ĐIỂM CHÍNH TRONG PHÁN QUYẾT CỦA PCA

Người xem: 249

Khoai@

Trong phán quyết dài 501 trang, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) hôm 12/7/16 quyết định rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử đối với Biển Đông và rằng tuyên bố về “đường 9 đoạn” của họ là không có cơ sở pháp lý.

1. 
Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague, Hà Lan, kết luận rằng, việc Trung Quốc nói rằng họ có quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên trên Biển Đông không hề phù hợp với tiêu chí vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mà Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS 1982) quy định. Và không có chứng cứ cho thấy Trung Quốc trong lịch sử từng kiểm soát khu vực biển trên hay các nguồn tài nguyên có trong các vùng biển đó. 

Từ các chi tiết trên, PCA kết luận rằng không có cơ sở pháp lý nào đối với tuyên bố quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên thuộc các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn”.

2. 
PCA phán quyết rằng các bãi đá đã bị biến đổi quá nhiều bởi việc cải tạo và xây dựng, trong khi Công ước luật biển LHQ đánh giá dựa trên điều kiện tự nhiên của chúng cũng như trên tài liệu lịch sử. Do không tìm thấy thực thể nào mà phía Trung Quốc tuyên bố chủ quyền có khả năng tạo ra một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), Tòa án nhận thấy có thể tuyên bố rằng một số khu vực biển nhất định nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, bởi các khu vực này không bị chồng lấn bởi bất kỳ vùng đặc quyền nào của phía Trung Quốc.

3. 
Tòa phán, Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines bằng các hành động: Ngăn chặn Philippines đánh bắt cá và thăm dò dầu khí, xây dựng các đảo nhân tạo và không chịu ngăn các tàu cá Trung Quốc đánh cá trong khu vực này.

Tòa lưu ý rằng ngư dân của Philippines cũng như Trung Quốc đều có quyền đánh cá tại bãi cạn Scarborough.

Thực tế các tài liệu đều cho thấy Trung Quốc đã cố tình can thiệp vào các quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines. Ngoài ra, các tàu hành pháp của Trung Quốc đã tạo ra tình thế đối đầu đầy rủi ro một cách phi pháp khi cố tình chặn tàu của Philippines.

4. 
Phán quyết của PCA nói rằng Trung Quốc đã gây ra tổn hại nghiêm trọng tới môi trường sinh thái các rặng san hô, vi phạm cam kết của họ trong việc bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn hại và môi trường sống của nhiều chủng loài đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

PCA cũng nhận thấy rằng chính quyền Trung Quốc đã biết rõ rằng ngư dân của họ đã liên tục khai thác các loài rùa biển, san hô và trai khổng lồ quý hiếm đang bị đe dọa trên Biển Đông – sử dụng các phương pháp đánh bắt gây tổn hại nghiêm trọng tới các rặng san hô – và không tuân thủ các cam kết ngăn chặn các hoạt động này.

Thái độ của Tập Cận Bình

Tập Cận Bình tuyên bố trắng trợn: “Từ cổ chí kim, các đảo ở Biển Đông đều là lãnh thổ Trung Quốc. Trong bất cứ tình hình nào, chủ quyền lãnh thổ và các quyền, lợi ích hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông đều không chịu ảnh hưởng từ phán quyết của PCA. Trung Quốc không chấp nhận bất cứ chủ trương và hành động nào xuất phát từ phán quyết từ PCA. Trung Quốc luôn duy trì theo luật pháp quốc tế cùng công bằng và chính nghĩa, duy trì đi theo con đường phát triển hòa bình. Chúng tôi kiên định dốc sức bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông đồng thời dốc sức cùng các bên liên quan dựa trên cơ sở lịch sử và luật pháp quốc tế, thông qua đàm phán để giải quyết hòa bình những tranh chấp liên quan”.

Tộ sư Tập Cận Bình, trắng trợn, ngang ngược và hung tợn đến thế là cùng.

Quan điểm của Tre Làng

Phán gì thì phán, nhưng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, kể cả một số đảo mà Trung Quốc, Philippines, Đài Loan hay nước nào khác đang chiếm giữ trái phép.


Bổ sung Toàn văn bằng tiếng Anh:


http://webcache.googleusercontent.com/search?q=cache:ejsiGsn8800J:thediplomat.com/wp-content/uploads/2016/07/thediplomat_2016-07-12_09-15-37.pdf+&cd=2&hl=vi&ct=clnk&client=firefox-b

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *