Tin Võ Thanh Tùng, Phóng viên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (bút danh Duy Đông) vừa bị Công an bắt giữ và di lý ra Hà Nội để làm rõ hành vi nhận tiền từ tay 1 chủ quán Bar ở TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai không làm nhiều người dân ở khu vực phía Nam, đặc biệt là ở Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh bất ngờ? Làng báo chí ở phía Nam gần như cũng chẳng thấy bình luận gì thêm nhiều. Vì sao vậy? Có lẽ vì, từ lâu nhắc đến Phóng viên này, giới thạo tin đã phải lắc đầu ngao ngán cho “cái chết được báo trước” của Duy Đông. Làm nghề mà vô đạo đến mức dám dựng chuyện vu khống, hòng bức hại cả đồng nghiệp, làm báo chống tiêu cực để tiêu cực thì “chết” là chắc rồi ???
Bản tin đăng trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh bản điện tử xác nhận việc PV Võ Thanh Tùng – Duy Đông của báo này bị Công an tạm giữ. (Nguồn: Internet – Chụp lại từ bản điện tử Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh) |
Một “Con sâu báo” có tiếng…!?
Ngoài Võ Thanh Tùng (Sinh năm 1981, là Phóng viên của báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh với bút danh Võ Tùng, Duy Đông; có hộ khẩu thường trú ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai – PV), Bộ Công an còn tạm giữ 2 người khác tên Tài và Minh, là cộng tác viên, cùng với Tùng trong một loạt bài điều tra báo chí… Hiện Bộ Công an đang điều tra mở rộng đến các đối tượng có liên quan.
Diễn biến mới nhất là sáng 08/8/2013, Tổ công tác đặc biệt của Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm – Bộ Công an đã di lý cả 3 người trên ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Bộ Công an chưa thông tin chính thức về vụ bắt giữ nói trên và cho biết là vụ việc đang trong giai đoạn mở rộng điều tra.
Như tin các báo đã đưa, trước đó sáng 07/8/2013 tại nhà hàng thuộc khuôn viên 1 khách sạn đóng ở đường Phạm Văn Thuận, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công an đã bắt quả tang ông Tùng, cùng người tên Tài đang nhận tiền từ tay đại diện 1 doanh nghiệp chuyên kinh doanh loại hình quán bar giải trí, có trụ sở ở Đồng Nai. Nguồn tin hé lộ, số tiền ông Tùng và cộng sự nhận từ người trên toàn là tiền USD, nguồn tin không nói rõ xấp USD có tổng giá trị bao nhiêu. Nguồn tin qua báo chí chưa được kiểm chứng cho biết, số tiền USD ấy quy đổi sang tiền Việt Nam lên đến hàng trăm triệu đồng?
Công an đã lập biên bản hành vi phạm tội của Tùng và Tài. Sau đó Tổ công tác áp giải ông Tùng (Duy Đông) về nhà riêng ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Tại đây, Công an có thu giữ 1 số hung khí và dạng công cụ hỗ trợ và nhiều tài liệu, máy móc có liên quan đến nghề nghiệp của ông Tùng. Cùng thời điểm, công an đã bắt giữ người tên Minh khi ông này tìm đến nhà riêng của ông Tùng.
Trong diễn biến có liên quan, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh sáng 08/8/2013 cũng có đăng bản tin xác nhận về việc phóng viên Võ Thanh Tùng bị bắt. Trong bản tin này cũng nói rõ: “Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh chưa tiếp nhận được thông tin chi tiết từ cơ quan chức năng. Báo đang tiếp tục theo dõi để có hướng xử lý cụ thể”.
Một nguồn tin khác được đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng bởi tác giả Hoài Nam, thời gian qua Võ Thanh Tùng có quan hệ với một số đối tượng làm ăn phi pháp trên địa bàn, trong đó có đường dây vận chuyển gỗ lậu, đã từng bị Công an tỉnh Đồng Nai lập biên bản vi phạm. Qua vụ việc này, cơ quan công an nắm được một số đối tượng núp dưới danh nghĩa Cộng tác viên Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh (trong đó có Tài và Minh đã bị bắt giữ) để nắm thông tin và tác nghiệp, sau đó tham gia vào các vụ việc liên quan đến làm ăn không chính đáng…
“Kẻ gieo gió ắt có ngày gặp bão”.
Cũng một vụ việc khác có liên quan đến phóng viên Võ Thanh Tùng – Duy Đông mà Tạp chí Quê Hương Ngày Nay đã từng phản ánh qua bài “Viết báo chống tiêu cực phải cảnh giác cao độ” số 33 + 34/2012. Trong đó, bài báo nêu việc Phóng viên Chu Thị Minh của Tạp chí Quê Hương Ngày Nay bị các đối tượng là bọn quan tham, hủ hóa ở địa phương từng phối hợp với Phóng viên Duy Đông của báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh “gài bẫy”, rồi dùng báo chí để bôi nhọ bà và đồng nghiệp khác cùng Nhà văn Trần Đình Nghiêm. Phóng viên Chu Thị Minh có tiếng là người hăng hái hoạt động giúp đỡ pháp lý cho người nghèo và tích cực hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội ở khu vực phía Nam hàng chục năm qua, được tặng nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen và Giấy khen của trung ương và địa phương. Đặc biệt, năm 2012, Phóng viên Chu Thị Minh vinh dự được Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh tặng Bằng khen Vì đã có nhiều thành tích, đóng góp cho sự phát triển của TP. Hồ Chí Minh.
Sự việc được ghi nhận, vào khoảng 19h ngày 26/5/2012 khi Phóng viên Chu Thị Minh đang ở nhà một mình trong khu ki – ốt chợ Cá, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai thì nhận được điện thoại của người lạ (nghi do Võ Thanh Tùng – Duy Đông nhập vai – PV) xưng là có việc oan ức về đất đai ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sau đó người này đến gặp và nói chuyện gửi đơn, đưa tiền nhưng Phóng viên Chu Thị Minh không nhận. Ngày hôm sau, người lạ này tiếp tục gọi điện để đưa tiền, nhưng Phóng viên Chu Thị Minh và hai đồng nghiệp đã kiên quyết từ chối. Bất ngờ, mấy ngày sau, trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh xuất hiện 2 bài báo “Muốn viết bài phải chung chi” của tác giả Duy Đông (tức Võ Thanh Tùng) bôi nhọ và chụp mũ Phóng viên Chu Thị Minh của Tạp chí Quê Hương Ngày Nay. Đài PTTH tỉnh Đồng Nai cũng đồng thời phát phóng sự có nhiều thông tin lệch lạc, vu cáo Phóng viên Chu Thị Minh và Tạp chí Quê Hương Ngày Nay.
Ký họa chân dung Võ Thanh Tùng – Duy Đông từng đăng trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh. Nguồn: Internet |
Sau đó, các đối tượng này còn đi trên chiếc xe 4 chỗ ngồi đến nhiều độc giả ở khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau… mà Phóng viên Chu Thị Minh từng đến thức tế tìm hiểu, viết báo hòng để “gài” họ nói những lời bất lợi cho Phóng viên Chu Thị Minh để hại bà. Âm mưu thâm độc của chúng bị phá sản hoàn toàn khi băng ghi âm của chúng chỉ ghi được toàn là lời cảm ơn Phóng viên Chu Thị Minh và Tạp chí Quê Hương Ngày Nay đã giúp đỡ vô tư, can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Không chỉ vậy, những người dân nghèo còn bày tỏ sự cảm ơn Phóng viên Chu Thị Minh nói riêng và Tạp chí Quê Hương Ngày Nay nói chung từng nhiều lần hỗ trợ họ về vật chất, trợ giúp pháp lý miễn phí cho họ.
Phóng viên Chu Thị Minh tường trình: “Không ngờ chỉ một thoáng trò chuyện ở chợ Cá, tôi nói chơi chơi, trả lời cho qua chuyện để đuổi khách, do hối lộ không thành nên hai người lạ mặt này đã viết hoặc cung cấp tư liệu sai sự thật cho báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh và Đài PTTH tỉnh Đồng Nai đăng, phát bài viết bôi nhọ danh dự cá nhân và uy tín nghề nghiệp báo chí của tôi và các đồng nghiệp ở Tạp chí Quê Hương Ngày Nay, vu cáo để bôi nhọ cơ quan báo chí trung ương. Tại sao báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh và Đài PTTH tỉnh Đồng Nai không xác minh kỹ lưỡng mà lại đưa tin một cách vội vàng khó hiểu, quy chụp và bôi nhọ đồng nghiệp ẩu như vậy??? Trong khi lại không đưa thông tin tôi và các Phóng viên đồng nghiệp kiên quyết từ chối nhận hối lộ. Vì sao báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh và Đài PTTH tỉnh Đồng Nai chỉ sử dụng hình ghi trộm giữa tôi (lúc đó tôi đang ở nhà trong khu chợ Cá, không tiếp khách với tư cách là Phóng viên) với một người buôn nước mắm ở chợ Cá rồi đăng phát thông tin kiểu “hàng tôm hàng tép”, “chụp mũ” như thế? Đấy là chưa nói đến có luồng dư luận cho rằng, 2 người lạ mặt đến gài bẫy tôi là bọn xấu, bọn tham nhũng, hủ hóa, biến thái gài vào để cố ý hãm hại tôi, hòng bôi nhọ thanh danh của Phóng viên Quê Hương Ngày Nay, xúc phạm nghề nghiệp và đồng nghiệp, làm nhụt ý chí chống tiêu cực của người dân (Dư luận cho rằng chính Phóng viên Duy Đông (tức Võ Thanh Tùng) đã tự nhập vai làm người đi khiếu nại để “úp sọt” đồng nghiệp – PV) khiến cho tôi suýt “thân bại danh liệt”. Hành vi gài bẫy thô bỉ và sự tiếp tay của một số báo nêu trên như thế cần phải bị xã hội và các báo lên án, các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước xử lý trước pháp luật.”
Được biết hơn một năm qua, kể từ khi xảy ra vụ việc nêu trên, dù Phóng viên Chu Thị Minh đã gửi đơn khiếu nại và làm việc với các Cơ quan chức năng trung ương và địa phương như: Thanh tra Bộ Công an, Cục An ninh Điều tra A87 – Bộ Công an; Công an tỉnh Đồng Nai, Ban Tuyên giáo và Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Đồng Nai; Công an TP. Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo TP. Hồ Chí Minh, Sở Thông tin & Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, Tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh và Giám đốc – Tổng biên tập Đài PTTH tỉnh Đồng Nai… nhưng không hề được báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài PTTH tỉnh Đồng Nai hồi âm, giải quyết khiếu nại nghiêm túc theo quy định của pháp luật và nghề báo? Loạt bài “Viết báo phải chung chi” đăng trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh điện tử có nội dung vu khống, bôi nhọ Phóng viên Chu Thị Minh do Võ Thanh Tùng (bút danh Duy Đông) thực hiện đến nay vẫn chưa được báo này gỡ?
Đạo đức nghề nghiệp là môn học mà bất cứ trường đào tạo, dạy nghề nào cũng giảng dạy cho mỗi người làm nghề tương lai hiểu ngay từ những ngày đầu chập chững đến với nghề. Tuy nhiên, học, hiểu và hành như thế nào là tùy thuộc rất nhiều vào nhận thức và từng hoàn cảnh vào đời của từng người. Hoạt động báo chí bản thân đã vô cùng khó khăn, phức tạp và nguy hiểm, quá trình Phóng viên tác nghiệp nếu chưa nâng cao nghiệp vụ đến mức hoàn hảo, thiếu sót hoặc tai nạn nghề nghiệp, “tai bay vạ miệng” là khó tránh khỏi.
Nhưng, sự thật thì sẽ mãi là sự thật và không một điều sai trái nào mà thời gian không đưa ra ánh sáng! Và dĩ nhiên, “con sâu báo” từng âm ỷ tiếng Võ Thanh Tùng – Duy Đông ấy đã vào nghề bằng một ý đồ “viết báo chống tiêu cực để tiêu cực”, thiếu đạo đức nghề nghiệp đến nỗi dám dựng chuyện vu khống cả đồng nghiệp, thì nay việc anh ta bị tra tay vào còng số 8 để Cơ quan Điều tra xem xét đúng vào cái tội anh ta từng dựng lên, âu cũng là hợp với lẽ đời: “Kẻ gieo gió ắt có ngày gặp bão”.
Theo Trung Tín – Thành Cổ/Quê Hương Ngày Nay
Nguồn: Lấy từ Cảnh sát 4 sao
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga