Xử phúc thẩm vụ Vũ Nhôm và đồng phạm

Người xem: 116

Khoai@
Sáng nay 10/6/2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phan Văn Anh Vũ – Vũ “nhôm” cùng hai đồng phạm là cựu Thứ trưởng Bộ Công an về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Tại phiên phúc thẩm, do ông Trần Đình Ba vắng mặt, chủ tọa phiên tòa yêu cầu đại diện Viện Kiểm sát đưa ông Ba đến với 2 tư cách: Là người làm chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nếu không mời được sẽ thực hiện việc dẫn giải ông Ba đến tòa. 
Trong phần làm thủ tục, chủ tọa lần lượt hỏi các bị cáo có kháng cáo trước đó. Trong đó, Phan Văn Anh Vũ khai, bản thân có 2 tên là Lê Văn Sáu và Trần Đại Vũ và được tuyển vào làm tình báo viên năm 2009. Vũ cũng khai, mình có trình độ văn hóa 10/12 và đã từng bị khởi tố tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” vào năm 1997 và sau đó được xóa án tích.
Chủ tọa sau đó điểm lại một số bản án và Vũ đã bị nhận trước đó và đề nghị Vũ xác nhận lại.
Tại phiên tòa này, Vũ “nhôm” đã cung cấp thêm bằng chứng, tài liệu để chứng minh cho mình và đề nghị tòa xem xét.
Trong khi đó, các bị cáo còn lại không cung cấp thêm tài liệu, 2 nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân không thay đổi nội dung kháng cáo trước đó. Tuy nhiên với bị cáo Nguyễn Hữu Bách có yêu cầu với tòa cần xem xét lại 2 bản án mà bị cáo nhận tổng cộng là 11 năm, như vậy là quá nặng. 
Đại diện Viện Kiểm sát cho biết, vẫn giữ nguyên kháng nghị như trước đó.
Trước khi sang phần thẩm vấn, chủ tọa đề nghị cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Bị cáo Nguyễn Hữu Bách là người đầu tiên bước lên bục khai báo, tòa hỏi lại bản án cấp sơ thẩm xử phạt 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” có đúng không, Bách thừa nhận và khẳng định rằng, tất cả các lời khai trước đây đều đúng sự thật.
Đồng thời, bị cáo Bách cho biết, bị cáo là người soạn thảo một số văn bản liên quan tới 5 tài sản (Dự án công viên An Đồn; Khu đất ngoài biển – TP Đà Nẵng; Dự án trụ sở tư pháp 16 Bạch Đằng; 15 Thi Sách; Số 8 Nguyễn Trung Trực), còn dự án 129 Pasteur bị cáo không biết. Lúc soạn thảo bị cáo là Phó Cục trưởng Cục B61. Sau khi chủ tọa phân tích các bằng chứng, thì Bách thừa nhận có tham gia soạn thảo 6 dự án.
Chủ tọa hỏi, vì sao đứng ra soạn thảo? Có ai đứng ra đề nghị? Bách nói, theo chỉ đạo của ông Phan Hữu Tuấn để trình lên lãnh đạo Bộ Công an, ngoài ông Tuấn không có ai khác chỉ đạo bị cáo. Trong việc này, Vũ “nhôm” không thuộc quản lý chỉ đạo của Bách.
Các văn bản soạn xong, Bách không được Vũ “nhôm” báo cáo triển khai các văn bản đó như thế nào? Nhưng bản thân Bách biết Vũ có liên doanh với Novaland, Bách biết qua Phan Hữu Tuấn.
“Bị cáo ngoài các nội dung trình bày trong đơn kháng cáo, còn nội dung cùng với hành vi soạn thảo văn bản, bị cáo từng bị xét xử 6 năm ở tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước”, như vậy 2 bản án là 11 năm quá nặng, bị cáo kính đề nghị HĐXX xem xét giảm án, mang lại quyền lợi cho bị cáo”.
Tại phiên phúc thẩm lần này có 8 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tòa phúc thẩm đã triệu tập đại diện Bộ Công an, UBND TPHCM; UBND TP Đà Nẵng, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Bộ VH-TT-DL và một số tổ chức, cá nhân có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trước đó, ngày 30/1/2019, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt ông Bùi Văn Thành 30 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (khoản 2, điều 285 Bộ luật Hình sự 1999). Cùng tội danh, ông Trần Việt Tân bị phạt 36 tháng tù, Phan Hữu Tuấn bị 5 năm tù, Nguyễn Hữu Bách nhận 5 năm tù. Vũ “Nhôm” bị tuyên phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với mức án 15 năm tù.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *