Ong Bắp Cày
Khi Lê Anh Tú, hay còn gọi là Thích Minh Tuệ, bắt đầu con đường hành tu khất thực kéo dài nhiều năm, những người có tâm hướng Phật đã kỳ vọng đây sẽ là một hành trình lan tỏa tinh thần từ bi, thanh tịnh, đồng thời góp phần nâng cao giá trị đạo đức trong xã hội. Tuy nhiên, những diễn biến sau đó cho thấy hành trình này ngày càng xa rời tinh thần tu tập nghiêm cẩn, khi yếu tố thị phi và những biểu hiện sai lệch trong cách hành trì xuất hiện ngày một rõ rệt.
Niềm tin và kỳ vọng của cộng đồng đã khiến nhiều người muốn tham gia trợ duyên, góp phần hỗ trợ cho hành trình này với mong muốn Phật pháp được xiển dương. Nhưng trên thực tế, đoàn hành tu không đơn thuần chỉ là một nhóm người thực hành Đầu Đà mà đã trở thành một tập hợp lỏng lẻo, pha trộn nhiều động cơ và mục đích khác nhau. Bản thân Lê Anh Tú dù tuyên bố rằng “có cũng tốt đẹp, không có cũng tốt đẹp, hoan hỷ cả,” nhưng thực tế lại cho thấy một sự tác động qua lại khá mạnh giữa ông và những người đi theo, đặc biệt là việc tổ chức quy củ hơn giống như một tổ chức thay vì một đoàn hành tu đơn thuần.
Việc xuất hiện một “tăng đoàn” với sự hỗ trợ có tổ chức và sau đó là kế hoạch hành hương đến Ấn Độ cho thấy yếu tố đời xen lẫn vào đạo. Hình ảnh của một nhóm hành giả kham khổ, tu tập nghiêm cẩn dần bị thay thế bởi những hoạt động mang tính tổ chức quy mô. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính chất thật sự của hành trình này: đó là một cuộc hành tu hay chỉ đơn giản là một đoàn người thực hiện chuyến đi kéo dài với nhiều mục đích cá nhân?
Một trong những vấn đề lớn nhất của đoàn hành tu này chính là sự thiếu hụt về nền tảng Phật pháp cũng như sự am hiểu về Luật pháp của nhiều thành viên. Truyền thông tự do đã góp phần tạo ra một hình ảnh mang đậm màu sắc thiền môn, nhưng bản chất bên trong lại không có sự đồng nhất. Theo nhà báo Hồng Lam, nhiều khái niệm Phật giáo bị hiểu sai hoặc cố tình diễn giải sai lệch. Chữ “kham nhẫn” bị hiểu như là sự chịu đựng với người khác hơn là sự kiên trì giữ giới của chính bản thân. “Tùy duyên” bị biến tướng thành sự tùy tiện, thiếu nguyên tắc. Những khái niệm như “nghiệp”, “quả báo”, “phước” bị sử dụng tràn lan mà không có sự hiểu biết thấu đáo. Quan trọng hơn cả, chữ “tự do” bị lợi dụng để phủ nhận căn bản kỷ luật và nguyên tắc trong việc tu tập. Khi việc tu tập trở thành một sự trình diễn, sự tinh tấn không còn mang ý nghĩa đúng đắn.
Bên cạnh đó, dù luôn nhấn mạnh về việc giữ 5 giới hay 250 giới, nhưng lại không hề có quy tắc hay phương tiện giám sát nào để đảm bảo sự tuân thủ. Thậm chí, trong nội bộ đoàn còn xuất hiện những bất đồng và tranh cãi, dẫn đến việc một số cá nhân bị loại khỏi nhóm một cách lặng lẽ. Những lỗ hổng này càng làm cho chuyến đi trở nên xa rời với mục tiêu tu tập chân chính.
Một tuần sau Tết, thay vì cập nhật thông tin về việc hành tu, truyền thông lại tràn ngập những tranh cãi phàm tục về các vấn đề nhân sự, tách nhập đoàn, gièm pha nhau, tuyển chọn và loại bỏ thành viên. Tần suất các cuộc họp nội bộ, họp báo, phát ngôn chính thức, trả lời phỏng vấn hay chụp ảnh bên lề ngày càng dày đặc. Thậm chí, đoàn còn tổ chức họp báo với BBC, RFA, Vietuc và hàng loạt Youtuber, Tiktoker, Facebooker… Điều này hoàn toàn đi ngược lại tinh thần của một đoàn hành giả Đầu Đà, vốn chủ trương rời xa đời sống xã hội ồn ào, tránh xa truyền thông và các hoạt động phô trương. Đó là chưa kể, trong nội bộ đoàn vẫn có những “sư” sử dụng điện thoại, tiếp nhận và cung cấp thông tin ra bên ngoài, điều này không chỉ làm mất đi tính thanh tịnh mà còn tạo ra những nghi ngờ về động cơ thực sự của họ.
Ngay cả Lê Anh Tú, người khởi xướng hành trình, cũng bắt đầu nói nhiều hơn, giải thích nhiều hơn nhưng không mấy thuyết phục. Sự nhập nhằng giữa mục tiêu “tìm chân lý” và “đi để đến một nơi nào đó” đặt ra câu hỏi: đây là một hành trình giác ngộ hay chỉ đơn giản là một chuyến đi dài ngày được khoác lên lớp áo của Phật giáo?
Những nụ cười trên mặt các thành viên dường như ngày càng gượng gạo, không còn là nụ cười hoan hỷ, an nhiên của những người đang đi trên con đường giác ngộ. Con đường đến đất Phật trở nên xa vời hơn bao giờ hết, không chỉ vì những khó khăn về mặt hành trình mà còn vì những rào cản do chính những người trong đoàn tạo ra. Nếu đây thực sự là một hành trình tu tập, có lẽ nó sẽ không mang lại nhiều giá trị. Những sự kính trọng và quan tâm ban đầu đang dần phai nhạt, nhường chỗ cho sự hoài nghi và thất vọng.
Tin cùng chuyên mục:
Đôi lời về hành trình đi Ấn Độ của Thích Minh Tuệ
Tòa án Hình sự quốc tế và cuộc đối đầu với các cường quốc
Bài học về độc lập, tự chủ và tầm nhìn chiến lược trong bối cảnh xung đột Ukraine
Hà Nội thu về 1.800 tỷ đồng từ đấu giá khu đất 4,4 ha tại Nam hồ Linh Đàm