Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội

Người xem: 352

Lâm Trực@

Sáng ngày 28/11/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam với sự tán thành của 458/459 đại biểu có mặt. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với tình hình thực tiễn của quân đội.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Lê Tấn Tới

Theo nội dung mới của luật, cấp quân hàm Đại tướng trong Quân đội Nhân dân Việt Nam được quy định số lượng không quá ba người, gồm các chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Số lượng này phản ánh sự tinh gọn, hiệu quả trong tổ chức bộ máy lãnh đạo cấp cao của quân đội, đồng thời tạo sự cân đối với các lực lượng vũ trang khác.

Cùng với đó, luật cũng quy định tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) của sĩ quan quân đội theo từng bậc quân hàm tăng từ 1-5 tuổi so với quy định hiện hành. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy là 50 tuổi; thiếu tá là 52; trung tá 54; thượng tá 56; đại tá 58; và cấp tướng là 60 tuổi. Trong trường hợp quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và sức khỏe, đồng thời tự nguyện, có thể được kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ thêm không quá năm năm. Các trường hợp đặc biệt còn có thể kéo dài hơn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quá trình thảo luận trước khi thông qua luật đã ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau. Một số đại biểu đề xuất áp dụng độ tuổi nghỉ hưu thống nhất theo Bộ luật Lao động và Luật Công an Nhân dân. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với tính chất đặc thù về tổ chức, nhiệm vụ và đối tượng tác chiến của quân đội, nếu tăng tuổi nghỉ hưu bằng với các ngành khác sẽ không đảm bảo sức khỏe cho sĩ quan ở các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, đồng thời gây ùn tắc trong công tác tổ chức nhân sự và tuyển sinh quân sự. Việc giữ mức tuổi nghỉ hưu như dự thảo luật là cần thiết để bảo đảm đội ngũ sĩ quan có thời gian phục vụ quân đội lâu dài hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện đại.

Về quy định cấp bậc quân hàm cao nhất, luật quy định tổng số sĩ quan cấp tướng không vượt quá 415 người. Cụ thể, số lượng thượng tướng và đô đốc hải quân tối đa là 14, bao gồm các chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Giám đốc và Chính ủy Học viện Quốc phòng. Các chức vụ cấp trung tướng, thiếu tướng và tương đương có số lượng không quá 398. Quy định này đảm bảo tính minh bạch, chặt chẽ và phù hợp với cơ cấu tổ chức của quân đội.

Ngoài ra, luật mới cũng quy định rõ cấp bậc quân hàm cao nhất đối với các sĩ quan quân đội biệt phái giữ chức vụ trong cơ quan dân sự như Chủ nhiệm hoặc Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thứ trưởng hoặc chức danh tương đương. Việc này nhằm duy trì sự tương xứng về cấp bậc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sĩ quan trong việc thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, tổ chức ngoài quân đội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh rằng, để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu sửa đổi các nghị định, thông tư liên quan. Các nội dung sửa đổi sẽ được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với luật mới và cơ cấu tổ chức của quân đội. Đồng thời, việc phân bổ cấp bậc quân hàm cũng sẽ được điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực cho sĩ quan ở mọi cấp bậc, chức danh.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2024, đánh dấu một bước ngoặt trong việc xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội vững mạnh, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *