Bài hay để tham khảo: VÌ SAO VIỆT NAM KHÔNG KIỆN?

Người xem: 181

Sau phán quyết của Tòa Thường trực Liên Hiệp Quốc (PCA) về “đường lưỡi bò”, Thông tấn xã Vỉa hè phỏng vấn giáo sĩ – tiến sư Lão AQ.

* Hỏi: Thưa Lão AQ, giá trị lớn nhất trong phán quyết của PCA là gì?

Trả lời: Quan trọng nhất là PCA bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn – nine dots line; nine-dashed line” mà chúng ta quen gọi là “đường lưỡi bò” do Trung Quốc (TQ) tự vẽ ra và yêu sách chủ quyền.

Cần nói thêm vì sao gọi là “lưỡi bò” mà không phải là “lưỡi heo” hay “lưỡi gà”, ấy là vì hình thù diện tích TQ trên bản đồ trông như cái đầu bò, còn cái phần trên biển họ vẽ ra nhìn giống cái lưỡi con bò liếm xuống biển Đông (TQ gọi là Nam Hải) nên người ta hình dung đó là “đường lưỡi bò”.

Theo PCA, “đường chín đoạn” và nguồn tài nguyên trong nó là vô giá trị đối với nguyên đơn Philippines (PLP), đồng nghĩa rằng đối với các quốc gia khác có cùng tranh chấp như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei…, “đường lưỡi bò” cũng vô giá trị nốt!

* Hỏi: Như vậy, trên cơ sở phán quyết của PCA, các quốc gia tranh chấp có thể khởi kiện TQ ra tòa quốc tế để đòi chủ quyền hay không?

Trả lời: Rất nhiều người hiểu sai cái này. Thẩm quyền và cơ chế của PCA là không phán quyết về quyền chủ quyền (sovereignty) và quyền tài phán (jurisdiction) mà chỉ phán quyết về tính pháp lý, tức họ không thừa nhận hay bác bỏ một thực thể nào đó trên biển thuộc về quốc gia hay vùng lãnh thổ nào mà chỉ phán quyết về tính pháp lý, tính lịch sử liên quan đến sự tồn tại của thực thể đó. PLP kiện TQ là kiện cái sự vô lý của “đường chín đoạn” chứ họ không kiện đòi chủ quyền.

“Đường chín đoạn” do TQ vẽ ra “liếm” tới 80% chủ quyền biển của PLP, trong đó có bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Thế nên, lẽ dĩ nhiên, khi PCA tuyên bố “đường chín đoạn” không có cơ sở pháp lý để tồn tại tức là gián tiếp hiểu rằng bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thuộc về Manila chứ không phải Bắc Kinh. Phán quyết của PCA giải thích các bãi cạn, đá ngầm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone – EEZ) của nước nào và không chồng lấn thì đương nhiên thuộc chủ quyền của nước đó. Nghĩa là, bãi cạn Scarborough do TQ chiếm giữ, Cỏ Mây (Second Thomas) do PLP chiếm giữ nằm trong EEZ 200 hải lý là của PLP.

Đó là thắng lợi kép của PLP mà các quốc gia khác có cùng “thân phận kèo dưới” như Việt Nam cũng được hưởng lây.

* Hỏi: Vậy tại sao Việt Nam không kiện TQ ra PCA để có những lợi ích tương tự, thưa Lão AQ?

Trả lời: Đây là câu hỏi mấu chốt của bài phỏng vấn này. Thực tế thì có hàng triệu người Việt Nam đã đặt ra câu hỏi ấy. Suy theo logic, PLP “thắng” thì Việt Nam cũng có thể “thắng”.

Nhưng theo tính toán kỹ của riêng Lão AQ, Việt Nam không kiện thì có lợi hơn là kiện, nhất là sau khi PCA đã ra phán quyết về vụ kiện của PLP, vì những lý do sau đây:

Một là, phán quyết của PCA ngoài việc bác bỏ “đường chín đoạn” đã kết luận đích danh rằng TQ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển Đông, việc TQ xây dựng các thực thể nhân tạo ở biển Đông là trái phép, ngoài ra họ còn sai trái khi cản trở hoạt động đánh bắt hải sản hợp pháp của ngư dân PLP… Như vậy, về bình diện pháp lý quốc tế, TQ đã thua trắng rồi, chúng ta không cần tốn công để PCA tái khẳng định sự sai trái của TQ.

Hai là, phán quyết của PCA khẳng định các thực thể trên vùng biển tranh chấp không phải là “đảo” (island) mà chỉ là rock hay reef, shoal… (đá, rặng ngầm, bãi cạn…). Theo PCA thì các thực thể ấy không có khả năng duy trì đời sống con người ở đó (no/less capability of sustaining economic life/human inhibition) nên không thể gọi là “đảo”, vậy tức là quần đảo Trường Sa với 33 điểm đảo/đá/bãi đá… mà chúng ta đang chiếm phần lớn cũng không được công nhận là “đảo”, hay quần đảo Hoàng Sa mà chúng ta tuyên bố chủ quyền thì cũng thế.

Khi không được công nhận là “đảo” đúng nghĩa thì không có EEZ 200 hải lý tính từ đường cơ sở của đảo đó mà chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý (xem hình minh họa phân định các vùng). Việt Nam chúng ta xưa nay được Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) công nhận vùng EEZ 200 hải lý tính từ đường cơ sở sát đất liền trở ra vùng biển hướng Đông rồi, chúng ta không theo đuổi đòi hỏi EEZ 200 hải lý tính từ đường cơ sở của các quần đảo Trường Sa hay Hoàng Sa.

Nay PCA phán quyết như thế, mình không đòi thì không sao, còn nếu đòi, biết đâu sẽ bất lợi hơn (cái này các bạn nhìn hiện trạng Hoàng Sa/Trường Sa mà tự suy, Lão AQ chưa thể nói được). Tốt nhất là im lặng.

Còn TQ, họ cưỡng chiếm Hoàng Sa của chúng ta từ 1974 và dù UNCLOS 1982 đã quy định rõ các thực thể trên biển chỉ có quyền với 12 hải lý, không có EEZ 200 hải lý như quốc gia quần đảo thế nhưng TQ vẫn cứ theo đòi EEZ 200 hải lý tính từ các điểm/đảo họ đang chiếm giữ. Âm mưu của họ là tạo ra các vùng biển chồng lấn với Việt Nam và các quốc gia khác càng rộng càng tốt. Nên nhớ, họ luôn muốn biến cái không có tranh chấp thành có tranh chấp để rồi sau đó dùng vũ lực cưỡng chiếm. Hoàng Sa 1974 và Scarborough 2012 là những minh chứng cho dã tâm của họ.

Do vậy, phán quyết của PCA đã chặn đứng âm mưu đòi mở rộng EEZ từ các điểm/đảo đang chiếm giữ của TQ, là một cú tát vào tham vọng bành trướng của nước này.

Ba là, khi tuyên bố “đường chín đoạn” không có giá trị pháp lý, nếu chỉ tính riêng vùng EEZ 200 hải lý và tiếp theo đó là thềm lục địa thì với lợi thế đường biển trải dài hơn 3.000 km, Việt Nam chúng ta là nước được lợi nhất rồi. Và cũng với phán quyết đó, TQ không còn cơ sở để mở rộng các vùng biển chồng lấn/tranh chấp nên khó mà đem biển của ta đi chào mời khai thác dầu khí hay can thiệp vào hoạt động khai thác ngư nghiệp/dầu khí của chúng ta và các đối tác, trừ phi họ đạp lên tất cả để làm điều đó.

Vì ba lý lẽ trên, chúng ta không nhất thiết phải kiện TQ ra PCA làm gì, cho dù chúng ta có đủ cơ sở pháp lý để kiện.

* Hỏi: Thì ra là vậy, giải thích của giáo sĩ – tiến sư đã giải tỏa phần nào sự sốt ruột của nhiều người. Việc bây giờ chúng ta nên làm là gì?

Trả lời: Đừng có tham! Cố giữ cho được những gì mình đang có là tốt lắm rồi. Mình là nước bé nhưng đang được nhiều cái lợi nhất thì đừng vì sốt ruột hay tham vọng quá đà mà tính sai đường. 

Chúng tôi muốn nhắn gửi thông điệp quan trọng: Toàn dân hãy yên tâm!

* Em quá thỏa mãn rồi. Xin cảm ơn giáo sĩ – tiến sư!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *