TỪ ĐẠI ÁN DƯƠNG CHÍ DŨNG NGẪM VỀ NHỮNG LIÊN ĐỚI TRÁCH NHIỆM

Người xem: 128

Nếu những người có trách nhiệm làm đúng phận sự thì làm sao có một Dương Chí Dũng với đại án tham nhũng hôm nay.

Trong những buổi tổng kết đơn vị cuối năm, chắc không phải kể lể dài dòng nữa vì ai cũng có thể hình dung ngay đến những “kính thưa, kính gửi”, rồi những bản báo cáo đầy thành tích vượt khó hoàn thành kế hoạch, rồi tay bắt mặt mừng rủ nhau đi liên hoan…Quy trình có sẵn rồi, cứ thực hiện là mọi việc đâu vào đó, sẽ tốt đẹp.

Thế mà chị bạn tôi làm sếp ở một đơn vị nọ, trong buổi đi dự tổng kết tuần trước, sau khi nghe báo cáo thành tích đã bỏ qua khâu thủ tục rào trước đón sau như thường thấy, chị hỏi một câu thế này: “Cảm giác của cả phòng thế nào khi đọc bản báo cáo này, có thấy sung sướng, có phấn khởi vì năm qua đã cố gắng hết mức, có thấy hài lòng về những thành quả đã đạt được không?”

Sếp chỉ hỏi có thế mà những nụ cười thường trực đã biến mất, thay vào đó là sự im lặng suy tư. Câu hỏi và sự im lặng cần thiết đó đã kéo một tập thể trở về với một hiện thực mà sau khoảng lặng đó, họ đã chân thành, thẳng thắn nói lên một sự thật hoàn toàn đi ngược nội dung báo cáo làm sẵn trước đó mà thừa nhận rằng: Năm qua, chúng tôi đã chưa thực sự nỗ lực, chưa để lại dấu ấn nào và chúng tôi tự thấy thật khó để bầu ra một danh hiệu chiến sĩ thi đua xứng đáng.

Có thể sự thẳng thắn sẽ khiến họ mất danh hiệu thi đua trong năm nay, nhưng cái họ đổi được là sự nhẹ nhõm khi sòng phẳng với chính mình và với nhau. Chị bạn tôi bảo chị ấy tin họ sẽ có những bước tiến dài trong năm tới.

Câu chuyện chị bạn kể làm tôi nhớ đến lời của ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khi nhận định về những sai phạm của Dương Chí Dũng và đồng phạm. Ông Vũ Mão cho rằng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình quản lý cán bộ. Bởi Dương Chí Dũng làm ăn thua lỗ và có biểu hiện tham ô, hối lộ, phạm pháp ở Vinalines, vậy mà trong một cuộc họp Thường vụ của đơn vị này thì lại có tới 6/6 thành viên nhất trí đề bạt Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải. Xung quanh việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng, Bộ GTVT khẳng định vẫn làm đúng nguyên tắc, đúng thẩm quyền và trình tự.

Cho dù Toà có tuyên án Dương Chí Dũng hình phạt cao nhất thì những mất mát về vật chất và tinh thần, cả hữu hình và vô hình mà xã hội gánh chịu có lấy lại được không?

Một nguyên tắc mang tính hình thức, một qui trình xơ cứng không chỉ để lọt người, lọt tội mà còn gây ra biết bao hậu quả vì nó đã gián tiếp tiếp tay cho một hành vi phá hoại nền kinh tế, phá hoại đất nước. Nói như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trên Dân trí rằng “phải đặt hành vi của Dương Chí Dũng và đồng bọn trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái, ngân sách eo hẹp đến nỗi phải đình, giãn hoãn hàng loạt công trình, đời sống người dân khó khăn, có người (một phụ nữ ở Cà Mau) lâm bước đường cùng đến nỗi phải tự chấm dứt đời mình để khỏi mất thêm tiền chữa bệnh và để gia đình được xếp diện hộ nghèo để có tiền cho con đi học v.v… thì hành vi tham nhũng của chúng là một tội ác trời không dung, đất không tha”.

Nếu ngay từ đầu những người có trách nhiệm làm đúng phận sự mà nghiêm túc, sòng phẳng với nhau trong công tác thường ngày và trong các cuộc họp, không an phận với suy nghĩ hèn nhát “một mình tôi thì có làm được gì” thì làm sao có một Dương Chí Dũng với những sai phạm nghiêm trọng như ngày hôm nay. Cho dù Toà có tuyên án Dương Chí Dũng hình phạt cao nhất thì những mất mát về vật chất và tinh thần, cả hữu hình và vô hình mà xã hội gánh chịu có lấy lại được không?

Trước khi tặc lưỡi qua cho qua một chuyện hoặc phải làm một điều gì trái lương tâm, người ta thường tự an ủi mình một câu “một mình tôi thì có làm được gì, tôi chỉ làm như mọi người mà thôi”. Họ nói câu đó và tưởng rằng đã tự an ủi được mình mà không biết rằng họ đang làm tổn thương chính bản thân.

Họ không phải là người duy nhất. Cả xã hội đang tổn thương!

Sự tổn thương đó tồn tại âm ỉ dồn nén lâu ngày rồi cũng có lúc bộc phát ở nhiều dạng thức khác nhau theo xu hướng bầy đàn-những đám đông cuồng nộ hoặc hả hê có chung đặc điểm là cực đoan. Nó có thể bộc phát để trở thành điều tốt mà cũng có thể biến thành việc làm xấu. Xấu như khi hàng trăm người hồn nhiên lao vào hôi bia sau khi chiếc xe chở hàng do anh Hồ Kim Hậu làm đổ ở Biên Hoà ngày 4/12 vừa qua, hay như khi người bán dạo Trịnh Xuân Tình bị lực lượng trật tự đô thị phường 25 quận Bình Thạnh, TP HCM còng tay đánh bất tỉnh ngày 6/12.

Ngay cả trong đám đông lên án những điều sai trái trên cũng có vết dấu của sự tổn thương.

Một năm sắp qua đi, nhiều công chức ngỡ ngàng vì thời gian trôi nhanh quá, chưa kịp làm điều gì thực sự có nghĩa. Bạn có tin không rằng đa số những người này lại khá hài lòng với hiện tại bởi họ cho rằng trong lúc khó khăn như thế này, không có gì thay đổi có khi lại là mừng. Đó cũng là một cách mà bằng sự thụ động của mình, họ đang không chỉ tự làm tổn thương bản thân mà còn đóng góp làm trầm trọng hơn sự thương tổn chung của xã hội.

Nếu ai cũng như vậy thì bài ca “một năm kinh tế buồn” với những mặt hàng thiết yếu của đời sống cứ tăng phi mã khiến người dân lao đao sẽ không chỉ là của năm ngoái, năm nay mà còn là của những năm tiếp theo…Tình hình cũng sẽ tương tự và có xu hướng xấu đi với “một năm văn hoá ứng xử buồn”…và còn nhiều thứ không vui khác nữa. Thế chẳng phải chúng ta đi ngược lại xu thế tiến bộ của nhân loại?

Vào những ngày cuối năm, xuất hiện dồn dập những vụ việc có tính điển hình mà nhiều người đã phải dùng đến từ “phép thử” đối với từng cá nhân và cả dân tộc. Bởi nếu cứ thụ động và tự hài lòng như thế, tình hình sẽ ngày càng xấu đi.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi kết quả xét xử vụ đại án tham nhũng của Dương Chí Dũng và đồng phạm là phép đo quyết tâm chống tham nhũng của chính quyền khi thể hiện sự nghiêm minh và của xã hội bằng thái độ rõ ràng của người dân. Không phải ngẫu nhiên mà vụ hôi bia khiến dư luận bàng hoàng về sự lộng hành ngang nhiên với cấp số nhân của cái xấu. Và càng không ngẫu nhiên khi dư luận lên án gay gắt cách ứng xử thiếu nhân văn của những “công bộc” của dân trong vụ đánh người bán hàng rong, buộc những vị này phải xem xét lại vị trí và phạm vi trách nhiệm của mình.

Đã qua rồi cái thời “đi tắt đón đầu” mà biểu hiện của nó là sự lộn xộn của những đám đông không chịu xếp hàng, không ai nhường ai. Đã lỗi thời rồi những qui trình xơ cứng thiếu trách nhiệm. Người dân đã lên tiếng, dư luận đã thể hiện sức mạnh của mình.

Giờ đây, có lẽ đã đến lúc mỗi thành viên của xã hội đối diện với những tổn thương để xoá bỏ những rào cản do chính mình tạo ra để từ bỏ sự cam chịu và sửa soạn cho mình một tâm thế bình tĩnh, từ đó có những suy xét thấu đáo trước mọi sự việc. 

Một năm mới đang đến với những điều không cũ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *