Bài học Tú bà dạy Thúy Kiều

Người xem: 221

Bài học tú bà dạy cho nàng Kiều
 
Truyện Kiều là một câu chuyên của một cô gái ba chìm bảy nổi, gần như hầu hết cuộc đời của nàng ở nơi chốn lầu xanh, một câu chuyện pha khá nhiều màu sắc tình dục cũng giống như Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu viết về một nàng cung nữ chỉ khác nhau ở chỗ Kiều một cô gái lầu xanh phục vụ cho nhiều khách làng chơi trong khi nàng cung nữ thì chỉ dành riêng cho một đấng quân vương
 
Trong bài học mà Tú bà dạy cho nàng Kiều, Nguyễn Du đã viết
 
Này con thuộc lấy nằm lòng
Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề
Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời
 
Để viết một kịch bản như thế chắc là Nguyễn Du khó có thể bỏ qua mà không tham khảo một tác phẩm về tình dục cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc là Tố Nữ Kinh
 
Trong một cuốn sách Truyện Thúy Kiều hiệu khảo của Bùi Kỷ và Trần trọng Kim, trong phần chú thích thì hai ông này cũng chỉ ghi: Tám nghề là tám cách chơi, trong bản Kiều chữ có dẫn rõ ràng, nhưng vì tục lắm cho nên không trích vào đây
 
Trong Tình Sử Vương Thúy Kiều của Mộng Bình Sơn – Kim Thánh Thán ghi theo bàn Phong Tình Cỗ Lục thì chỉ ghi là Tú bà dạy cho nàng Kiều bài học về các món ăn chơi chứ không thấy ghi rõ 8 nghề đó là gì
 
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Thạch Giang và Trương Chính nhà Xuất bản văn hóa thông tin 2002 chỉ viết như sau: “… tuỳ theo tính cách của khách mà dùng nghề cho thích hợp, tám nghề này tục tĩu nên 205 chữ mô tả cách chơi trong bản Kim Vân Kiều truyện in lại gần đây ở Trung Quốc đều đã lược đi” ???!!!
 
Trong hai quyển do nhà Xuất Bản Đà Nẵng, quyển Truyện Kiều Tập Chú thì các tác giả Nguyễn Văn Anh, Bùi Khánh Diễn và Phạm Kim Chi mà trong bài trước có trích dẫn. Pham Kim Chi viết rằng trong Thanh Tâm Tài Nhân chép: “những người dương vật đoản, tiểu thì dùng phép Kích cổ thôi hoa (đánh trống giục hoa) người trường đại dùng phép Đại triển kỳ cô (mở tung cờ trống) người tính huỡn dùng phép Kim liên song tỏa (sen vàng khóa chặt hai vế) Người xuất tinh sớm dùng phép Màn đã khinh xao (chậm đánh khẻ rung) dùng phép Khẩn soan tam trật (ôm chặt ba chân) người chơi nhây thì dùng phép Tả chi hữu trì (tạy mặt ôm, tay trái giữ) Người hay giỡn hớt dùng phép Tả tâm truy hồn (khóa lấy tâm, theo dõi thần hồn) Người tham sắc dùng Nhiếp thần siểm tỏa (thu hết tinh thần làm ra vẻ dún dẩy)
 
Thử tìm trong cuốn Thanh Tâm Tài Nhân mà tôi có không có đoạn này.
 
Trong một cuốn Truyện Kiều dịch ra tiếng Pháp (Kiều – Traduit du Vietnamien – troisieme edition – HaNoi 1979 thì người dịch cũng dịch Ma fille , tâche de les savoir tous par couer, les sept maniereres de seduire, les huit fascons d’aimer mà không kèm lời chú giải fascons d’aimer cũng được hiểu như một tư thế hành lạc mà thôi.
 
Còn một vô số sách khác nhất là các sách chú giải giáo khoa thì các tác giả cố tránh giải thích vấn đề này hoặc sao chép của các tác giả trên.
 
VÀNH NGOÀI BẢY CHỮ bao gồm các kỹ năng lôi kéo khách làng chơi như :
 
1. Khốc: Có nghĩa là khóc, dùng nước mắt để tranh thủ lòng thương cảm của khách làng chơi. Phải khóc lóc như thật để chứng tỏ mình thành tâm, thiệt ý. Tú bà đã dạy Kiều dùng nước gừng sống tẩm vào khăn tay để lau nước mắt thì nước mắt sẽ không khô mà còn tuôn ra như suối.
 
2. Tiễn: Có nghĩa là cắt. Rủ khách cùng mình mỗi người cùng cắt một mớ tóc, kết thành một sợi rồi chia cho nhau buộc vào hai cánh tay, làm lễ “kết tóc” biểu tỏ thủy chung bền chặt, khách sẽ tưởng là mình chân thành mà không nỡ bỏ.
 
3. Thích: Có nghĩa là đâm, chích. Lấy cây trâm chích vào cổ tay hay trên bắp đùi mấy chữ “Thân phu mỗ nhân” (người chồng thân yêu tên là mỗ), khách thấy vậy càng thêm yêu quý, tin tưởng ta.
 
4. Thiên: Có nghĩa là đốt, dùng hương đốt vào sáu huyệt của chàng và nàng. Sau khi thề thốt, cả hai áp người vào nhau cùng đốt các huyệt trên bụng, trên cánh tay, cổ tay. Mánh khóe này thuộc phạm vi “khổ nhục kế”.
 
5. Giá: Có nghĩa là cưới hỏi làm vợ chồng. Sau khi điều tra biết khách là kẻ giàu có thì thủ thỉ, rủ rê, bàn chuyện cưới nhau. Tất nhiên khách muốn cưới thì phải bỏ ra một số tiền lớn để chuộc mình ra. Khi đã xài hết tiền thì tìm cách lật lọng để đuổi khéo khách đi.
 
6. Tẩu: Có nghĩa là chạy. Đây là kế “đà đao”. Nếu thấy dan díu đã lâu, khách hết tiền, muốn chuộc không có tiền mà muốn chơi cũng không còn tiền đâu chơi tiếp thì chỉ còn cách tống khứ khách đi cho rảnh. Lúc ấy phải giã vờ rủ khách đi trốn, hẹn giờ hẹn chỗ nhưng không đến, đánh tiếng cho lính đi bắt kẻ bỏ trốn, thế tất khách phải sợ mà trốn thật.
 
7. Tử: Có nghĩa là chết. Chết giả chứ không phải chết thật. Thề thốt cho họ tin là mình yêu họ, chỉ biết có họ thôi, nếu không tin thì chết ngay tại chỗ, trước mắt cho chàng thấy. Nếu biết y có thê thiếp rối, không thể lấy mình được thì càng làm già đến độ rủ y “cả hai cùng chết hơn là chẳng lấy được nhau!”. Lúc đó, có tán gia bại sản, đem hết bạc tiền ra dâng cho mình, y cũng không tiếc.
 
Mây Mưa (Yunyu) Chinese Painting, Qing Dynasty
 
VÀNH TRONG là nghệ thuật chăn gối, gồm những động tác, tư thế tạo khoái cảm nhục dục cho khách làng chơi, theo thư tịch cổ thì Tam Thập Pháp mô tả những vị thế rất cơ bản trong sinh hoạt tình dục lấy sự khoái cảm làm mục đích chính
 
Có hai YẾU TỐ để lý giải câu hỏi này
 
1/ Thế nào là 8 tư thế cơ bản
 
2/ Biến thể của các tư thế cơ bản đó

Thế nào là 8 tư thế cơ bản
 
Khi tìm cách giải thích chúng tôi dựa vào các thư tịch cổ và đối chiếu lại với các hiểu biết khoa học hiện đại
 
Trước hết cần có một khái niệm về Dịch lý. Dịch đã định nghĩa như sau: Dịch là sự thay đổi, vạn hữu vũ trụ nằm trong một qui luật duy nhất là sự vận động không ngừng, chuyển biến cả thời gian và không gian, chuyển hóa cả các vật vô cùng nhỏ bé đến những vật vô cùng lớn.
 
Dịch hữu Thái Cực, thị sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái, Bát Quái định cát hung, cát hung định đại nghiệp.
 
Thái Cực diễn tả ý niệm tuyệt đối, vũ trụ, vạn vật đệ nhất thể.
 
Lưỡng Nghi là tương đối gồm hai thể đối đãi lẫn nhau như Âm Dương, Trời Đất…
 
Tứ tượng là bốn thể, tượng trưng cho bốn mùa, bốn phương. Bát Quái sinh ra từ Tứ Tượng, 8 quái này là cơ bản cho sự biến hóa của vũ trụ.
 
Bát quái tiên thiên
Bát quái hậu thiên
 
Tám quái này là tám hướng: đông tây nam bắc, chính đông chính tây chính nam và chính bắc, tám quái này cũng là ý niệm Nội Ngoại, Thượng Hạ, Tả Hữu và Tà Khuynh Hữu Khuynh và cũng là tám tư thế cơ bản của mọi vật trong không gian và thời gian, đó cũng là tám tư thế cơ bản bao gồm các tư thế đứng, ngồi, nằm, quì, co, duỗi, nghiêng, ngửa hay là 8 tư thế gồm: Chính thường vị (tư thế nam trên nữ), thân triển vị ( tư thế chân duỗi thẳng ), cao yêu vị (tư thế lưng ngửa cao), khuất khúc vị (tư thế co người lại), nữ thượng vị (Tư thế nữ trên nam) kỵ thừa vị tư thề cỡi) và ngọa chiếu vị (Tư thế nằm nghiêng) dược ghi trong sách Tố Nữ Kinh
 
Biến thể của các tư thế cơ bản
 
Từ Bát Quái sẽ sinh ra 64 quẻ và tư dó có thể biến thành vô số thể với các con số là 8 , 16 , 32 , 64 , 128…..Như vây thì các biến thế của 36 hay 72 kiễu của phương tây cũng chỉ là biến thể của 8 tư thế cơ bản xuất phát từ thuyết vạn vật đệ nhất thể của Dịch lý đông phương. Nếu so với các tư thế trong Kamasoutra (Kamasutra Portraits & Nudes Gallery http://artas.com/art-shop/kama/gn01.html ) phong phú hơn nhiều.
 
Từ các thế này sẽ cho những biến thế sau:
 
Kích cổ thôi hoa, Đại triển kỳ cô, Kim liên song tỏa, Màn đã khinh xao, Khẩn soan tam trật, Tả chi hữu trì, Tả tâm truy hồn, Nhiếp thần siểm tỏa, Tự trù mâu Thân khiển quyển, Bạo tự ngư (tư thế cong như con cá nhảy vượt), Kỳ lân giác (Tư thế cong người như sừng kỳ lân), Toản mặc cẩm (tư thế ôm cổ), Miêu thử đồng huyệt (mèo chuột cùng hang)….
 
Mỗi tư thế sẽ áp dụng cho mỗi loại khách, mỗi loại người, cũng tùy theo khách là người nhỏ yếu hay lớn con, dai dẳng, người nôn nóng, sôi nổi, hay bất lực liệt dương hay xuất tinh sớm cũng đều có thể theo 8 tư thế cơ bản rồi biến thế ra mà giao hợp.
 
Vì thế 8 chữ vành trong là 8 tư thế cơ bản rút ra từ Dich lý. Bát quái đúng hơn là cách mô giải thích các biến thể của nó
 
Tú Bà đã nói với Kiều như sau :
 
Khi khóe hạnh khi nét ngài
Khi ngâm ngơi nguyệt khi cười cợt hoa
Điều là nghề nghiệp trong nhà
Đủ ngần ấy nếp mới là người soi
 
Dạy cho nàng Kiều biết phối hợp một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo pha lẫn với nỗi đam mê, tình yêu và nghệ thuật chăn gối của 8 tư thế cơ bản, quả thật Tú Bà là môt bậc thầy trong lĩnh vực tình dục học hay nói một cách khác là tác giả của truyện Kiều là một người có một sở học uyên bác từ nhiều lĩnh vực trong đó có vấn đề tình dục, mà quyển Tố nữ Kinh cũng có thể là tài liệu cho ông tham khảo khi viết một tác phẩm có giá trị lưu lại ngàn năm cho hậu thế.
 
BS Hồ Đắc Duy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *