TT – Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can đối với ông Nguyễn Tuyến Dũng (41 tuổi, trú tại TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) – nguyên điều tra viên cao cấp Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, điều tra viên chuyên án Năm Cam – về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.
Ông Nguyễn Văn Nên (trái) trong dịp được Công an Tiền Giang khen thưởng sau khi phá vụ án buôn lậu 92kg vàng – Ảnh: Tr.Giang
Trong vụ án này, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Nên (nguyên phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang) về hành vi trên, nhưng do ông Nên đang điều trị bệnh tâm thần nên cơ quan điều tra tạm đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can để xử lý sau.
Theo cáo trạng, năm 2002 ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Tuyến Dũng được Bộ Công an điều động tham gia chuyên án Z.501 điều tra băng nhóm tội phạm do Trương Văn Cam (tức Năm Cam) cầm đầu.
Khi chuyên án kết thúc, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra một số vụ án có dấu hiệu liên quan đến các băng nhóm tội phạm có tổ chức, trong đó có vụ án “gây rối trật tự công cộng” xảy ra tại Công ty gas Bình Dương (trụ sở tại Khu công nghiệp Đồng An, tỉnh Bình Dương do Công ty cổ phần Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) được khởi tố ngày 3-4-2003. Ông Nên và ông Dũng tham gia điều tra vụ án này.
Ngày 29-4-2003, ông Nên ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc, và ông Phạm Văn Hướng, phó giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh, về hành vi gây rối trật tự công cộng xảy ra từ năm 2000 tại Khu công nghiệp Đồng An.
Lợi dụng việc tham gia điều tra vụ án này, hai ông Nên và Dũng đã giải quyết tranh chấp dân sự giữa vợ chồng ông bà Huỳnh Thị Thu, Nguyễn Văn Cư (trú tại TP.HCM) và Công ty cổ phần Hưng Thịnh trong khi vụ tranh chấp này đang được TAND huyện Dĩ An (nay là thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) thụ lý giải quyết.
Viện KSND tối cao xác định ông Nên và ông Dũng biết tranh chấp này là tranh chấp dân sự đã được khởi kiện theo thủ tục dân sự, không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an, không liên quan đến vụ án “gây rối trật tự công cộng” nhưng vẫn giải quyết vụ việc này.
Trong vụ án này, Viện KSND tối cao còn xác định khi Bùi Mạnh Lân bị bắt tạm giam, ban chuyên án nhận được tin báo về việc phạm nhân Liên Khui Thìn (bị can trong vụ Epco – Minh Phụng) tố cáo ông Lân có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 50-60 tỉ đồng của Công ty Epco.
Nguyễn Văn Nên và Nguyễn Tuyến Dũng đã ép ông Bùi Mạnh Lân khai nhận có chiếm đoạt của Liên Khui Thìn khoảng 8 tỉ đồng và “động viên” ông Lân bán nhà riêng tại TP.HCM với mục đích chi trả.
Trước áp lực đó, ông Lân đã phải khai nhận hành vi phạm tội chiếm đoạt hơn 8 tỉ đồng của Liên Khui Thìn. Sau đó, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã xác định Liên Khui Thìn nhầm lẫn và không có chuyện Bùi Mạnh Lân chiếm đoạt tiền.
Viện KSND tối cao cũng làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án “gây rối trật tự công cộng”, ông Nguyễn Văn Nên đã ký lệnh bắt khẩn cấp ông Bùi Mạnh Lân, Phạm Văn Hướng, Đỗ Cao Bằng cùng một số người khác trái thẩm quyền và để kéo dài thời gian tạm giam thêm từ 5-26 ngày đối với mỗi người.
Hành vi này có dấu hiệu vi phạm Bộ luật hình sự, nhưng do thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nên cơ quan điều tra không xem xét hành vi này.
MINH QUANG
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật