NHÂN VỤ TỬ TÙ HỒ DUY HẢI ĐƯỢC HOÃN THI HÀNH ÁN NGHĨ VỀ MÔ HÌNH XÉT XỬ

Người xem: 194

Copy từ FB Phạm Xuân Cần (FaXuCa) vì thấy rất chí lý. Mỗi khi tính độc lập của Tòa án chưa tuyệt đối, xét xử chưa theo nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung” thì sẽ còn sai sót.

Hồ Duy Hải trước tòa
Đã có quá nhiều bài viết, tranh luận đăng trên đủ các “lề” báo chí và mạng xã hội. Nghe ra, ngoài mấy vị trong cuộc là người điều tra, truy tố, xét xử vẫn khẳng định mình đúng…quy trình, còn lại trên mạng tuyệt đại bộ phận đều cho bị cáo Hải bị xử oan. Dĩ nhiên, kết tội, nhất là tội tử hình một ai đó thì không thể lấy…biểu quyết, như…Quốc Hội, hay như chấm hoa hậu vừa rồi. Phải dựa trên chứng cứ và chỉ chứng cứ mà thôi, không thể nói như bà Bà Trần Thị Nhanh (nguyên phó viện trưởng Viện KSND tỉnh Long An – người trực tiếp tham gia quá trình điều tra và ký cáo trạng truy tố bị can Hồ Duy Hải): “Bằng niềm tin nội tâm và những chứng cứ thu thập được, tôi tin Hồ Duy Hải là thủ phạm”. Ở đây không có chỗ cho “niềm tin nội tâm”, dù nội tâm của bà có trong sáng đến đâu!
Việc kết tội oan ông Nguyễn Thanh Chấn và có thể còn có một số tử tù khác trước đây, cũng như vụ án Hồ Duy Hải hiện nay có nhiều tình tiết rất khác nhau, nhưng chúng đều là sản phẩm của một mô hình xét xử đang tồn tại hợp pháp hiện nay, đó là mô hình xét xử thẩm vấn, thay vì mô hình tranh tụng. Trong mô hình xét xử thẩm vấn, mặc dù lí thuyết không nói, nhưng thực tế hầu như không có tranh tụng, đặc biệt tiếng nói của luật sư hoặc người bào chữa không được tôn trọng đúng mức. Đó là chưa kể nguyên tắc tòa án chỉ độc lập xét xử theo pháp luật không phải lúc nào cũng được tôn trọng. Số phận con người, vì vậy đôi khi được định đoạt bởi những lập luận mơ hồ, hoặc không chắc chắn, thậm chí bằng cả “niềm tin nội tâm” của các vị cầm cân nảy mực. Ngay trong vụ án Hồ Duy Hải rõ ràng một số cái gọi là “chứng cứ” là không có thật, các sai sót nghiêm trọng về tố tụng cũng bị bỏ qua, vì được cho là “không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”
Thiết nghĩ cần nhắc lại một sự kiện lịch sử, đó là Vụ án Hồng Công, xét xử Tống Văn Sơ (Nguyễn Ái Quốc). Luật sự Lô giơ bai đã thắng, Tống Văn Sơ đã được tự do, không phải vì nhà cầm quyền Hồng Công không đủ chứng cứ chứng minh các hoạt động được coi là vi phạm pháp luật khi đó của Tống Văn Sơ, mà Tòa chấp nhận phải trả tự do cho Tống Văn Sơ là vì những sai phạm về thủ tục tố tụng của cảnh sát khi bắt giữ nhà yêu nước Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc. Tuy nhiên, đó là trong một phiên tòa tranh tụng, còn nếu trong phiên tòa thẩm vấn, những sai phạm về tố tụng của cơ quan điều tra được luật sư chỉ ra, rất có thể bị VKS và Tòa bác bỏ, vì cho rằng những sai phạm đó không ảnh hưởng đến “bản chất vụ án”.
Nên nhớ rằng vụ án Hồng Công diễn ra từ năm 1931. Tám mươi ba năm sau, ở nước Việt mình tòa vẫn xử theo mô hình thẩm vấn! Số liệu một đề tài khoa học cho thấy cho đến nay hàng năm cả nước ta mới có trên dưới 10% phiên tòa hình sự có luật sư, hoặc người bào chữa tham gia. Cứ tạm thời cho là phiên tòa có luật sư hay người bào chữa thì có thể có tranh tụng, như vậy hiện đang có tới trên dưới 90% số phiên tòa hình sự còn lại ở nước Việt này không có tranh tụng. Chưa kể, trong đó chiếm một tỷ lệ không nhỏ là luật sư được tòa chỉ định. 
Riêng trong vụ án Hồ Duy Hải, vị luật sư “bào chữa cho bị cáo”, không phải ai xa lạ, mà chính là ông trưởng phòng CSĐT đã từng điều tra vụ án này. Cho nên, không có gì lạ, khi lẽ ra cần triệt để vận dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” để cãi cho thân chủ, thì ngài “luật sư kiêm điều tra viên” này lại về “phe” với Viện và Tòa để kết tội bị cáo cho bằng được!
Tôi không phải là người điều tra, tuy tố hay xét xử bị cáo Hồ Duy Hải, cũng không được và không thể nghiên cứu kĩ hồ sơ vụ án, chỉ biết thông tin vụ án qua báo chí và mạng xã hội, nên không thể nói Hồ Duy Hải oan hay không oan. Chỉ biết rằng: Với những “chứng cứ” như vậy, với những vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra như vậy, nếu trong một phiên tòa tranh tụng thật sự thì không một chánh án nào có thể tuyên án, dù đó không phải là án tử!
Vậy thì để cho những vụ án oan sai không xẩy ra, để cho những số phận như Hồ Duy Hải được định đoạt một cách chính xác, khách quan, chắc còn nhiều việc phải làm, nhưng quan trọng và cấp bách nhất lúc này là chuyển mô hình tòa án từ thẩm vấn sang tranh tụng! 
Hình như Hiến pháp mới đã mở con đường này?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *