Cấp phép cho nhiều nhóm Tin lành, đẩy lùi tà đạo ở Điện Biên

Người xem: 245

Chỉ riêng đạo Tin lành, chỉ sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%.
 
Thời gian gần đây, sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, Điện Biên – một tỉnh có vị trí trọng yếu ở khu vực Tây Bắc đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm tạo thuận lợi cho hơn 12.700 tín đồ các tôn giáo hoạt động, trong đó có việc chấp thuận thành lập 1 Ban trị sự Phật giáo cấp tỉnh, 1 giáo xứ cho tín đồ công giáo và 3 giáo họ trực thuộc. Đặc biệt, riêng với đạo Tin lành, chỉ sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%.
 

Điểm sinh hoạt Tin lành tại bản Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé

Bản người Mông Sima 2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé có 77 hộ dân với 420 khẩu. Nếu như trước đây, khi điểm nhóm Tin lành chưa được cấp phép hoạt động, người dân chủ yếu sinh hoạt tôn giáo tại nhà thì nay, đều đặn tối thứ 5, thứ bảy hàng tuần và sáng chủ nhật, gần 200 tín hữu tin lành trong bản tề tựu tại một căn nhà gỗ khang trang hơn 150m 2 để cùng nhau sinh hoạt tôn giáo. Điểm nhóm này được cấp phép từ năm 2016 do ông Giàng Hồng Sinh phụ trách, trực tiếp giảng đạo.
 
“Chúng tôi có giáo lý, giáo luật, hiến chương nên được Nhà nước cấp phép sinh hoạt, được tự do truyền đạo cho bà con giáo dân. Mỗi buổi sinh hoạt, bà con đến rất đông đủ để nghe giảng về lòng yêu kính chúa, yêu thương con người, chăm chỉ làm ăn, không vi phạm pháp luật. Từ khi có điểm nhóm này, bà con rất phấn khởi, biết ơn Đảng và Nhà nước” – ông Giàng Hồng Sinh cho biết. 

Ông Giàng Hồng Sinh phụ trách điểm nhóm Tin lành ở bản Sima2, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé

Tại huyện Mường Nhé, nơi có đa số người Mông theo đạo Tin lành, trong 4 năm trở lại đây, đã có 70 điểm nhóm Tin lành được cấp đăng ký sinh hoạt, còn 16 điểm chưa được cấp đăng ký. 
 
Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Nhé cho biết: Từ khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đến nay, việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con rất thuận lợi. Nếu như trước đây, thời gian sinh hoạt tập trung của các điểm nhóm Tin lành phải từ 20-25 năm trở lên thì nay, chỉ cần 5 năm sinh hoạt liên tục, thường xuyên, cộng thêm một số điều kiện khác sẽ được đăng ký.
 
“Mường Nhé là một trong những huyện thành công nhất trong việc cấp phép cho các điểm nhóm Tin lành. Trong quá trình đăng ký hoạt động, những người giúp việc về đạo, họ rất phấn khởi. Còn lại 16 điểm chưa được cấp phép, UBND huyện cũng đang chỉ đạo các xã tạo điêu kiện cấp phép cho họ. Hàng năm, chúng tôi vẫn tổ chức các cuộc gặp với chức sắc, chức việc các nhóm Tin lành để nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của họ”- ông Trần Quyết Thắng khẳng định. 

Ông Trần Quyết Thắng, Trưởng phòng Nội vụ huyện Mường Nhé

Trước thời điểm tháng 6 năm 2019, Điện Biên có khoảng 30% điểm nhóm Tin lành đăng ký hoạt động. Tháng 10/2019, Điện Biên tổ chức một hội nghị chuyên đề về công tác tôn giáo và thống nhất các giải pháp nhằm đẩy nhanh việc cấp phép cho các tổ chức Tin lành đủ điều kiện để thành lập điểm, nhóm. Đến ngày 15/6/2020, đã có 302/412 điểm nhóm đăng ký hoạt động, chiếm tỷ lệ 73,8%. Như vậy, sau 1 năm, số điểm nhóm được cấp phép hoạt động đã tăng hơn 40%.
 
Với những điểm nhóm tin lành chưa được cấp phép hoạt động, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã về những điểm nhóm này, gặp các chức sắc, chức việc và được biết, họ chủ trương không đăng ký. Đây là một khó khăn và chúng tôi chủ trương, nếu họ không đăng ký thì yêu cầu từ bỏ. Một số bản làng có hương ước, quy ước và đề nghị, nếu ai tham gia vào các đạo này thì sẽ không được nhận các chế độ, chính sách…nên một số tín đồ dù sinh hoạt tôn giáo nhưng không muốn đăng ký. Tuy vậy, đến ngày lễ trọng, các cấp chính quyền vẫn đến thăm hỏi, động viên”.
 
Cùng với việc đẩy nhanh việc cấp phép sinh hoạt cho các nhóm Tin lành, củng cố tổ chức của Phật giáo, công giáo, Điện Biên cũng kiên quyết đấu tranh với các loại tà đạo. Từ năm 2015, trên địa bàn xuất hiện 2 tà đạo “Giê Sùa” và “bà cô Dợ”. Đây là hai loại tà đạo hết sức nguy hiểm, xuyên tạc kinh thánh để lừa mị, lôi kéo, khống chế quần chúng, tín đồ tham gia vào các hoạt động phức tạp về an ninh trật tự.
 

Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé (bên trái) trong một lần đi cơ sở.

Hai tà đạo này không có giáo lý, giáo luật rõ ràng, có nguồn gốc từ Mỹ, là một hình thức biến tướng của Tin lành. Nếu như “Giê Sùa” đăng tải, phát tán nhiều đoạn video clip, bài viết nhằm lôi kéo tập hợp người Mông tham gia hoạt động lập “Vương quốc Mông” thì “bà cô Dợ” lại dụ dỗ lôi kéo tín đồ bằng cách cung cấp tiền để họ chiêu dụ thêm nhiều người cùng tham gia nhằm tập hợp lực lượng, mục đích cuối cùng cũng là thành lập “Nhà nước Mông”.
 
Trước thực tế trên, các cấp chính quyền đã tuyên truyền, vận động để họ nhận thức rõ bản chất của tà đạo này. Tuy nhiên, sau một thời gian bỏ đạo, hiện trên địa bàn tỉnh Điện Biên vẫn còn 14 hộ, 112 người tái theo trở lại tà đạo Giê Sùa, 48 hộ với 294 người vẫn quyết tâm theo đến cùng “bà cô Dợ”, chủ yếu ở huyện Mường Nhé. Thiếu tá Vũ Văn Hưng, Trưởng Công an huyện Mường Nhé cho biết: “Chúng tôi tham mưu cho cấp ủy, chính quyền mà trực tiếp là Ban chỉ đạo dân tộc, tôn giáo của huyện, cán bộ các ban ngành cùng tham gia vận động, trực tiếp xuống các bản, họp dân lại, nói rõ bản chất của hai tà đạo này là xuyên tạc kinh thánh, tôn giáo, vi phạm pháp luật nhà nước để người dân hiểu và từ bỏ. Chúng tôi cũng thành lập các tổ trực tiếp vào các hộ gia đình theo đạo này, tranh thủ các trưởng điểm nhóm, chức sắc Tin lành vận động tại các vùng ảnh hưởng để họ từ bỏ. Nhưng biện pháp căn cơ là chúng tôi cần các cơ quan chức năng ngăn chặn việc tuyên truyền trái phép trên mạng thì mới hiệu quả”.
 
Giáng Hương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *