Chung Nguyên
Những loại vắc xin đã được WHO cho phép sử dụng đều có thể dùng được, cho dù là Pentaxim hay Quinvaxem thì đều đảm bảo khả năng phòng bệnh và tính an toàn.
Vào những năm 70, ngành mía đường lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng với lượng tiêu thụ giảm tới 12% và vẫn theo đà rớt xuống.
Nguyên nhân được cho là bởi những nghiên cứu mới công bố quy kết đường tinh luyện là tác nhân chính gây ra béo phì, tăng huyết áp, tim mạch và tiểu đường.
Để cứu vãn, Hiệp hội Mía đường Hoa Kỳ đã không tiếc tiền chi cho một chiến dịch PR lịch sử để đảo ngược tình hình, với sự giúp sức của công ty PR lừng danh Carl Byoir & Associate.
Ngành mía đường đã làm được một việc điên rồ đó là tạo được niềm tin trong công chúng rằng đường là một thực phầm tuyệt vời dành cho… ăn kiêng.
“Nếu đường gây béo phì tại sao đa số trẻ em lại gầy?”.
“Đường có tác dụng đánh lừa não bộ khiến chúng ta mất cảm giác thèm ăn”.
“Đường có thể làm bạn mất ngon miệng, chúng tôi khuyến khích những người ăn kiêng nên nhấm nháp một chiếc bánh quy ngọt khoảng một tiếng trước khi ăn”.
Các kênh truyền hình, sách báo lớn thậm chí cả tạp chí Life đều góp tay vào chiến dịch PR tổng lực này, với tư tưởng truyền thông đã được khẳng định cách đó hơn 20 năm bởi ông tổ ngành tuyên truyền của Đức Quốc Xã Gobbels:
“Khi sự dối trá lặp lại đủ lâu và nhiều, nó trở thành chân lý”.
Thị trường luôn bị định hướng bởi báo chí và tin đồn. Trong những phi vụ áp phe, các con buôn không ngần ngại sử dụng tới vũ khí dư luận để tung những cú đòn dưới thắt lưng hòng trục lợi.
Người dân, vốn ở thế thụ động, mặc nhiên trở thành những con tin bất đắc dĩ.
Vào hồi cao trào của “cuộc chiến vắc xin”, một ý kiến chuyên gia mang học vị giáo sư được báo chí đăng tải, kết luận vắc xin vô bào an toàn hơn vắc xin miễn phí gấp 10 lần.
Gấp 10 lần là một con số đáng nghi ngờ, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu theo quí của mấy lớp học làm giàu bằng bán hàng đa cấp cũng không thể tròn trĩnh một cách thần kỳ được như vậy.
Không lâu sau, thông tin trên đã được cải chính, vị kia cho là không nói như vậy. Tuy nhiên, suốt hai năm qua kể từ ngày ý kiến đó được đăng tải, không có ai yêu cầu cải chính.
Một nhầm lẫn rất tình cờ nhưng kết quả khá bất ngờ, hàng trăm nghìn liều vắc xin Pentaxim đang lay lắt, bỗng nhiên rũ bùn đứng dậy chói lòa thành vị cứu tinh cho những trẻ em con gia đình khá giả.
Quinvaxem bỗng đâu bị xem như “con ngáo ộp giết người” cho dù WHO đã lên tiếng khẳng định tính an toàn của nó. Ai cần biết WHO là cái gì cơ chứ, cứ tin đồn quán nước vỉa hè nhà bà Tám mà nghe cho chắc ăn.
Vắc xin sản xuất hàng loạt trong môi trường vô trùng, được vận chuyển và bảo quản đúng cách, thì việc bị lọt vào một liều vắc xin lỗi hỏng trên cả lô còn khó hơn là nhặt được trứng khủng long ở công viên Thủ Lệ.
Vắc xin dạng “xách tay” xuyên tỉnh hay tuồn từ các cơ sở y tế ra để tiêm ở ngoài thì lại là một câu chuyện khác hoàn toàn. Chúng ta không cần phải có kiến thức y học cao siêu cũng phần nào hiểu được rằng:
Những loại vắc xin đã được WHO cho phép sử dụng đều có thể dùng được, cho dù là Pentaxim hay Quinvaxem thì đều đảm bảo khả năng phòng bệnh và tính an toàn khi được tiến hành tiêm chủng quy mô.
Xác suất biến chứng khi tiêm luôn có, thậm chí không tiêm gì thì rất nhiều trẻ cũng vẫn tử vong mỗi ngày vì nghẹn, đuối nước, cảm sốt hay tiêu chảy.
Người phụ nữ ngất xỉu vì chen lấn tại điểm tiêm vắc xin. Ảnh: Vietnamnet
Tiêm gì thì tiêm, nhưng nhớ là phải tiêm, nó không chỉ là đảm bảo an toàn cho con cái các bạn, mà còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
Nếu tỉ lệ tiêm của cả nước không đạt 90% thì mọi vắc xin đều vô dụng, cho dù là Quinvaxem miễn phí hay Pentaxim giá trên trời mua được nhờ vất vả đội mưa dựng lều chen lấn hơn tranh ấn đền Trần.
Ngành Y tế, chắc chắn không thể né tránh trách nhiệm trong việc để nhiễu thông tin.
Y tế chưa bao giờ là một ngành chú trọng truyền thông, phương thức truyền tải thông tin cho công chúng, vẫn chủ yếu dựa vào những tờ nhắc lịch tiêm in khổ A5 đóng dấu treo dịch tễ, kết hợp với sức mạnh tối thượng của âm lượng loa phường.
Khi truyền thông bất lương can thiệp, quần chúng nhân dân giữa đống thông tin hỗn tạp, họ sẽ chọn cái gì đó khiến họ yên lòng.
Dù điều này đồng nghĩa với việc gây ra một cuộc khủng hoảng đe dọa nỗ lực mở rộng tiêm chủng của nước ta. Nhiều phụ huynh sẽ sợ không dám cho con đi tiêm chủng và chỉ một đợt dịch bùng phát sau này thôi thì hậu quả thật khó lường.
Rõ ràng, việc tiêm “vắc xin thông tin” cho nhân dân cũng không hề nên coi nhẹ.
Những phụ huynh Việt Nam, họ không có lỗi khi yêu và mong muốn những điều tốt đẹp, an toàn cho con cái, dẫu rằng đôi khi tình yêu đó vô tình khiến xã hội trả giá bằng những đợt lên đồng.
Giữa ma trận thông tin nhiễu treo bên cạnh tính mạng hàng triệu trẻ em, trách nhiệm và lương tâm nhiều người cầm bút, để ở đâu?
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’