LâmTrực@
Dư luận đang bức xúc về sự kiện giáo dân xứ Nghi Kiều, Nghi Lộc, Nghệ An mà cầm đầu là linh mục Lê Công Lượng, dưới sự bảo trợ của giáo phận Vinh, tấn công trường học mầm non, chiếm đất làm đường vào nhà thờ.
Đây là vụ việc nghiêm trọng, thách thức luật pháp và phỉ nhổ vào giáo lý công giáo.
1.
Từ đầu năm 2015, LM Lê Công Lượng thông qua Hội đồng mục vụ Giáo họ Yên Lạc nhiều lần xin phép UBND xã Nghi Kiều làm con đường từ cổng nhà thờ họ Yên Lạc chạy thẳng ra đường liên xóm, cắt ngang khuôn viên Trường mầm non xã Nghi Kiều, nhưng UBND xã không đồng ý, và đã chỉ rõ đây là việc làm vi phạm pháp luật, xâm phạm đến diện tích đất do Trường mầm non xã Nghi Kiều quản lý, trong lúc giáo họ đã có đường vào nhà thờ rộng 7m. UBND xã cũng đã mời Hội đồng mục vụ Giáo họ Yên Lạc lên làm việc để nói rõ những kiến nghị trong đơn là không có cơ sở vì khi kiểm tra tờ bản đồ số 299 thì không có con đường đi vào nhà thờ qua khuôn viên HTX Kiều I trước đây (nay là trường mầm non), như trong đơn kiến nghị của giáo họ. Tuy nhiên, dường như viecj xin phép UBND xã chỉ là cái cớ để gây sự với chính quyền, và thái độ của Hội đồng mục vụ là bất hợp tác.
Vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 5/10/15, LM Lê Công Lượng đã huy động khoảng 500 giáo dân kéo đến khu vực Trường mầm non Nghi Kiều dùng búa, xà-beng công khai đập phá hai phía bờ tường của trường mầm non cùng nhiều tài sản khác, đồng thời làm con đường rộng 8 m, dài 81,5 m đi thẳng vào nhà thờ, xuyên qua đất của trường mầm non. Tổng diện tích của nhà trường bị giáo họ lấn chiếm làm đường khoảng 700 m2. Mặc dù được Nhà trường và đại diện chính quyền vận động, giải thích, nhưng các giáo dân dưới sự chỉ huy của Lê Công Phượng vẫn tiếp tục có hành vi phạm pháp.
Sáng 6/10/15, Cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc đã triệu tập các ông Nguyễn Văn Lưu, Trưởng ban hành giáo; Đậu Văn Minh, Phó ban hành giáo; Nguyễn Văn Ngọ, Thư ký Giáo họ Yên Lạc để nắm bắt thông tin về sự việc xảy ra ở Trường mầm non Nghi Kiều. Trong lúc cơ quan chức năng đang làm việc với những người được triệu tập, một số thành viên Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Xuân Kiều cùng khoảng hơn 300 giáo dân đã kéo đến trụ sở xã đòi thả người làm ảnh hưởng đến hoạt động của UBND xã Nghi Kiều và an ninh trật tự trên địa bàn.
Sau khi được giải thích rõ rằng, việc Hội đồng mục vụ và các giáo dân đập phá tường rào, chặt bỏ cây xanh, lấn chiếm đất và xây dựng trái phép trong khuôn viên nhà trường là hành vi vi phạm pháp luật, và với chức năng bảo vệ an ninh trật tự, cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện triệu tập những người có liên quan, biết về sự việc để phục vụ công tác điều tra là đúng quy định của pháp luật, các giáo dân đã trật tự ra về.
Dù đứng ở góc độ nào thì việc hàng trăm giáo dân giáo xứ Nghi Kiều lấn chiếm đất và phá hoại tài sản của trường mầm non cũng đều không thể chấp nhận được và nó đã vi phạm nghiêm trọng cả giáo lý công giáo và pháp luật hiện hành.
2.
Trong cuốn Giáo lý Hội thánh Công giáo, tại Mục 6-Lương tâm đã ghi rất rõ “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người…Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người…“. Rõ ràng việc bất chấp luật pháp, sử dụng sức mạnh của số đông cuồng tín đập phá trường học, đe dọa đến tính mạng các thầy cô giáo và thậm chí là các cháu bé đang theo học không thể gọi là “thi hành điều thiện“. Họ, những giáo dân cuồng tín mê muội đang cố tình thi hành những mệnh lệnh “ác độc” từ những vị chủ chăn mà quên mất rằng, “Không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt một kết quả tốt” như chúa Jesus đã răn dạy.
Thật đáng hổ thẹn, một số giáo dân và cả chủ chăn đã có những hành vi hả hê khi đập phá, chửi bới, lăng mạ người khác, đi ngược lại với những điều răn của thánh tông đồ Phaolô: “Ðức mến thì nhẫn nhục, không ghen tuông, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”. Tất cả những hành động của họ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối đoàn kết lương-giáo và “vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại” (Trích Mục 8-Tội lỗi-Giáo Lý Công giáo).
Trong lúc ấy, các chủ chăn đã làm gì và ở đâu với bổn phận chăm lo đời sống Thiên chúa? Thực tế các chủ chăn thay vì dạy bảo, khuyên nhủ các giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành pháp luật và sống phúc âm trong lòng dân tộc, họ lại núp sau tượng chúa để kích động xúi bẩy giáo dân vi phạm pháp luật và đạo đức công giáo. Hành động của họ có còn xứng đáng là chủ chăn nữa hay không khi chính họ lại phạm vào Thánh kinh là “làm chứng gian“? Đây là điều mà các giáo dân chân chính, kính chúa, yêu nước không bao giờ chấp nhận.
Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã răn “Mỗi người phải đóng góp cho các cộng đồng mà mình là thành viên, và phải tôn trọng các người cầm quyền có trách nhiệm mưu cầu công ích“. Vậy các giáo dân và các vị chủ chăn kia có làm theo hay đã phỉ nhổ vào giáo lý?
3.
Dưới góc độ pháp luật, một người như giám mục Nguyễn Thái Hợp hay các vị chủ chăn khác không thể không biết hành vi đập phá trường học, lấn chiếm đất của nhà trường là vi phạm pháp luật.
Theo Bộ luật hình sự, hành vi đập phá tường rào, chặt bỏ cây xanh, lấn chiếm khuôn viên nhà trường và tụ tập đông người trước trụ sở cơ quan công quyền của các giáo dân đủ yếu tố cấu thành tội “Huỷ hoại tài sản” được quy định tại Điều 143 và tội “Gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 245.
Xem xét dưới góc độ Luật đất đai: hành vi tự ý lấn chiếm đất, mở đường, xây tường rào là hành vi phạm pháp luật về đất đai được quy định tại Điều 12, Luật đất đai 2013.
Tại Điều 206 Luật đất đai 2013 quy định: (1). Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; (2). Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai mà gây thiệt hại cho Nhà nước, cho người khác, ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật còn phải bồi thường theo mức thiệt hại thực tế cho Nhà nước hoặc cho người bị thiệt hại.
Như vậy, vụ việc xảy ra tại giáo xứ Nghi Kiều, dù xem xét dưới bất kể góc độ giáo lý hay pháp lý thì hành vi của các giáo dân và ngay của các chức sắc cũng đều đáng bị lên án.
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật