Vấn nạn phân biệt chủng tộc của các quốc gia “Văn minh”

Người xem: 178

Kỳ thị thường gắn liền với phân biệt đối xử. Kỳ thị, phân biệt đối xử là một khái niệm giao thoa giữa chính trị – văn hóa và xã hội. Kỳ thị dân tộc, chủng tộc là sự nhìn nhận, đánh giá làm giảm giá trị đối với một một dân tộc, một chủng tộc từ một quan niệm chính trị, văn hóa hoặc xã hội nào đó. Những đặc điểm gây ra kỳ thị thường rất đa dạng, ví dụ như do: Màu da, chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ hoặc những khác biệt nào đó về các nhu cầu, sở thích… Trong thực tiễn chính trị, kỳ thị thường được thể hiện trong chính sách, pháp luật nhằm loại trừ, phân biệt đối xử giữa các dân tộc… Ở một quốc gia, đối lập với kỳ thị, phân biệt đối xử về dân tộc, chủng tộc là bình đẳng về quyền và trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực đối với các dân tộc, chủng tộc. Không phải bây giờ, nạn kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc với người da màu tại Mỹ và một số quốc gia Phương Tây mới xuất hiện, nó đã “ăn sâu bám rễ” hàng trăm năm qua. Thời gian gần đây, vấn nạn này bất ngờ quay trở lại, gióng lên hồi chuông cảnh báo, gia tăng sự thù hận nguy hiểm đối với người da màu ở Mỹ và các nước phương Tây.
 

Ảnh: Phân biệt chủng tộc là vấn nạn của những quốc gia được coi là văn minh

Nước Mỹ là quốc gia đa sắc tộc, gồm cả da trắng, da màu, da đỏ (American Indian – thường gọi là người Anh-điêng), người gốc Á da vàng, chưa kể một tỷ lệ lớn người Mỹ Latinh. Thế nhưng, luật bất thành văn, màu da vẫn là một tiêu chí để nhìn nhận, đánh giá một con người ở đây bởi nước Mỹ vốn là đất nước được biết đến một phần vì lịch sử gắn với nạn phân biệt chủng tộc. Trong đó, người dân gốc Á đã sống ở Mỹ hơn 160 năm và đã từ lâu trở thành mục tiêu của sự phân biệt đối xử và kỳ thị. Từ giữa thế kỷ 19, người nhập cư Trung Quốc đã bắt đầu tới Mỹ với số lượng lớn, chủ yếu là tới California và các bang miền Tây để làm việc trong các mỏ kim loại và xây dựng các tuyến đường sắt, các công việc nguy hiểm và được trả lương thấp. Hầu như ngay lập tức đã xuất hiện định kiến mang tính sắc tộc rằng: “Người châu Á tới để đánh cắp công việc của người da trắng” và từ đó bắt đầu sự phân biệt đối xử như người gốc Á không được làm chứng chống lại người da trắng trước tòa hay rất nhiều hành động sát hại và phá hoại tài sản của người gốc Á trong suốt chiều dài lịch sử nước Mỹ.
 
 
Quốc hội Mỹ thậm chí từng thông qua đạo luật loại trừ người Trung Quốc nhằm cấm người dân nước này vào Mỹ trong vòng 20 năm, mặc dù sau đó Tổng thống Chester đã rút ngắn giới hạn xuống còn 10 năm. Năm 1890, bệnh dịch hạch bùng phát ở San Francisco. Dịch bệnh được cho là bắt nguồn từ một con tàu từ Australia, tuy nhiên, khi bệnh nhân đầu tiên trên toàn bang California là một người nhập cư Trung Quốc, toàn bộ cộng đồng người Trung Quốc đã bị đổ lỗi vì dịch bệnh. Điều này rất giống như khi Covid-19 bùng phát ở Mỹ, cựu Tổng thống Trump thường gọi là “vi-rút Trung Quốc” hay “vi-rút Vũ Hán”, điều đã khiến gia tăng tình trạng tấn công do thù hận và kỳ thị nhằm vào người Mỹ gốc Á.
 
Mới đây, một tay súng đã xả súng tại một siêu thị khiến ít nhất 10 người thiệt mạng ở thị trấn Buffalo thuộc bang New York, Mỹ, ngày 14/5/2022. Kẻ gây án đã bị bắt giữ. Giới chức địa phương cho biết tay súng đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và 3 người bị thương trước khi bị bắt giữ. 4 trong số các nạn nhân là nhân viên siêu thị, số còn lại là khách hàng. Đây được cho là một tội ác hận thù và bị kích động bởi chủ nghĩa cực đoan bạo lực liên quan tới sắc tộc. 11 nạn nhân là người da màu và 2 nạn nhân là người da trắng. Vụ tấn công được thực hiện ở khu dân cư của người da màu và chỉ cách trung tâm của thị trấn Buffalo vài km.
 
Những người da trắng hay những người da màu đều không có tội, họ đều là những con người có quyền sống, có quyền được đấu tranh để đòi quyền lợi cho chính mình và cho cộng đồng nhưng không ai muốn có chiến tranh nổ ra, không muốn phải chứng kiến những cảnh mất mát đau thương. Mọi người có quyền bình đẳng như nhau, pháp luật công minh, ai gây tội sẽ bị trừng trị, không phân biệt giai cấp, màu da. Căng thẳng trong xã hội Mỹ và các nước Phương Tây những ngày này cho thấy phân biệt chủng tộc vẫn còn là một nỗi ám ảnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ đeo bám nước Mỹ để rồi dễ dàng bùng nổ mỗi khi có “mồi lửa nhỏ”. Cái chết oan của những người da màu chứng tỏ nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở nước Mỹ, đồng thời mối quan hệ căng thẳng xưa nay trong xã hội Mỹ giữa các cộng đồng dân cư với lực lượng thực thi công vụ luôn sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
 
Kể từ khi Đạo luật dân quyền được Tổng thống John F. Kennedy ký ban hành cách đây 50 năm với mục tiêu bãi bỏ hoàn toàn nạn phân biệt chủng tộc và đề ra chính sách bình đẳng cho mọi chủng tộc của Mỹ, người da màu ở Mỹ đã có cơ hội vươn lên bình đẳng ở nước Mỹ mà điển hình là việc ông Barack Obama trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, các số liệu thống kê về việc làm, thu nhập và tội phạm cho thấy phân biệt chủng tộc vẫn là một vấn nạn đe dọa sự bình yên của toàn nước Mỹ.
 
Vì bất cứ lý do nào thì cũng phải thừa nhận rằng, kỳ thị chủng tộc và tình trạng phân biệt vẫn là căn bệnh trầm kha của nước Mỹ và nhiều nước Phương Tây, một khi tâm lý “da trắng thượng đẳng” còn tồn tại và cuộc sống của cộng đồng gốc Phi ở “xứ cờ hoa” chưa được cải thiện.
 
Nguồn: Minh Vy
Việt Nam Mới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *