Có các Hội nhà văn để làm gì?

Người xem: 928

Bài tham khảo của Nhà văn Đông La

TBT Tô Lâm, sáng 1/12, trong Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức , ông đã phát động một “cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, một việc ông cho là “thậm chí rất khó”; “Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiến hành vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải uống thuốc đắng, phải chịu đau để phẫu thuật khối u”.

Bộ máy hệ thống chính trị cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, lãng phí đã là căn bệnh mãn tính trầm kha, cản trở sự phát triển đất nước, nếu TBT Tô Lâm lãnh đạo cuộc cách mạng mới này thành công, ông sẽ được ghi danh vào bảng vàng lịch sử dân tộc. Có điều thực tế cuộc sống còn tệ hại hơn cả những gì TBT Tô Lâm đã chỉ ra.

***

Các tổ chức của hệ thống chính trị của nhà nước ta hiện không chỉ cồng kềnh, có những tổ chức ngốn quỹ lương, lãng phí nhưng lại có những hoạt động không chỉ vô ích mà còn độc hại, biến chúng thành những “tổ ong” được nuôi trong “tay áo” Nhà nước. Trong các tổ chức đó có những cá nhân được chế độ quan tâm, nuôi dưỡng, đào tạo, thành đạt, được chế độ tôn vinh, rồi “quay cổ cắn chế độ”! Bên “tổ ong sử” có Phan Huy Lê cho thiếu niên anh hùng Lê Văn Tám là hư cấu, Dương Trung Quốc cho Pháp không xâm lược VN mà chỉ mượn đường đánh TQ, Vũ Minh Giang cho “Cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến ý thức hệ Quốc – Cộng”; bên “tổ ong giáo dục”, Nguyễn Minh Thuyết và Trần Đình Sử là hai người có trong danh sách 72 người đòi thay đổi Hiến pháp, đòi bỏ Điều 4 hiến định sự lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ, nhưng họ vẫn được Bộ GD&ĐT chọn làm Chủ biên và duyệt sách giáo khoa của Chương trình Cải cách Giáo dục; còn bên cái “tổ ong văn chương” thì có nhiều chuyện hơn.

***

Có thời Hội Nhà Văn HN cứ họp Đại hội là bầu Phạm Xuân Nguyên làm Chủ tịch. Nhưng Phạm Xuân Nguyên từng tâng bốc cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh với cái nhìn hoàn toàn sai trái về Cuộc Kháng chiến Chống Mỹ: “Cuộc chiến được mô tả trong tác phẩm này … những người lính là những con người bị vất vào cuộc chiến, buộc phải bắn giết nhau”; Phạm Xuân Nguyên cũng từng sát cánh, ủng hộ Luận văn của Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) về thơ của Nhóm Mở Miệng, một luận văn có tư tưởng phản động cả về chính trị, học thuật, lẫn văn chương; v.v…

Đặc biệt, về Nguyễn Quang Thiều, đương kim Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam . Như bài trước tôi đã viết sau khi đến cuộc họp của Hội Nhà Văn, nếu ban tổ chức muốn tôi có ý kiến thì tôi sẽ nói toạc móng lợn ra là, như những gì tôi đã viết và những ý kiến của các nhà văn khác về Nguyễn Quang Thiều thì Thiều nên từ chức, và kỳ đại hội sắp tới Thiều không nên ứng cử nữa. Vậy tôi đã viết gì về Nguyễn Quang Thiều? Hôm nay xin được nhắc lại vài chuyện.

***

Về quan điểm sáng tác, hiện nhân dân VN được sống trong chế độ mà Đảng, Bác lãnh đạo, dân ta đã đổ biết bao xương máu mới giành lại được nền độc lập, hôm nay được sống trong hoà bình, hạnh phúc, nhưng trong bài “Dưới trăng và một bậc cửa”, Nguyễn Quang Thiều lại viết “cố hương” của mình – “mê mẩn và lạc đường/ Trong những cánh rừng đầy quỷ”; trong bài “Những người đàn bà mùa đông”, Thiều viết những người phụ nữ “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của đất nước chúng ta như bị giam trong đáy “lưới”, thụ thai không sinh ra con trẻ mà chỉ đẻ ra “những quả trứng ung”! Rồi cho ở ta, chỉ “những người mù mới không bị lạc đường”, chỉ “người đàn bà bị câm” mới có thể mang thai và “sinh ra được đứa bé cất lên được tiếng nói” đích thực; v.v…

Ngoài những ám chỉ, thể hiện tư tưởng bôi đen cuộc sống dưới chế độ xã hội, Nguyễn Quang Thiều cũng “đổi mới” thơ.

Trong bài thơ “Câu hỏi cuối ngày” (Tập “Châu thổ”), Nguyễn Quang Thiều đã diễn tả cái tâm trạng mà theo Trần Mạnh Hảo là kẻ “thô bỉ”, “thiếu văn hoá” bởi khi gặp người đàn bà, con gái nào cũng nghĩ đến chuyện ngủ với người ta thế nào.

Nguyễn Quang Thiều cũng bỏ tâm sức làm bài thơ nhìn trộm đàn bà “Tắm trong toilet không có rèm che”, nhìn trộm “Cuộc làm tình ban ngày/ Của những kẻ thất nghiệp”. Và, như còn sợ thơ mình thua “đổi mới” so với “anh em Sài Gòn”, Nguyễn Quang Thiều đã viết trong tập “Lò mổ”: “Ngáp ngủ đã đêm qua/ Chửi tục đã đêm qua/ Gạ gẫm làm tình đã đêm qua/ Âm hộ đã đêm qua/Dương vật đã đêm qua…”

***

Không chỉ sai trái, bệnh hoạn trong sáng tác thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng thể hiện trình độ văn chương yếu kém, và quan điểm thẩm mỹ sai trái khi tâng bốc một số tác giả, tác phẩm.

Nguyễn Quang Thiều từng ca ngợi Nguyễn Huy Thiệp là “Nhà văn tìm đạo cho dân”, trong khi Nguyễn Huy Thiệp, khi trả lời nhà báo bên Thụy Điển, từng “nôn mửa vào cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc”. Về cuốn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều cũng tâng bốc là “chạm vào mẫu số chung nhân loại”, nhưng chính Bảo Ninh đã thú nhận mình xuyên tạc sự thật khi miêu tả đội quân anh hùng toàn là hiếp dân lành, hành lạc tập thể, hút hồng ma, trốn chạy, chôn sống tù binh, con ra trận bố dặn đừng ngu mà chết vì lý tưởng, và coi cuộc kháng chiến vĩ đại giành lại chủ quyền và nền độc lập của dân ta là “nỗi buồn”.

***

Một người như vậy nhưng Nguyễn Quang Thiều vẫn được Đại hội Hội Nhà Văn VN bầu làm Chủ tịch với số phiếu rất cao. Khi nắm chức Chủ tịch Hội Nhà Văn VN, Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng tổ chức hội, chọn Chủ tịch Hội đồng Thơ là Inrasara, người thể hiện tư tưởng chống cộng thứ thiệt khi viết: “… dưới thời đại Cộng Sản, Cham đang phải đối phó với nguy cơ khác kinh khiếp không kém, đó là sự đánh mất tinh thần sáng tạo”, và Inrasara tin rằng chế độ cộng sản sớm muộn cũng đổ: “Triều đại thay đổi vùn vụt, Đinh Lý Trần Lê hay Mạc Trịnh Nguyễn Tây Sơn, hoặc Cộng Sản gì gì sớm muộn cũng đổ…”

Nguyễn Quang Thiều cũng đã chọn Chủ tịch và thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình là Nguyễn Đăng Điệp và Văn Giá. Nguyễn Đăng Điệp, Nhà Văn, PGS, đương kim Viện trưởng Viện Văn học; và Văn Giá, Nhà Văn, PGS, nguyên là Trưởng khoa Lý luận – phê bình văn học Trường Đại học Văn hóa (Bộ Văn hóa). Hai người này từng là giám khảo cho Luận văn của Nhã Thuyên mà Phạm Xuân Nguyên ủng hộ điểm 10. Luận văn của Nhã Thuyên đã bị thu hồi, bởi Nhã Thuyên đã công khai tư tưởng phản động về chính trị khi xuyên tạc bản chất của Chủ nghĩa Mác, đã công khai ủng hộ “những kẻ phản đảng” khi viết: “Mở Miệng, sinh ra … để bị/được gánh vác thêm vai trò của “những kẻ phản đảng””. Nhã Thuyên cũng đã ca ngợi những kẻ chống phá chế độ khi viết: “Mở Miệng … nơi tụ hội các anh em giang hồ… những kẻ sẵn sàng “đái vào Chúa”, phản kháng về chính trị, chống đối chính quyền”. Giải thích sự văng tục trong thơ của Nhóm Mở Miệng, Nhã Thuyên viết: “Liên quan đến chính trị khi nó văng tục để chửi, để căm uất, … là cách nhổ vào ngôn ngữ tuyên huấn giả trá”. Chưa hết, Nhã Thuyên còn láo xược khi ca ngợi Nhóm Mở Miệng liều mạng làm thơ diễu nhại cả tác phẩm của Bác Hồ.

***

Như vậy Chủ tịch Hội Nhà Văn VN Nguyễn Quang Thiều đã xây dựng tổ chức của Hội, không phải theo tiêu chuẩn của một chế độ dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng CSVN mà cũng theo “đảng”, nhưng như một băng đảng, gồm những kẻ đã có những quan điểm và hành động chống lại chính chế độ mà chúng đang ở trong guồng máy đó. Nguyễn Quang Thiều cũng thành lập tổ chức Hội Nhà Văn Việt Nam theo khuynh hướng phản lịch sử cách mạng, phản đạo lý, phản văn chương, phản văn hoá, mà theo bài học từ chuyện Liên Xô sụp đổ, Nhà văn Yury Boldarev đã viết về tác dụng huỷ diệt của sự phản văn hoá của “Hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng” đã làm mục rữa tinh thần người dân Liên Xô, mạnh hơn cả quân đội Đức Quốc xã với hàng triệu quân tinh nhuệ và vũ khí hàng đầu, đã góp phần làm LX tan vỡ.

4-12-2024

ĐÔNG LA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *