Vụ Tân Hiệp Phát: “GÀI BẪY” LÀ XẤU CÒN “CƯỠNG ĐOẠT” LÀ TỐT?

Người xem: 158

Nhiều người đang hiểu rất sai khái niệm “gài bẫy”, đánh đồng khái niệm này với quyền tố cáo, tố giác tội phạm.

Liên quan vụ việc Võ Văn Minh bị tố chiếm đoạt tài sản của công ty Tân Hiệp Phát, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đã đưa ra những nhận định của mình.

Hiểu theo nghĩa thông thường thì “gài bẫy” là tạo ra sự nguy hiểm cho người khác, để hại người ta một cách có chủ đích. Hành vi tạo tình huống nguy hiểm này và hậu quả thiệt hại xảy ra cho người bị gài bẫy, hoàn toàn do người “đặt bẫy” tạo ra. Gài bẫy, lập mưu để hãm hại người khác (người lương thiện) là không nên cả về đạo đức và pháp luật. Tuy nhiên, bố trí, mật phục để bắt quả tang hành vi phạm tội của ai đó là một hành động hợp pháp để đấu tranh với tội phạm khi ý định phạm tội đã nảy sinh, hành vi phạm tội đã và đang thực hiện.

Đối với pháp luật thì tố cáo, tố giác tội phạm là hành vi hợp pháp, được pháp luật khuyến khích mọi công dân thực hiện cái quyền này để đấu tranh với tội phạm, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của mình… Về phía cơ quan điều tra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT thì khi nhận được tin báo, tố giác tội phạm thì phải có nghĩa vụ xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Để có căn cứ xử lý các đối tượng phạm tội thì bắt quả tang hành vi phạm tội là việc làm hoàn toàn hợp pháp, giúp cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện nhanh chóng, đúng đắn hơn.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Trong các vụ có tính chất cưỡng đoạt như: Cưỡng dâm, hiếp dâm nhiều lần, cưỡng đoạt tài sản… hoặc những vụ việc như đánh bạc, mại dâm, buôn bán trái phép chất ma túy…, thì cơ quan điều tra thực hiện các nghiệp vụ điều tra, để bố trí mật phục bắt quả tang đối tượng phạm tội là hoạt động hoàn toàn hợp pháp và có hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc bắt quả tang đối tượng phạm tội, sẽ rút ngắn thời gian điều tra, xét xử một vụ án…

Nếu một người đang bị kẻ khác đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, tài sản… mà âm thầm chịu đựng, không trình báo cơ quan công an thì đó là hại mình và đang dung túng cho cái ác hoành hành. Việc cơ quan điều tra không thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để bắt quả tang đối tượng phạm tội, sẽ tạo cơ hội cho đối tượng phạm tội quanh co, chối tội gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Bị cáo Võ Văn Minh tại tòa.

Đối tượng phạm tội cũng không thể ngụy biện rằng người bị hại đã “chơi xấu”, “gài bẫy” là “báo công an”. Nếu không trình báo thì tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm hoặc tài sản của họ đã bị xâm hại rồi. Vì vậy, việc tố cáo, tố giác tội phạm không có gì là xấu, và việc cơ quan điều tra bố trí, mật phục để bắt quả tang đối tượng phạm tội là hành động hợp pháp và góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm.

Hành vi phạm tội sẽ xảy ra nếu cơ quan công an không mật phục, không bắt quả tang. Việc báo công an, bắt quả tang không phải là nguyên nhân phạm tội của bị cáo, dù gì thì sự việc cũng đã xảy ra, tội phạm hình thành từ khi bị cáo đưa ra những lời hăm dọa nhằm chiếm đoạt tài sản. Nguyên nhân việc phạm tội, là do lòng tham của bị cáo, chứ không phải là do người bị hại báo công an hay do công an phát hiện. Nhiều người không phân biệt được quan hệ “nhân-quả” trong một số tội danh, một số vụ án dẫn đến tình trạng nhầm lẫn giữa “nguyên nhân” với “nguyên cớ”…

Tại tòa án trong vụ án hiếp dâm, bị cáo không thể chỉ trích bị hại rằng: Tại sao kêu bé thế, kháng cự yếu ớt thế? Tại sao lại trình báo công an? Tại sao công an không bảo họ là đừng làm chuyện đấy mà lại bố trí bắt quả tang?… Khi không nhận ra sai phạm của mình thì khó mà cải tạo, sửa chữa.Người xưa nói “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu khi vụ việc xảy ra mà cứ đổ diệt lỗi do đối phương, thì e rằng khó có thể tiến bộ.

Theo quy định của pháp luật, một số tội phạm có cấu thành hình thức, nghĩa là không nhất thiết người phạm tội phải đạt được mong muốn, thỏa mãn nhu cầu của mình, trong đó có tội cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản, hiếp dâm… Trong tội cưỡng đoạt tài sản, chỉ cần bị cáo có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần của người khác “nhằm” chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội phạm, chưa cần phải nhận được tài sản đó từ phía người bị hại.

Việc cơ quan điều tra phối hợp với người bị hại trong các vụ án cưỡng dâm, cưỡng đoạt tài sản… để bắt quả tang hành vi phạm tội là chuyện hết sức bình thường, và hoàn toàn hợp pháp. Đố tượng phạm tội không thể lấy cái cớ đó để chối tội cho mình. Trong vụ án cưỡng đoạt tài sản, cần làm rõ hai yếu tố cơ bản là có hành vi uy hiếp, đe dọa hay không? và hành vi đó có nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay không? là có thể kết tội bị cáo. Còn những yếu tố khác như nhân thân, động cơ, mục đích… chỉ có tính chất phụ trợ để cân nhắc khi lượng hình.

Ngày nay, vẫn có những người đeo đuổi những suy nghĩ hết sức mông muội là “lấy của người giàu, chia cho người nghèo” là hành động nghĩa hiệp. Cứ bảo vệ người nghèo bằng mọi giá là chính nghĩa. Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh thì mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần phải được phát hiện, ngăn chặn và phải xử lý kịp thời để đảm bảo trật tự xã hội.

Việc xử lý một hành vi phạm tội của một người, không đơn giản chỉ là một biện pháp trừng phạt, mà còn là hành động tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Hình phạt ở đây còn mang một ý nghĩa khác là để răn đe, phòng ngừa chung. Kết quả xét xử một vụ án hình sự kết tội bị cáo, sẽ là bài học cho bị cáo và là bài học cho những người khác trong xã hội.

Bài viết thể hiện quan điểm của luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

http://www.nguoiduatin.vn/tan-hiep-phat-vu-an-con-ruoi-gai-bay-la-xau-con-cuong-doat-la-tot-a220060.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *