QUY CHỤP VÀ PHẢN BIỆN

Người xem: 313

Cuteo@

1. Quy chụp

Có thể hiểu nôm na “quy chụp” là đổ lỗi, hoặc kết tội cho người khác theo kiểu chụp mũ.



Một anh CSGT trả lại tiền nhặt được cho người bị mất lại bị quy chụp vào hành động không bình thường, hâm và khùng. Một người không thích tham gia bia bọt rượu chè chỉ vì cơ thể anh ta di ứng với chất có men, liền bị quy chụp là thiếu hòa đồng. Một người có ý kiến khác, hoặc trái chiều với lãnh đạo liền bị cho là chống đối.

Quy chụp trước hết thể hiện sự thiếu tôn trọng thanh danh, uy tín, nhân phẩm người khác người khác. Đó là biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thấp hèn. Không biết thừa nhận người khác thì không thể khẳng định được mình. Chưa chắc chắn mà đã quy chụp có thể sẽ vùi dập, bóp chết những tâm hồn khác, bẻ gẫy những chồi non mới nhú…

Đáng sợ nhất là cấp trên quy chụp cấp dưới rồi dẫn đến hành động gây khó, kìm hãm cấp dưới. Chồng hoặc vợ quy chụp lẫn nhau chỉ vì tôi thấy anh đi cùng với người thứ ba nào đó hôm qua, và anh làm gì mà về muộn? Điện thoại sao lại cài mật khẩu?…Để rồi hạnh phúc gia đình tan nát, sứt mẻ. Một người lên mạng, phát biểu quan điểm của mình trái với ý của những người chống cộng, liền bị quy chụp là dư luận viên. Một người phản biện về một dự án kinh tế nào đó ngõ hầu tìm ra phương án tối ưu cho phát triển rất có thể bị coi là chống phá.


Chúng ta sẽ vô cùng khổ sở khi bị quy chụp theo kiểu thằng này thế nọ, thằng này thế kia, và rằng nó có làm được gì đâu…Hậu quả là ta không thể tiến bộ dù có hờn, có mát, có cố, có gắng.



Quy chụp đã tồn tại trong lịch sử cho đến tận bây giờ, và nó là vật cản của sự tiến bộ xã hội.

2. Không quy chụp, dân mới muốn phản biện

Quy chụp sẽ giết chết phản biện. Vì thế, muốn được nghe dân nói lên tâm tư nguyện vọng của mình, cần phải bỏ tư duy quy chụp.


Bàn về vai trò phản biện của MTTQ, một số đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị nên có quy định về việc giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng.



Tôi chú ý đến phát biểu của ông Trương Trọng Nghĩa.



Ông Nghĩa cho rằng dự luật nên bổ sung thêm hai nguyên tắc. (1) tôn trọng sự khác biệt về quan điểm; (2) không quy chụp tư tưởng, không kỳ thị hay phân biệt đối xử đối với những người tham gia giám sát, phản biện. 



Ông nói: “Đã từng có chuyện đấu tranh chống tham nhũng sau đó có chuyện bị kỳ thị và đối xử phân biệt. Vì vậy nên có nguyên tắc như vậy để động viên được các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc giám sát, phản biện xã hội. Còn không người ta chỉ nói bên ngoài, thậm chí người ta không nói gì cả”. 



Nguyên tắc thứ hai, theo ông Nghĩa, là không được lợi dụng giám sát, phản biện để có những hành vi bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại mối đoàn kết toàn dân, gây bạo loạn nhằm chống lại Nhà nước nhằm lật đổ chính quyền. “Hai nguyên tắc hoạt động này của Mặt trận sẽ tạo ra sự cân bằng và làm cho luật khi ban hành sẽ có một tác động mạnh mẽ đối với cuộc sống”.



Thật đúng khi nói: Người dân sẽ vô cùng sợ hãi khi phản biện bị quy chụp cho là chống đối!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *