“BẢN CAM KẾT” KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ: SỰ TRÁO TRỞ, LỪA DỐI TRẮNG TRỢN

Người xem: 270

Liên quan đến nguyên nhân vụ việc hàng trăm giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên kéo đến trụ sở UBND xã Nghi Phương (Nghi Lộc) bao vây, uy hiếp, dùng đá, gậy gộc tấn công cán bộ và người dân đang có mặt tại trụ sở xã khiến hàng chục người bị thương, nhiều trang thông tin như Thanh niên công giáo, Giáo phận vinh và một số trang mạng phản động đã xuyên tạc sự thật.

Họ cho rằng các giáo dân này “kéo” đến UBND xã Nghi Phương là để “đòi” chính quyền phải thực hiện “cam kết” thả những người bị bắt (hai đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An tiến hành bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra vụ án hình sự với 4 tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, “bắt giữ người trái pháp luật”, “hủy hoại tài sản”, “cố ý gây thương tích”. Tại cơ quan điều tra hai đối tượng Khởi và Hải đã thành khẩn nhận tội.

Trang thông tin của Giáo phận Vinh còn sao chụp cái gọi là “bản cam kết” được một số giáo dân cực đoan ép buộc Chủ tịch UBND xã Nghi Phương thực hiện trong lúc bị bắt giữ và khống chế ngay tại trụ sở làm việc theo ý đồ của họ, đồng thời buộc những cán bộ chính quyền huyện và xã đang bị khống chế tại đó ký vào.

Từ đâu xuất hiện cái gọi là “bản cam kết” viết bằng tay, không có giá trị này? Sự thật là, vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 3/9/2013 có khoảng trên 200 giáo dân đã kéo lên trụ sở UBND xã Nghi Phương đe dọa, phong tỏa trụ sở làm việc và giam giữ trái pháp luật 6 cán bộ chính quyền huyện và xã ngay tại phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã Nghi Phương. Đến 13h30 phút cùng ngày, có tới hơn 400 giáo dân tiếp tục kéo về trụ sở UBND xã Nghi Phương để gây áp lực đòi thả 2 đối tượng vi phạm pháp luật Khởi và Hải.

Các đối tượng quá khích đã không ngừng chửi bới, lăng mạ, xé rách áo, thậm chí dùng tay tát vào mặt cán bộ chính quyền, uy hiếp, dùng vũ lực buộc họ phải chép tay theo ý của các đối tượng cực đoan và ký tên, đóng dấu vào cái gọi là “bản cam kết”. Chính hình ảnh được đăng tải trên một số trang thông tin, nhằm bênh vực cho các đối tượng giáo dân có hành vi giữ người trái pháp luật cho thấy các cán bộ của chính quyền ngồi dồn vào 1 góc phòng, thậm chí 2 người ngồi trên 1 chiếc ghế, còn vây xung quanh là một nhóm người với vẻ mặt, điệu bộ hả hê, đắc thắng…

Hình ảnh đăng tải trên trang web cho thấy các cán bộ của chính quyền ngồi dồn vào 1 góc phòng, thậm chí 2 người ngồi trên 1 chiếc ghế.

“Bản cam kết” mà các cán bộ huyện, xã bị giữ trái pháp luật buộc phải ký, để bảo toàn tính mạng.

Một “bản cam kết” được viết trong tình trạng bị uy hiếp, bị đánh chửi, thậm chí đe dọa đến tính mạng thì liệu có giá trị, hiệu lực về mặt pháp lý? Đó là chưa kể trong cái gọi là “bản cam kết” chỉ có nội dung “đề nghị Công an tỉnh thả người” chứ không có nội dung “chúng tôi sẽ thả người”. Hơn thế, trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay, cái thứ văn bản được viết bằng tay là vô cùng xa lạ và nực cười, nhất là đối với các cơ quan công quyền, hoạt động giao dịch, cam kết hợp pháp. Cái gọi là “bản cam kết” được viết tay nguệch ngoạc, trên một tờ giấy lam nham, không phải là một văn bản phát hành đúng quy chuẩn của cơ quan công quyền.

Hơn nữa, hai đối tượng Khởi và Hải là do cơ quan Điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố, bắt giữ. Theo quy định của Luật pháp Việt Nam, chính quyền huyện Nghi Lộc hay UBND xã Nghi Phương làm sao có quyền cam kết thả người? Ngay cả chính cơ quan Công an (theo quy định của Luật pháp Việt Nam) thì việc tiến hành bắt giữ, hay cho tại ngoại, hoặc trả tự do đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật cũng phải thực hiện theo đúng quy định và trình tự của Luật pháp, chứ không thể vì một áp lực, sự uy hiếp, hay can thiệp nào đó mà có thể tùy tiện “bắt, thả” người được.

Đáng buồn là, một số giáo dân không hiểu, hoặc hiểu chưa thấu đáo về pháp luật đã đành, đằng này đến ngay cả ông Nguyễn Thái Hợp – một Giám mục được học hành đầy đủ, đã từng du học qua rất nhiều nước, với hai bằng Tiến sỹ về Thần học, Triết học cũng không nhận thức được đúng, sai vấn đề thì thật lấy làm khó hiểu. Không biết ông Hợp không hiểu, hay cố tình “tráo trở” để lừa dối một số giáo dân cả tin và dư luận, “đổi trắng thay đen” nhằm vu vạ cho chính quyền, bao che cho việc làm trái pháp luật của một số giáo dân quá khích thuộc giáo xứ Mỹ Yên.

Do vậy, dù đã cố tình che đậy, nhưng sự thiếu trách nhiệm, không làm tròn bổn phận “chủ chăn” của ông Hợp đã lộ rõ khi trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 5/9/2013 (được đăng tải trên một số trang thông tin phản động) rằng “nguyên nhân dẫn tới cuộc xô xát ngày 4/9 là do “UBND xã Nghi Phương không làm đúng cam kết thả người”.

Ông Hợp có biết, ông đang cố tình “bấu víu” vào cái gọi là “bản cam kết” không có giá trị để đẩy một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin vào con đường vi phạm pháp luật?

Chính Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *