3 vụ xả súng và đánh bom liều chết do IS chủ mưu đã xảy ra ở sân bay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ít nhất 36 người thiệt mạng, gồm nhiều người nước ngoài.
Khoảnh khắc bom nổ giữa sân bay Thổ Nhĩ Kỳ: 3 vụ đánh bom liều chết xảy ra ở sân bay tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, khiến ít nhất 31 người thiệt mạng, gồm nhiều người nước ngoài, và hơn 100 người bị thương.
Thị trưởng Istanbul Vasip Sahin cho biết con số thương vong ban đầu là 28 nạn nhân thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Các nhân chứng nói họ nghe thấy 2 vụ nổ vào đêm 28/6 nhưng Sahin cho biết nhận định của chính quyền là có 3 đối tượng đánh bom liều chết.
Đài truyền hình NTV của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin từ các bệnh viện cho biết số nạn nhân bị thương khoảng 106 người.
Lối vào sân bay Ataturk sau vụ nổ đêm 28/6. Ảnh: People.com
IS đứng sau vụ khủng bố
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định, những kết quả điều tra ban đầu cho thấy lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đứng sau vụ tấn công khủng bố wor sân bay Ataturk. “Đến nay, ít nhất 36 người đã thiệt mạng”, ông Yildirim nói với báo chí.
Theo Reuters, cảnh sát đã nổ súng để ngăn chặn 2 kẻ tấn công khi những kẻ này cố gắng chạy đến một khu kiểm soát an ninh tại sảnh đến của sân bay Ataturk. Những kẻ tấn công đã tự cho nổ tung ngay sau đó. Ataturl là sân bay nhộn nhịp thứ 3 của châu Âu.
“Một vụ nổ vô cùng lớn đã xảy ra, trần nhà sập xuống. Bên trong sân bay vô cùng hỗn loạn, hư hại rất đáng kể, bạn không thể nhận ra nó nữa”, Ali Tekin, một nhân chứng đang chờ đón khách ở sảnh đến vào thời điểm vụ tấn công xảy ra, nói với Reuters.
Du khách Paul Roos, 77 tuổi từ Nam Phi, cho biết một kẻ tấn công còn “xả súng loạn xạ” ở khắp nhà ga. “Chúng tôi đang đi tới ga quốc tế thì thấy một người đàn ông đang xả súng. Hắn bắn vào tất cả những ai trước mặt. Y vận toàn đồ đen nhưng không đeo mặt nạ. Chúng tôi buộc phải tìm chỗ trốn. 2 vụ nổ lớn xảy ra sau đó, tôi cũng không còn nghe thấy tiếng súng nữa”.
Theo Guardian, Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết những kẻ tấn công đã sử dụng súng AK-47 để tấn công trước khi tự kích nổ. Nhiều hình ảnh lan tryền trên mạng xã hội về khẩu súng trường được cho là của chúng bị bỏ lại ở sân bay.
Ông Bozdag nói với CNN rằng, một kẻ tấn công hoạt động ở bên ngoài sảnh đến, trong khi các tên còn lại ở gần cửa an ninh tại cổng vào sân bay. Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã yêu cầu tạm ngưng mọi chuyến bay từ Mỹ đến Istanbul, cũng như bất kỳ chuyến bay nào từ thành phố này đến Mỹ. Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết đang theo dõi diễn biến sự việc. 2 ứng viên tổng thống là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đã lên án vụ tấn công.
Nhắm vào khách nước ngoài
Phần lớn nạn nhân được cho là du khách nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Thổ Nhĩ Kỳ chưa công bố quốc tịch của họ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã họp khẩn cấp với Thủ tướng Binali Yildirim và các quan chức quân đội. Ông Erdogan lên án mạnh mẽ vụ tấn công và kêu gọi sự hợp lực của các quốc gia, đặc biệt là những nước phương Tây.
“Vụ đánh bom xảy ra ở Istanbul hôm nay có thể lặp lại ở bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Đối với những tổ chức khủng bố, Istanbul và London, Ankara và Berlin, Izmir và Chicago… không có sự khác biệt nào. Trừ phi các chính phủ liên kết với nhau để chống khủng bố, nhiều sự việc còn tệ hại hơn có thể xảy ra trong những ngày tới”, ông Erdogan nói.
Bản đồ sân bay quốc tế Ataturk và thành phố Istanbul. Ảnh trái cho thấy vị trí kẻ tấn công đặt bom (chấm đỏ trái) lúc 19h50 giờ GMT (2h50 sáng 29/6 giờ Hà Nội). Chấm đỏ phải thể hiện vị trí vụ nổ thứ hai khi những kẻ tấn công tự kích nổ vì bị cảnh sát truy đuổi ở gần lối vào sân bay. Đồ họa: Daily Mail
Nhà Trắng đã ra tuyên bố lên án vụ tấn công ở sân bay Ataturk “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất”, khẳng định Mỹ luôn kiên định trong việc hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Bỉ Charles Michel cũng nhanh chóng chia sẻ trên Twitter rằng: “Chúng tôi lên án những vụ tấn công bạo lực tàn bạo này. Mọi suy nghĩ của chúng tôi hướng về các nạn nhân ở sân bay tại Istanbul”.
Hồi tháng 3, thủ đô Brussels của Bỉ cũng đối mặt với vụ đánh bom ở sân bay và ga tàu điện ngầm khiến hàng chục người chết. Hiện chưa tổ chức nào tuyên bố nhận trách nhiệm vụ tấn công. BBC nhận định, vụ khủng bố ở sân bay Ataturk có thể là một âm mưu tấn công có tổ chức và được điều phối tốt. Từ lâu, phi trường này được cho là một trong những mục tiêu tiềm năng của khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có lãnh thổ phần lớn nằm tại Tây Á và một phần nằm tại Đông Nam Âu. Do vị trí nằm tại nơi giao cắt giữa châu Âu và châu Á khiến Thổ Nhĩ Kỳ có tầm quan trọng địa chiến lược đáng kể. Dân số của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 76,8 triệu người, GDP đầu người là 10.515 USD. Nước này luôn đối mặt với hàng loạt mối đe dọa và tấn công khủng bố, cao điểm là vào giai đoạn thập niên 1990.
Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu những vụ đánh bom đẫm máu ở nơi công cộng trong vòng một năm trở lại đây. Nước này cáo buộc các vụ tấn công là do phiến quân khủng bố, như Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hoặc lực lượng nổi dậy người Kurd gây ra.
Thủ đô Ankara từng được đặt trong tình trạng báo động kể từ ngày 10/10/2015, khi 2 kẻ đánh bom liều chết đã tự kích nổ ở giữa đám đông khiến 103 người thiệt mạng. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hành khách chạy tán loạn khi kẻ tấn công xả súng ở sân bay: Các hành khách sợ hãi bỏ chạy khi một nghi phạm xả súng ở sân bay, trước khi y bị cảnh sát nổ súng bắn để vô hiệu hóa. Ngay sau đó, tên này đã tự kích nổ khối bom quanh người.
Minh Anh
Tin cùng chuyên mục:
Phương thức ám sát mới: Nguy cơ từ thiết bị điện tử
Vụ bỏ cọc đất đấu giá ở Hà Nội: Hiện tượng thao túng thị trường Bất động sản
Vụ sập cầu Phong Châu: Cần làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm
Phú Thọ: Khẩn trương xây dựng cầu Phong Châu mới sau sự cố sập cầu