(CAO) Sáng nay 12 – 12, tại TAND TP Hà Nội khai mạc phiên xét xử đại án tham nhũng Dương Chí Dũng và 9 đồng phạm. Riêng bị cáo Dương Chí Dũng có khả năng đối diện với mức án cao nhất là tử hình. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài ít nhất ba ngày.
Hội đồng xét xử gồm: chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Ngô Thị Ánh, thẩm phán Đào Vĩnh Tường (Chánh tòa hình sự TAND TP Hà Nội) cùng ba hội thẩm nhân dân. Kiểm sát viên giữ quyền công tố là ông Nguyễn Chí Dũng và ông Trương Tuấn Hưng (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao). Các bị cáo cũng thuê 15 luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho mình. Riêng Dương Chí Dũng có đến ba luật sư.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN
Các bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này gồm: Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải VN – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT); Mai Văn Phúc (nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT); Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines); Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines); Bùi Thị Bích Loan (nguyên Kế toán trưởng Vinalines); Lê Văn Dương (đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm VN); Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa, nguyên Phó chánh văn phòng Cục Hải quan Khánh Hòa); Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) và Lê Ngọc Triện (nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Cục Hải quan Khánh Hòa).
Trước đó, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ra cáo trạng truy tố 10 bị cáo trên với hai tội danh tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, 7 bị can có hành vi cố ý làm trái liên quan đến việc thông quan, nhập khẩu, sửa chữa, thanh toán hợp đồng ụ nổi 83M gây thiệt hại cho nhà nước 336 tỷ đồng.
Ụ nổi của Vinalines mua về để sửa chữa tại Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin
Về số tiền tham ô 1,66 triệu USD (tương đương 28 tỷ đồng), cáo trạng nêu rõ, theo kết quả khảo sát của Trần Hữu Chiều, Trần Hải Sơn và Mai Văn Khang, giá ụ nổi 83M chỉ dưới 5 triệu USD. Thậm chí, công ty bán ụ nổi cho Vinalies chỉ mua lại “đống sắt vụn” này với giá 2,3 triệu USD. Tuy vậy, Dũng đã chấp nhận giá mua ụ là 9 triệu USD để ăn chia với các công ty môi giới và công ty bán tàu của nước ngoài.
Trong tổng số tiền tham ô 28 tỉ đồng, Dũng đã nhận 10 tỷ đồng, Phúc nhận 10 tỷ đồng, còn lại Sơn và Chiều chia nhau.
Trong quá trình điều tra, Dũng và Phúc không thừa nhận hành vi tham ô như cáo buộc của Viện kiểm sát.
Như vậy, Dương Chí Dũng cùng 3 bị cáo trên bị truy tố ở khung hình phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình cho hành vi tham ô. Ngoài ra, 4 bị cáo này còn phải đối mặt với khung hình phạt 10-20 năm tù cho hành vi cố ý làm trái cùng với 6 bị can còn lại.
Hiền Nhi
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố