Bạn tôi ra đảo Nam Du tham quan rồi bị kẹt lại ở đó khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội. Thời gian ở đảo, được cùng ăn, cùng ở với dân biển cậu cảm nhận được sự hồn hậu của dân chài, nét hoang sơ của các đảo lớn, đảo nhỏ ôm lấy sự bình yên của làng chài, ẩm thực biển thì tươi ngon, bổ rẻ.
Nét đặc trưng đó khó có thể tìm được ở một nơi khác. Vậy là sau dịch, bằng tấm lòng cảm mến biển trời Tây Nam, cậu bắt tay với người dân có tâm với sự phát triển du lịch địa phương ở trên đảo để tổ chức tour homestay cho khách ở đất liền. Không những thế, tận dụng sự tiện lợi của các tuyến tàu cao tốc trên biển, cậu mở dần tour ra đến tận đảo ngọc Phú Quốc.
Mọi chuyện cứ tưởng là đầu xuôi đuôi lọt cho đến khi ngành du lịch Phú Quốc gặp khó khăn trước, trong và sau lễ 30/4 năm nay khi lượng du khách đến không đông như dự kiến.
Thương mình, thương bạn làm ăn, thương nhân viên và vì yêu quý miền biển đảo, bạn nhiều lần đặt câu hỏi làm sao để du lịch Phú Quốc sống lại? Liệu hè năm nay Phú Quốc sẽ sống lại?
Tôi kể cho bạn về chuyến đi du lịch của mình cùng anh bạn thân người Hàn Quốc đến đảo Phú Quốc ngay sau dịp tết Nguyên đán 2023. Vốn là, bạn tôi định tham quan ở vùng biển khác của Việt Nam nhưng do tôi đề nghị, tại Phú Quốc sẽ cho anh một “cảm xúc thật khác”, vậy là anh chọn tour Phú Quốc để mong có được cái “cảm xúc thật khác” như lời gợi ý nhiệt thành của tôi.
Thông qua một đối tác khác của anh tại Việt Nam, chúng tôi được sắp xếp đi cùng một hướng dẫn địa phương, cũng là tài xế cho tour 3 ngày 2 đêm tại đảo ngọc. Ngay giây phút đầu tiên trên đảo, chúng tôi thật sự đã có một cảm khó phai. Chiếc xe du lịch 16 chỗ với vẻ ngoài ổn nhưng bên trong nội thất khá bẩn và ám đầy mùi khí gas là phương tiện cùng đồng hành với những trải nghiệm của chúng tôi tại đây. Tài xế giải thích, chiếc xe vừa bị hư bộ phận lọc hồi tối hôm qua, trong khi đó, chúng tôi đã quyết định và đặt tour này từ mấy tháng trước.
Có lẽ, thông cảm cho sự giới thiệu của tôi và đối tác, anh bạn tôi không thể hiện sự phàn nàn nhưng thi thoảng lấy tay che mũi và nhờ tôi dịch với bác tài rằng hãy mở cửa xe trước mỗi khi chúng tôi di chuyển. Chưa dừng lại ở đấy, mỗi lần chúng tôi muốn ăn món nổi tiếng nào được giới thiệu trên mạng thì anh tài xế luôn miệng nhắc, quán đó ăn không ngon, người dân địa phương không ai chọn quán ấy ăn cả. Sợ chúng tôi không tin, anh ta còn dẫn chứng thêm đã có khách du lịch ăn, bị đau bụng phải đi viện. Tưởng rằng anh tài xế tốt bụng, nhưng thực chất anh chỉ muốn chúng tôi vào quán ăn nào mà anh sẽ được hưởng “hoa hồng” vì dắt khách.
Chưa hết ngại ngùng vì những trải nghiệm trên, tôi lại lâm vào thế khó khi cùng bạn xem một show diễn nghệ thuật trên đảo. Show diễn khá ấn tượng về kỹ thuật và tạo hình sân khấu nhưng nội dung và hình ảnh hoàn toàn lấy cảm hứng từ châu Âu và Nam Mỹ. Khi anh bạn hỏi, nội dung của show diễn này có phải là câu chuyện được sáng tạo từ chất liệu của đảo Phú Quốc hay là của Việt Nam hay không, tôi không biết nên trả lời như thế nào.
Hàn Quốc – quê hương của anh bạn tôi – không tự nhận có rừng vàng, biển bạc, danh thắng tầm cỡ như chúng ta, nhưng mọi thứ đều được họ trùng tu, giữ gìn và khai thác với bản sắc rất riêng. Có lần bạn dẫn tôi đến vùng bãi bùn Oido – đặc trưng của biển Hàn Quốc bên bờ Hoàng Hải, thuộc tỉnh Gyeonggi, khá gần với sân bay Incheon. Đây cùng là vùng biển khá gần với thủ đô Soeul nên khách du lịch tìm đến rất đông vào các dịp cuối tuần.
Nếu tính về tài nguyên thiên nhiên thì nơi đây thật ra chẳng có gì để làm du lịch. Nhưng sự thành công của họ có lẽ là cách họ tự kể câu chuyện của mình trong tổ chức hoạt động. Trong số đó là Oido Red Lighthouse – ngọn đèn hải đăng màu đỏ như bao ngọn đèn hải đăng khác, có công năng hướng dẫn lai dắt tàu ra vào bến cảng an toàn. Vài thập niên trước, bỗng nhiên nổi tiếng nhờ một bộ phim truyền hình, hải đăng Oido là chất xúc tác để du khách tìm đến Oido để chụp ảnh, hóng gió. Nhưng để phát triển lâu dài, địa phương dùng tài nguyên bản địa là bãi bùn, kể cho khách nghe về các lợi ích từ việc khai thác và bảo vệ chúng.
Họ còn tổ chức các hoạt động cho dân trải nghiệm bắt cua, sò khi triều rút trên bãi bùn to rộng và xây dựng cầu tàu để khách đón hoàng hôn. Thiết kế bãi đậu xe miễn phí, bố trí các nhà hàng hải sản san sát nhau nằm lọt thỏm bên trong, tránh gây nhếch nhác, không mất cảnh quan nhìn về hướng biển.
Các nhà hàng hải sản địa phương này hoạt động cũng khá đặc biệt. Tuy san sát nhau, không bao giờ có hiện tượng chèo kéo, khách ưa quán nào cứ vô tư chọn vào quán ấy mà không cần đắn đo liệu quán bên kia có rẻ hơn không.
Tôi vẫn nhớ như in, được chính tay mình chọn một con cá thờn bơn tại chợ hải sản ở Odio rồi nhờ nhà hàng làm món lẩu chua kimchi, cái vị ấy vẫn còn trên môi dù đã rất nhiều năm. Nên mỗi lần sang Hàn Quốc, dù ngắn tôi vẫn tranh thủ thời gian bắt tuyến tàu điện ngầm tuyến số 4 từ ga Seoul đi tầm một tiếng hơn để được ăn hải sản và săn hoàng hôn trên biển Hoàng Hải. Họ đã cho tôi trải nghiệm cảm xúc về chất lượng dịch vụ.
Cái còn lại của mỗi hành trình khám phá vùng đất mới là cảm xúc. Cảm xúc cũng là yếu tố quyết định du khách có quay trở lại một địa điểm nào đó hay không? Cảm xúc là một tâm trạng có thật của con người. Và nếu muốn nó thật khác trong du lịch thì phải có sự dụng công chăm chút trong từng việc nhỏ nhất.
Ắt hẳn Phú Quốc đã thấy và họ đang cố khắc phục. Như anh bạn tôi mới kể, dân địa phương đang quyết liệt tự thay đổi lại phương cách hoạt động, để “mời” du khách quay lại Phú Quốc bên cạnh các quyết sách mang tầm vĩ mô khác.
Ngày nay không riêng Hàn Quốc, trong bối cảnh hạ tầng giao thông đang rút ngắn khoảng cách địa lý từ địa phương này đến địa phương khác, chính sách tiền lương và giờ nghỉ của người lao động tốt dần, du lịch ở các địa phương đối mặt với những cạnh tranh vô hình và hữu hình để tìm gọi và giữ được chân du khách.
Để làm được điều này, không chỉ có nhà quản lý, ngay cả người dân địa phương cần lưu tâm rằng, du khách không phải là đối tượng để khai thác, họ là đối tượng cần được chăm sóc. Chính vì vậy, hãy tinh tế, khéo léo chăm sóc họ như khách đến chơi nhà. Và bởi, sự chân thành luôn làm người ta phải nhớ đến.
Không chỉ riêng Phú Quốc mà bất cứ địa phương nào, dù có sở hữu rừng vàng, biển bạc, danh thắng có một không hai vẫn không thể phát triển du lịch nếu thiếu du khách. Và sự lựa chọn phụ thuộc vào cảm xúc của họ.
Nguồn: Nguyễn Nam Cường
Tác giả: Nguyễn Nam Cường là giảng viên Đại học FPT, nghiên cứu sinh Địa lý Nhân văn tại Học viện Hàn Quốc học AKS (Hàn Quốc). Anh cũng là tác giả của nhiều loạt ký sự truyền hình về Hàn Quốc, Colombia và đồng bằng sông Cửu Long.
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả