Tản mạn về “Quan tài diễu phố” ở Móng Cái

Người xem: 156

LâmTrực@
 
Lại một vụ quan tài diễu phố. Lần này là ở Móng Cái.

Không phải bây giờ, mà đã từ lâu, sử dụng “quan tài diễu phố” để gây áp lực tới cơ quan công quyền nhằm đáp ứng các yêu sách của mình đã được người dân sử dụng. Đáng xấu hổ, hiện tượng này đang trở thành một thứ “hội chứng xã hội bệnh hoạn”. Thực tế cho thấy ở hầu hết các vụ việc đều bắt nguồn từ việc quá khích, kém hiểu biết của người dân và liên quan đến những bức xúc của họ đối với các cơ quan có liên quan. Cá biệt, có những vụ, nói trắng ra là làm tiền nhưng núp bóng đòi công lý.

Tháng 8/2010 gia đình anh Khương ở Bắc Giang cùng nhiều người đưa quan tài đến UBND tỉnh để đòi giải quyết cái chết oan khuất của anh tại trụ sở CA huyện Tân Yên; Tháng 12/1012 người dân Đông Triều, Quảng Ninh đem theo cả quan tài để chống thu hồi đất; Tháng 1/2013 gia đình anh Ái ở TX Thái Hòa, Nghệ An đem quan tài đến CA thị xã đòi công lí; Ngày 17/3/2013 người dân thành phố Vĩnh Yên lại đem quan tài đến một địa điểm trung tâm TP đòi làm rõ cái chết của anh Tuấn Anh. Chỉ vài ngày sau, người dân xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng lại mang xác anh Nguyễn Văn Quệ đến UBND xã, đòi hỏi phải làm rõ nguyên nhân cái chết của anh sau vụ bị bắt vì đánh bạc. 


Và ngày hôm nay, cho rằng người thân chết bất thường trong phòng giam trụ sở công an, sáng 18/10/2014, người dân lại kéo quan tài mang thi thể ông Nguyễn Văn Sửu đến trụ sở công an TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đòi làm rõ nguyên nhân.


Đúng sai thế nào chưa biết, nhưng làm thế thật không nên. 
 
Người dân cho dù bình tĩnh đến mấy cũng vẫn đặt câu hỏi, vì sao có câu chuyện quái gở này, và có nên vì những đồng tiền hay vì nhẹ dạ tin theo những lời xúi giục của kẻ xấu mà nhẫn tâm hành hạ cả người đã khuất. Và tại sao cái quan tài/xác chết kia lại có thể trở thành phương tiện giải quyết mâu thuẫn hoặc đòi yêu sách?
 
Người Việt có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng có lẽ câu nói này giờ đã khó tìm được chỗ đứng trong lòng xã hội. Người chết cho dù vì bất kì nguyên nhân nào, dù oan ức đến mấy vẫn rất cần được tôn trọng theo truyền thống dân tộc. Anh Tuấn Anh, anh Quệ, anh Sửu và bao người khác nữa đến khi chết vẫn chưa được yên, cái xác vô hồn của các anh vẫn phải tất tả ngược xuôi trong đám đông hỗn loạn làm thêm cái việc đi đòi công lý hoặc tiếp tục “làm kinh tế”!!!!
 
Thực tế, người dân không phải là không hiểu luật pháp, không biết đến thuần phong mỹ tục và càng không phải họ không tôn trọng người chết. Nhưng vì sao họ chọn con đường tiêu cực? Vì thực tế họ là kẻ yếu, họ nghèo đói, họ bị đối xử bất công và họ khao khát đảo ngược tình thế, hoặc chí ít họ cảm thấy được tôn trọng, vì thế họ chọn con đường nổi loạn. Những vụ việc mang quan tài diễu phố hay ăn vạ tại cửa quan giờ đây không phải là hiếm, nó diễn ra hàng ngày và có nguy cơ tăng cao, thực trạng đó đã tô đậm thêm những bất công trong xã hội. 
 
Đằng sau những vụ việc này, người dân nhận ra, những đòi hỏi hay yêu sách của họ sẽ được nhanh chóng giải quyết bởi sự sợ hãi hay sốt sắng của chính quyền, và đương nhiên nó dần chở thành một phương pháp đấu tranh đòi công lý hoặc tệ hơn là để làm tiền. Bất kể một chính quyền nào, đều không mấy hào hứng khi phải đối mặt với sự tụ tập của những đám đông quá khích, bởi nó làm xấu đi hình ảnh của chính thể và nguy cơ tạo ra các bất ổn xã hội là cực lớn, và vì thế, phương châm là phải nhanh chóng giải quyết dứt điểm. Đây chính là điểm yếu của mọi chính quyền, đặc biệt là những chính quyền ít phải chứng kiến những cảnh như trên.


Dưới góc nhìn khác, người dân khó có thể nhận ra được chân lý trong trạng thái hưng phấn, cuồng loạn đến tột đỉnh. Và điều này, đáng buồn thay, ngay lập tức được những người vốn không ưa gì chế độ chộp lấy, lợi dụng, và thỏa sức bêu xấu, nhục mạ chính quyền. Vậy là từ những mục đích đơn giản, vụ việc dần mang màu sắc chính trị kiểu hè phố có pha chút côn đồ. Hiển nhiên, không có gì là lạ khi những vụ việc tương tự như vậy nhanh hơn tia chớp được bơm bít, tô trát thành các hiện tượng xã hội nổi bật đầy màu tối, có mặt trên truyền thông và lan đến mọi ngõ ngách của địa cầu. Các bạn có thể thấy, sau mỗi vụ việc “quan tài diễu phố”, thì ngay lập tức các trang mạng của những người mang danh zân chủ đã có bài viết phản ánh sự kiện, nhưng lại lồng vào đó những ý kiến bôi nhọ, đổ lỗi cho chính quyền, bất chấp việc họ chưa thể biết đúng sai thuộc về ai.
 
Đáng xấu hổ, việc làm giảm nhiệt các vụ việc như vậy trên thực tế vẫn còn quá khó khăn. Cái chính là người ta chưa hoặc cố tình chưa nhận thức đúng về việc giải quyết các xung đột xã hội trong mối liên hệ với ổn định xã hội hay phát triển kinh tế. Về cơ bản, những hiện tượng trên có thể chấm dứt nếu như chính quyền nắm được nguyên nhân và xử lí tận gốc. 
 
Thực tế là người dân tử tế không tự nhiên đi làm cái việc cực chẳng đã đó, họ cũng xót xa với việc mang xác con em mình chạy lông nhông giữa phố, điều đó đồng nghĩa với những nguyên nhân dẫn đến vụ việc trước hết và chủ yếu là xuất phát từ chính quyền và từ người thi hành công vụ. Tất nhiên, không loại trừ những nguyên nhân do bị kích động hoặc do nhận thức sai lệch về bản chất vấn đề.
 
Để sự việc xảy ra là điều rất đáng trách. Nhìn thẳng vào sự thật, dám nhận khuyết điểm và sửa sai một cách minh bạch có lẽ sẽ là con đường nhanh nhất để chính quyền giải quyết tận gốc vấn nạn quan tài diễu phố. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần kiên quyết hơn với những trường hợp táng tận lương tâm, lợi dụng sự kiện để kích động người dân, tạo nên bất ổn xã hội, và thẳng tay trừng trị những trường hợp lợi dụng để làm tiền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *