Bài viết của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Số là, không bao lâu sau khi Việt Nam trở thành quốc gia độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần gửi điện, thư tới Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ lòng mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tiếc rằng, thiện chí ấy phải mất nửa thế kỷ sau mới trở thành hiện thực! Chỉ riêng điều đó thôi đã nói lên rằng, quan hệ Việt – Mỹ phức tạp đến nhường nào; những gì đạt được rất đáng trân trọng.
Tôi xin không đề cập một cách có hệ thống lịch sử quan hệ Việt – Mỹ vì đơn giản là công việc của tôi trước những năm 80 thế kỷ trước chẳng liên quan gì tới mối quan hệ này cả. Chỉ từ sau năm 1982, khi kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Đại sứ quán nước ta ở Liên Xô về nước, tôi mới được tiếp cận công việc chung của Bộ Ngoại giao, trong đó có những việc liên quan tới quan hệ Việt – Mỹ. Bởi vậy tôi chỉ có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về những sự kiện tôi được trực tiếp tham gia mà thôi.
Chính sách đối ngoại vốn là sự tiếp nối của chính sách đối nội; ngược lại quan hệ đối ngoại lại tác động trở lại tình hình trong nước. Mà tình hình kinh tế nước ta lúc ấy khó khăn lắm; năm 1986 tỷ lệ lạm phát lên tới trên dưới 800%! Toàn bộ tiền tiết kiệm vợ chồng tôi ky cóp được sau 5 năm làm việc ở nước ngoài chỉ còn đủ mua được có… chục trứng!
Mà như Bác Hồ từng dạy: “Phải trông ở thực lực… Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Với cái chiêng rạn nứt như vậy thì lấy đâu ra tiếng lớn? Do đó, muốn khai thông quan hệ đối ngoại, trong đó có quan hệ với Mỹ, phải bắt đầu từ việc hàn gắn cái chiêng! Chẳng thế mà Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (lúc ấy được phân công phụ trách Tổ tài chính – tiền tệ trong Tiểu ban của Bộ Chính trị về chống lạm phát) đã tập trung trí lực toàn ngành vào nhiệm vụ “ngoại giao làm kinh tế”, trong đó có việc chống lạm phát đồng thời ra sức đóng góp vào việc chuẩn bị Đại hội lần thứ 6 của Đảng nói chung.
Công cuộc đổi mới do Đại hội 6 phát động thực sự là bước ngoặt lịch sử tạo tiền đề đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội và tạo nên cái chiêng lớn giúp cho ngoại giao nước nhà có tiếng ngày càng vang xa trong những năm tiếp theo.
Nhằm cụ thể hóa đường lối Đại hội 6 về quan hệ quốc tế và để có “cái gậy” triển khai hoạt động cụ thể, ông Thạch đã “quần” anh em chúng tôi suốt ngày đêm để nghiên cứu cặn kẽ mọi mặt tình hình thế giới, làm căn cứ soạn thảo một nghị quyết trình Bộ Chính trị.
Và năm 1988, một nghị quyết như vậy đã được thông qua với những chủ trương rất cơ bản, đặt nền tảng cho đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ đổi mới với những điểm bổ sung, chỉnh sửa cần thiết trong từng giai đoạn.
Cá nhân tôi ấn tượng nhất là ý tưởng nêu trong Nghị quyết về nhiệm vụ củng cố hòa bình để tập trung sức lực xây dựng và phát triển kinh tế là “lợi ích cao nhất”, là “nhiệm vụ chiến lược” của Đảng và Nhà nước. Và muốn vậy thì cần tìm cách tháo gỡ vấn đề Campuchia thông qua việc rút quân tình nguyện về nước, góp phần thúc đẩy một giải pháp chính trị cho vấn đề gay cấn này.
Văn bản đó lần đầu tiên nêu phương châm “đa dạng hóa” quan hệ quốc tế, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, giải quyết một số vấn đề do chiến tranh để lại với Mỹ, mở rộng quan hệ hợp tác với các nước Đông Nam Á và các nước khác…
Ngày nay những điều như vậy tưởng như là lẽ đương nhiên, nhưng lúc ấy phải trải qua biết bao trăn trở và tranh luận cam go mới có được. Đúng là “vạn sự khởi đầu nan”.
Sau đận ấy, ông Thạch và một số cán bộ chủ chốt trong Bộ đã tập trung xử lý các vấn đề được coi là “đột phá” như vấn đề Campuchia, trình Quốc hội sửa đoạn liên quan tới Trung Quốc trong Lời nói đầu của bản Hiến pháp 1982, tiến hành các cuộc tiếp xúc với phía Mỹ, trong đó có những hoạt động sôi nổi của ông ở Liên hợp quốc và cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Baker tại New York vào tháng 9/1990…
Cá nhân tôi được phân công lo mảng việc liên quan tới vấn đề “ra đi có trật tự” (ODP), “con lai”, “người được thả ra khỏi các trại cải tạo” (HO)… Chính vì vậy mà lần đầu tiên trong đời tôi có dịp tiếp xúc với người Mỹ “bằng xương, bằng thịt”.
Số là do hậu quả chiến tranh, sau năm 1975 đã nảy sinh dòng người Việt Nam di tản ra nước ngoài, một bộ phận không nhỏ trong số đó ra đi bằng thuyền nên được gọi là “thuyền nhân”. Hiện tượng này đã gây mất ổn định trong nước và làm phức tạp thêm mối quan hệ quốc tế của nước ta vốn cực kỳ phức tạp. Nhân đây tôi muốn chia sẻ một nỗi niềm day dứt lâu nay. Có thể nói không quá lời rằng, trên thế gian này hiếm có dân tộc nào cơ cực như dân ta từng phải năm lần bảy lượt rời bỏ quê hương đi lánh nạn ngoại xâm dưới 4 tên gọi khác nhau: “Tản cư” trong kháng chiến chống Pháp, “di cư” do bị kích động sau Hiệp định Genève, “sơ tán” trong kháng chiến chống Mỹ và “di tản” sau năm 1975!
Để giải quyết vấn đề di tản, một hội nghị trù bị quốc tế được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) và tôi được cử làm Trưởng đoàn. Tại đó, các nước trong khu vực vốn phải lập ra các “trại tỵ nạn” để chứa hàng vạn người di tản tạm trú trước khi được các nước phương Tây tiếp nhận, đã khăng khăng đòi “cưỡng bức” hồi hương toàn bộ bà con về nước; còn phía ta kiên quyết phản đối điều đó mà chỉ chấp nhận phương án “tự nguyện hồi hương”. Vì vậy hội nghị rơi vào bế tắc và phải tạm nghỉ giải lao.
Đúng lúc ấy, Trưởng đoàn Mỹ là Trợ lý Ngoại trưởng, nếu tôi nhớ không nhầm thì tên ông ta là Norman, đã ngỏ ý muốn cùng tôi “uống cà phê” – điều không có trong “đề án” hoạt động của đoàn ta. Mặc dầu vậy tôi “đánh liều” chấp thuận và sánh vai cùng ông ta ra khỏi hội trưởng đi tới quầy cà phê – một sự kiện “giật gân” hút giới báo chí nhào vào chụp ảnh, quay phim.
Khi đàm đạo, ông ngỏ ý không tán thành phương án “cưỡng bức hồi hương” vì như vậy là “vi phạm nhân quyền”. Tôi bèn gợi ý ông công khai bày tỏ quan điểm này tại Hội nghị – điều ông ta đã làm sau giờ giải lao. Quả nhiên hội trường im re, không thấy ai lên phát biểu nữa và chủ tọa đề nghị hội nghị tạm nghỉ để tham vấn riêng với đoàn Việt Nam.
Sau hàng tiếng đồng hồ trao đi đổi lại rất căng thẳng, ta và đại diện nước chủ nhà là Malaysia cùng Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (HCR) đi tới thỏa hiệp về phương án “hồi hương có trật tự” thay vì “cưỡng bức hồi hương” với quy trình và thủ tục chẳng khác gì “hồi hương tự nguyện” với sự tài trợ của quốc tế. Phương án thỏa hiệp này đã được Hội nghị chính thức họp ở Genève sau đó thông qua và đi vào triển khai.
Nhờ những thành tựu trong công cuộc đổi mới đi đôi với việc giải quyết vấn đề di tản trên cả hai bình diện “ra đi” và “hồi hương” có trật tự, tình hình ổn định dần.
Vũ Khoan
* Còn tiếp
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả