Chủ tịch huyện thua kiện dân vì ra quyết định cưỡng chế sai

Người xem: 155

Cho rằng dân xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nên buộc tháo dỡ nhưng chính quyền không xác định được vị trí công trình xây dựng trái phép nằm ở đâu.
 

Ông Nguyễn Tấn Sương có hơn 10.000 m2 đất tại ấp 1, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM dùng để xây dựng nhà ở, công trình phụ, cầu, kè, bến bốc dỡ hàng hóa, nơi sản xuất, bãi chứa vật liệu.

Các công trình này bị chính quyền địa phương yêu cầu tháo dỡ.
 
Buộc tháo dỡ bảy công trình của dân
 
Ngày 7-5-2019, UBND xã Tân Kiên lập biên bản vi phạm hành chính với nội dung ông lấn chiếm đất rạch Lương Quyền để xây dựng trái phép bảy công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
 
Ngày 21-5-2019, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định buộc ông tháo dỡ công trình xây dựng trái phép với diện tích lấn chiếm đất rạch 668,8 m2. Gần ba tháng sau, chủ tịch UBND huyện Bình Chánh tiếp tục ban hành quyết định cưỡng chế buộc ông Sương thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
 
Không đồng ý, ông Sương kiện UBND huyện Bình Chánh vì cho rằng đất này ông nhận chuyển nhượng, thuộc quyền sử dụng hợp pháp và không có tranh chấp về ranh giới với bất kỳ ai. Khi xây dựng ông có xin phép cơ quan có thẩm quyền, được UBND xã Tân Kiên xác nhận thời điểm hoàn thành xây dựng năm 1997 theo nội dung trong bản kê khai công trình được phép tồn tại ngày 10-7-2006…
 
Ngày 10-5-2022, TAND TP.HCM xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông, hủy các quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả của chủ tịch UBND huyện Bình Chánh.
 
Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh sau đó kháng cáo.
 

Theo HĐXX phúc thẩm, tuy cho rằng các công trình vi phạm nằm trong lòng rạch nhưng phía người bị kiện cũng không chứng minh được bảy công trình vi phạm nằm ở đâu.

 

… nhưng không biết công trình vi phạm ở đâu
 
Xử phúc thẩm mới đây, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận đề nghị của đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM, bác kháng cáo của người bị kiện.
 
HĐXX phúc thẩm giữ nguyên án sơ thẩm với nhận định: So sánh diện tích đất ông Sương được cấp giấy chứng nhận với diện tích đo đạc theo bản đồ hiện trạng ngày 22-2-2017 (bản đồ năm 2017) của Trung tâm đo đạc bản đồ – Sở TN&MT TP.HCM thì diện tích đất mà ông đang sử dụng tăng hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 1.040,3 m2.
 
Tuy nhiên, so sánh diện tích đất theo bản đồ hiện trạng lập ngày 8-2-2020 với diện tích đất của ông tại các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì diện tích đất theo hiện trạng thực tế mà ông đang sử dụng chênh lệch tăng là 539,4 m2.
 
Như vậy, kết quả hai lần đo đạc không giống nhau. UBND huyện Bình Chánh căn cứ vào bản đồ năm 2017 thể hiện tại biên bản vi phạm hành chính để ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Sương, trong khi bản đồ năm 2017 không thể hiện vị trí của bảy công trình xây dựng vi phạm do lấn chiếm rạch Lương Quyền.
 
Mặt khác, theo bản đồ hiện trạng công trình xây dựng có xác nhận của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Chánh đã kiểm tra nội nghiệp ngày 15-7-2013, đã xác định ông Sương xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ rạch với diện tích 1.018,4 m2.
 
Theo HĐXX phúc thẩm, chưa có đủ căn cứ xác định ông Sương có hành vi vi phạm hành chính do lấn chiếm rạch Lương Quyền để xây dựng công trình theo biên bản vi phạm hành chính do UBND xã Tân Kiên lập.
 
Do đó, việc chủ tịch UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm, quyết định cưỡng chế là chưa đủ căn cứ theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm phạm chính. Tòa sơ thẩm hủy các quyết định này là có căn cứ.
 
PHƯƠNG LOAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *