi Tùng.
 
Như vậy, sự tự phụ về tài văn chương đã làm mờ mắt Trần Đăng Khoa nên không đọc nổi mặt chữ để hiểu cho đúng vấn đề, tự vạch áo cho người xem lưng cái sự ngô nghê, lầm lạc của mình, và còn xúc phạm nặng nề danh dự anh hùng Phạm Xuân Thệ, đã quấy rối, xuyên tạc, xả rác vào LS.
 
Hôm nay, ta thử xem lại chút tài viết sử của TĐK.
 
***
 
Trong một bài viết TĐK kể như trực tiếp hỏi chuyện anh Bùi Quang Thận, nhưng TĐK lại viết quá sai:
 
“Vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, anh (anh Thận) lại đụng phải 3 chiếc xe tăng địch xông ra đánh chặn. May sao, Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4, ngồi trên chiếc tăng 390 đã chỉ huy bắn cháy luôn cả 3 chiếc tăng ấy”.
 
Theo anh Thận và nhiều người trong cuộc kể, đến Cầu Thị Nghè, xe của anh Lê Tiến Hùng đi đầu bị trúng đạn, anh Hùng bị thương và một chiến sĩ hy sinh. Xe 843 của anh Thận đã tiêu diệt xe tăng địch, mở đường cho quân ta tiếp tục tiến công. Còn xe 390 của anh Toàn, trên một chương trình của VTV, anh Nguyên kể, đến ngã tư Hàng Xanh, xe 390 thấy 2 xe M113 địch, và đã “bắn toác ra”.
 
Như vậy, xe 843 phải khác xe 390; Ngã tư Hàng Xanh thì phải khác Cầu Thị Nghè; M113 thì phải khác xe tăng chứ?
 
TĐK viết: “… lữ đoàn tăng 203 đã chia làm 2 mũi, hướng theo đường Hồng Thập Tự tốc thẳng vào Dinh Độc Lập”.
 
Đoàn xe chia 2 mũi sao lại hướng theo một đường “Hồng Thập Tự” được?
 
TĐK viết: “Lúc 10 giờ 15 phút, chiếc xe tăng 843 của Bùi Quang Thận dẫn đầu đã vượt qua các ổ đề kháng, vượt qua khu Nhà Xanh, vượt qua cả những họng súng đang ngơ ngác của địch, lừng lững tiến thẳng vào cửa Dinh Độc Lập”.
 
Khi qua Cầu Thị Nghè quân ta không còn gặp ổ đề kháng nào, và đường từ đó tới Dinh ĐL cũng không có khu nào gọi là “khu Nhà Xanh”.
 
TĐK viết: “Phải đến cú húc thứ ba cánh cổng sắt mới chịu đổ sập. Bùi Quang Thận cho xe tốc thẳng vào sân dinh… Trước mặt anh, lố nhố những xe tăng, xe bọc thép tuyến phòng ngự cuối cùng của địch bảo vệ Dinh…”
 
Theo anh Thận kể, xe 843 húc 3 lần cổng phụ trái thì cánh cửa cổng chính đã bung ra, nhưng xe anh chết máy; xe 390 chạy tới, rẽ phải vào Dinh. Xe 843 nổ máy lại, phải lùi lại, vòng sang cổng chính mới chạy thẳng vào Dinh được. Trong Dinh lúc này chỉ có ít bộ binh địch, hoàn toàn không có “lố nhố những xe tăng, xe bọc thép”.
 
TĐK viết: “Qua bậc tam cấp, anh (anh Thận) bị đánh bật trở lại. Hàng rào đặc biệt chống đỡ chăng? Bùi Quang Thận ngỡ ngàng một chút, rồi chợt nhận ra đó chỉ là bức tường kính trong suốt mà thoạt đầu anh không nhìn thấy, cũng chẳng biết nó là cái gì”.
 
Theo anh Thận kể, anh vào Dinh, chạy lên tầng 1, anh nói có chút bông đùa, vì “văn hoá thấp, ngắn học”, anh đã “đánh động” Nội các DVM bằng cách húc đầu vào tấm kính ngăn phòng, mạnh đến nỗi “đầu tôi phải băng”.
 
***

Trong viết văn, hư cấu là tất nhiên, hư cấu mà tái hiện được hiện thực như thực thì đó chính là tài năng. Còn nhớ từ năm tám mấy thế kỷ trước, lần đầu tôi mang 3 truyện ngắn đến nhà Nhà văn Nguyễn Khải ở bên Cảng Sài Gòn. Tôi đã khéo léo cài cắm những chi tiết thực của công việc nghiên cứu của tôi ở Viện Công nghiệp Dược với sự hư cấu ý tứ văn chương, một hiện thực quá xa lạ với Nguyễn Khải. Ông đã nói cái câu làm tôi nhớ đời: “Một đời viết may ra viết được vài cái thế này”, ông nói thêm: “Công nhận cái gì có thực vẫn hay”, Tôi nói: “Không thực đâu, em bịa đấy!”; Nguyễn Khải: “Bịa thế mới tài chứ”!

Đó là văn chương, còn viết về sự kiện LS thì những sự kiện chính không được phép hư cấu; hư cấu là sự xuyên tạc, phạm pháp. Thực ra, Trần Đăng Khoa không phải hư cấu mà do khả năng tái hiện sự thật quá kém, nghe kể mà cũng không viết lại cho đúng được!
 
Thật buồn khi phải viết thế này, vì thực tế mấy lần Khoa gặp tôi, ở Hội nghị Lý luận phê bình của Hội Nhà Văn VN tại Tam Đảo, ở chỗ cô Hoà, Khoa đều tỏ ý rất thân thiện với tôi, tiếc là Khoa sai quá!
 
11-6-2021
ĐÔNG LA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *