Sự thật đen tối đằng sau những chiếc túi Dior, Giorgio Armani giá tới 70 triệu đồng

Người xem: 844

Sự thật đen tối đằng sau những chiếc túi Dior, Giorgio Armani giá tới 70 triệu đồng: Mua từ nhà cung ứng chỉ 1,2 triệu đồng, ‘hô biến’ thành hàng xa xỉ khi vào store

Đế chế của tỷ phú giàu nhất nhì thế giới Bernard Arnault đang chịu ảnh hưởng dữ dội từ cuộc điều tra tại Châu Âu.

Một cuộc điều tra tại Italy mới đây với 2 nhà sản xuất hợp đồng túi hàng hiệu đã bóc trần hàng loạt bí mật đen tối trong ngành thời trang xa xỉ. Kết quả điều tra cập nhật mới nhất cho thấy bên cạnh Dior, thương hiệu Giorgio Armani cũng nằm trong danh sách các hãng xa xỉ sản xuất giá rẻ nhưng lại bán đắt đỏ ngoài cửa hàng sau khi dập tên của công ty lên.

Cụ thể, trong khi Dior bị phát hiện chỉ tốn 57 USD (1,4 triệu đồng) cho nhà cung ứng sản xuất túi nhưng lại bán đến 2.780 USD (hơn 70 triệu đồng) ngoài cửa hàng thì Armani cũng chỉ trả 99 USD (2,5 triệu đồng) chi phí cho một chiếc túi bán đến 1.900 USD (hơn 48 triệu đồng).

Số tiền này chưa bao gồm chi phí nguyên liệu như các loại da để làm túi.

Điều trớ trêu là vụ điều tra bắt đầu từ việc một số công nhân nhà máy hợp đồng sản xuất túi hàng hiệu tuồn lượng nhỏ sản phẩm ra bên ngoài để bán ăn chênh lệch.

Ban đầu các công tố viên chỉ tập trung vào việc các nhà máy này không đảm bảo điều kiện lao động cho công nhân. Ví dụ như nhân viên phải ngủ qua đêm ở nhà máy nhằm đảm bảo sản phẩm phải liên tục được sản xuất cho kịp thời hạn.

Vì những nhà máy này được sở hữu bởi chủ là người Trung Quốc nên không có gì khó hiểu với văn hóa chia ca và làm qua đêm cho kịp hợp đồng.

Phần lớn công nhân của 2 nhà máy hợp đồng tại Italy này đến từ Trung Quốc, trong đó có 2 người là nhập cư bất hợp pháp và 7 người khác không xuất trình được giấy tờ.

Máy móc thiết bị trong công xưởng cũng không đảm bảo an toàn khi phần linh kiện bảo hiểm bị gỡ bỏ nhằm tăng tốc sản xuất.

Cả Dior và Armani hiện đều không phản hồi gì sau khi tờ Business Insider đặt câu hỏi về tình hình trên.

Phía tòa án Italy cũng chỉ yêu cầu đặt 2 nhà máy hợp đồng này dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng trong vòng 1 năm và vẫn cho phép họ hoạt động.

Theo BI, việc hạ thấp chi phí để gắn mác bán với giá cao nhằm kiếm lời là chuyện chẳng còn gì mới lạ trong ngành hàng xa xỉ. Đây chính là nguyên nhân chính góp phần khiến ông chủ LVMG (công ty mẹ của Dior), tỷ phú Bernard Arnault từng soán ngôi người giàu nhất thế giới của Elon Musk vào năm 2022.

Dior là một thương hiệu xa xỉ của Pháp. Năm 1978, công ty mẹ là Tập đoàn Boussac tuyên bố phá sản. Dior được tỷ phú đứng sau Moët Hennessy Louis Vuitton (LVMH) – Bernard Arnault mua lại.

Hiện xếp hạng của Bloomberg Billionaires Index cho thấy Bernard Arnault vẫn giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản lên đến 201 tỷ USD.

Năm 2023, LVMH đã có 2.062 nhà cung ứng và công xưởng hợp đồng làm sản phẩm cho tập đoàn.

Báo cáo của hãng tư vấn Bain cho thấy Italy là nơi có hàng nghìn nhà sản xuất nhỏ, chiếm 50% đến 55% sản lượng hàng xa xỉ toàn cầu.

Danh tiếng từ “Made in Italy” cùng như những rào cản thuế quan khiến ngày càng nhiều hãng xa xỉ dịch chuyển sản xuất, đặt nhà máy ở Châu Âu thay vì nước thứ 3 để gia tăng “uy tín” với người tiêu dùng.

Tuy nhiên vụ điều tra mới đây đang khiến LVMH cùng nhiều hãng xa xỉ bị chỉ trích dữ dội khi trục lợi từ niềm tin của người tiêu dùng.

Nguồn: BI/Cafef

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *