Vụ CSGT Hà Tĩnh che nắng cho cụ ông bị tai nạn

Người xem: 218

Ong Bắp Cày
Mấy hôm trước các anh chị bàn tán về mấy bức ảnh CSGT căng bạt che nắng cho một cụ ông đang nằm ven đường. Cụ nằm, bắt chân chữ ngũ, tay phải có lẽ nghi bị gãy xương đã được các CSGT nẹp tạm. Hầu hết các nhận xét đều đánh giá cao hành động của các CSGT. Tuy nhiên, vẫn có những lời bình lạc lõng, thiếu tính xây dựng. 
 

 

Được biết vụ việc xảy ra ở Hà Tĩnh vào hôm 14/6/2019 tại Km 471, đoạn Cầu Giằng, thuộc địa bàn xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, trên Quốc lộ 1A. 
Sáng 14/6, Tổ tuần tra kiểm soát phía Bắc, do Trung tá Đinh Mạnh Cường phụ trách, thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên tuyến QL1A, từ cầu Bến Thủy vào TP. Hà Tĩnh. Khi đến Km 471, đoạn Cầu Giằng thì phát hiện cụ ông nằm bên làn đường hướng Nam – Bắc, khi đang bị xe máy đè lên người.
Cụ ông là Trần Bắc Tiến, sinh năm 1947, trú tại thôn Mỹ Thượng, Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Nạn nhân bị gãy tay và được Trung tá Đinh Mạnh Cường, Thiếu tá Võ Phi Hùng sơ cứu, dùng thân cây và dây nẹp cố định xương tay, sau đó gọi xe cấp cứu và báo cho người nhà nạn nhân.
Thiếu tá Võ Phi Hùng cho biết: “Đây là việc làm bình thường thôi, thấy người dân gặp nạn thì chúng tôi giúp đỡ”.
Giải đáp thắc mắc của một số người vì sao tay cụ lại bị băng bó, Thiếu tá Võ Phi Hùng nói: “Nhận định cụ ông bị gãy tay nên chúng tôi dùng các vật dụng hiện có bên đường như cành cây, nhờ người dân xung quanh hỗ trợ che nắng cho cụ”.
Có anh nhà báo sau khi xem clip đã đặt vấn đề, tại sao CSGT không chở cụ đi cấp cứu mà phải chờ xe 115? 
Thiếu tá Võ Phi Hùng cho biết: “Chúng tôi nhận định cụ ông bị gãy tay, nên nếu bế cụ lên xe, hoặc đưa cụ đi liền sẽ không an toàn, khiến tình trạng tay gãy thêm trầm trọng nên phải để nằm im”.
Việc sơ cứu của CSGT được nhiều người đánh giá là chuẩn. 

Khi xương bị gãy, dấu hiệu điển hình là đau ở vùng gãy, đau hơn khi sờ ấn hoặc cử động, giảm hoặc không thể cử động chỗ bị thương, kèm theo sưng nề, chảy máu. Trong một số trường hợp da bị bầm tím. Nếu gãy xương hở đầu, xương có thể đâm thủng da.
Việc đầu tiên cần làm là cố định tạm thời bộ phận bị gãy. Tránh làm xương dịch chuyển, không thể xảy ra thêm tổn thương về mạch máu, thần kinh, cơ. Có thể dùng các loại nẹp tự tạo từ gỗ, tre, đòn gánh để cố định vùng xương gãy. Nếu gãy xương ở gần các khớp, phải cố định cả khớp; chẳng hạn gãy xương đùi cần cố định các khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân. Với xương cẳng chân cần cố định khớp gối, khớp cổ chân; Gãy xương cẳng tay cần cố định khớp khuỷu và khớp cổ tay.
Riêng khi gãy xương hở, không được rửa mà chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn. Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị. Có thể dùng xe máy chở nạn nhân gãy xương chi ở tư thế ngồi. Tuy nhiên trong trường hợp gãy xương cột sống hay xương đùi cần vận chuyển trên cáng nằm.

Thật ra, những hình ảnh như thế này không hề thiếu vắng trên thực thế. Song, có lẽ lâu nay do nhiều nguyên nhân mà báo chí chỉ chú tâm phản ánh các hiện tượng tiêu cực của lực lượng CSGT mà ít đề cập đến những thông tin tích cực. Do đó người đọc báo (kể cả báo chính thống và báo mạng) nhìn nhận vụ việc CSGT giúp dân như hiện tượng lạ.
 
Thay cho lời kết, xin trích lời anh Cường là con trai cụ Tiến: “Hiện bố tôi đang điều trị ở Bệnh viện QK4. Đã được các bác sĩ mổ tay, chằng lại hiện cũng đỡ nhiều. Tuy nhiên, khả năng vận động trở lại như ban đầu thì rất khó. Tiền sử bố tôi bị rối loạn tuần hoàn não, thỉnh thoảng bị thiếu máu não nên dẫn đến bị choáng như vậy. Rất may gặp được mấy anh CSGT rất nhiệt tình, băng bó sơ cứu cho bố tôi, rồi gọi xe cấp cứu. Khi người nhà có mặt thì mọi thứ đã sẵn sàng để đưa đi viện.”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *