Từng lãnh đạo một ngành ở tỉnh, nhưng bố tôi chẳng nề hà chân đạp chậu quần áo, đầu đội nón vặt lông gà ‘phục vụ vợ con’.
Những năm chín mươi, cứ cuối tuần, bố ôm hết quần áo của cả nhà cho vào các chậu, đổ xà phòng, dùng hai chân giậm đi giậm lại cho tơi chất bẩn. Là kỹ sư nông nghiệp, ông nuôi gà, chim bồ câu, đàn lợn và chăm khu vườn đủ loại rau. Nhiều hôm đi làm về, ông hì hục bổ củi, mổ gà, băm chặt thức ăn trong bếp để chiêu đãi vợ và bốn đứa con. Buổi tối, bố gọi các con ngồi một dãy để dạy tiếng Nga và giảng bài ở lớp. Cái bảng, cái bàn, cái ghế trong nhà đều do bố đóng. Mỗi khi chúng tôi nghịch, rách quần áo, bố lấy kim chỉ vừa khâu vừa dạy các con cách làm.
Mẹ tôi làm ở bệnh viện cả ngày, sau giờ tranh thủ bán hàng gia tăng thu nhập. Mẹ hầu như không biết đến các vấn đề kinh tế, chính trị, nhưng bố vẫn kể chuyện, giảng giải tình hình thời sự cho mẹ nghe suốt mấy chục năm. Bây giờ, hai ông bà già vẫn bàn luận về “ông Trăm ở Mỹ”, “Bu-ti ở Nga”, “tình hình đốt lò ở Việt Nam”.
Sống với nhau 48 năm, mẹ tôi cả đời chẳng được bố tặng hoa, quà. Nhưng bà chẳng bao giờ đòi hỏi. Bà cảm thấy rất hạnh phúc. “Như thế là đủ, bố có 10 đồng thì đưa mẹ 8 đồng. Bố không rượu thuốc, cờ bạc, chơi bời. Bố trồng rau bổ củi, dạy con cái học hành”, mẹ tôi nói. Nhiều người khen bố là người đàn ông tuyệt vời, nhưng ông bảo: “Con người đều có khiếm khuyết. Người chồng cố gắng sống tốt là vì có người vợ tốt. Người vợ cố gắng hoàn thiện bản thân là vì có người chồng biết tôn trọng và khích lệ”.
“Đàn ông tốt, biết yêu vợ thương con lại biết kiếm tiền tuyệt chủng rồi hay sao ý”, bạn tôi than thở. Chủ đề nhiều cuộc tụ tập của phụ nữ hôm nay là “chồng nhà người ta”, cám cảnh vì “lão nhà này”. Nhưng ngoài bố, tôi đã gặp không ít đàn ông vừa “giỏi việc nước lại đảm việc nhà”.
Anh họ tôi là lãnh đạo ở cơ quan, nhưng về nhà như người bạn lớn của vợ và ba con. Nhiều lần qua nhà, tôi thấy anh lúc hì hụi tắm cho con, lúc cùng con tập thể dục hoặc chơi trò “nhong nhong làm con ngựa”. Có lần, tôi thấy chị dâu đang nằm thư giãn, đắp mặt dưa leo, anh ngồi gội đầu cho chị. Nhà anh chị sắm một cái giường nằm gội đầu như ngoài hiệu làm tóc. Bất chấp sự khích bác, bị gán cho danh hiệu sợ vợ hay mặc váy, anh không ngại ngần chia sẻ việc nhà, trách nhiệm gia đình. Tôi nghĩ những đàn ông như anh biết rõ mục đích cuộc đời mình, có nhân cách, bản lĩnh. Họ biết cái gì quan trọng nhất để hạnh phúc, điều gì thực sự mang lại an vui bền vững. Đôi khi có gặp sóng gió, họ cũng biết giành lại thăng bằng.
Tôi cũng nghe nhiều chị em nói, rằng không cần bình đẳng, họ muốn làm phụ nữ yếu đuối, được chở che, không cố phải làm những việc nặng nhọc, không muốn bon chen quyền lực với nam giới. Có thể họ không có nhu cầu bình đẳng hơn vì đã cảm thấy đủ rồi. Nhưng còn nhiều phụ nữ, nhất là ở nông thôn, vẫn cần được đối xử tôn trọng, bình đẳng. Họ thậm chí không biết cách lên tiếng thế nào để thôi bị mặc định như người lo toan mọi việc nhà, là người đẻ thuê, là vú em, là người gặt lúa, xay lúa, là người bị trút tức giận và đòn roi.
Chị giúp việc nhà tôi kể chuyện chị còng lưng làm việc nhà, việc đồng áng mà vẫn thường xuyên bị chồng mắng chửi. Anh ta hất bát canh vì “nấu không ngon”, cầm chổi đuổi đánh đến nỗi chị phải trốn trong chuồng lợn nhà hàng xóm. Mặt chị tỉnh queo “vì đã quá quen”. Những người như chị chẳng bao giờ có cơ hội một lần được người đàn ông của mình tôn trọng, coi như đối tác làm bầu bạn, để chia sẻ và yêu thương.
Bố tôi cũng bảo, thời nay còn không ít người thành công trong sự nghiệp, ở cơ quan niềm nở với nhân viên, ở quán nhậu rộng rãi với anh em bạn bè, nhưng về nhà tự coi mình như ông chủ, sống lạnh lẽo và trịch thượng. Bố nói, nhiều ông hô hào “trị quốc, bình thiên hạ” mà không “tề gia” nổi thì cũng chỉ hạnh phúc ở cái vỏ. Còn trong lòng tê tái lắm.
Bình đẳng và hạnh phúc thực sự đến từ nội tâm và giá trị bên trong của mỗi cá nhân chứ không từ những lời tán tụng, tung hô hay đàm tiếu, khích bác. Tại sao những hành vi bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ vẫn dai dẳng trong xã hội chúng ta? Tôi nghĩ một phần vẫn còn những người sinh ra ở thế kỷ 20 nhưng tư tưởng vẫn ở những thế kỷ trước. Cộng thêm những người hay hỏi xoáy đá xoay, kiểu như: “đàn ông mà phải cho con ăn à?”, “vợ đâu mà phải rửa bát thế?”, “đẻ toàn con gái hưởng sướng đến chết còn gì”, “ông đòi về nhà sớm bám váy vợ à?”
Thế nên, trong rất nhiều gia đình, hình ảnh người chồng như một ông vua con, phì phèo thuốc lá, lê la quán xá, hay cả ngày bận với cái máy tính, tivi và điện thoại. Vợ nhờ trông con thì trợn mắt méo mồm mắng chửi, thậm chí quăng cái chén quẳng cái niêu, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Tôi cho rằng đó là đàn ông kém trí, thiếu đức, không đủ tự tin và năng lực để người khác nể trọng nên phải dùng đến những cách hạ đẳng.
Nhưng tôi cũng cảm ơn những người đàn ông không màng miệng lưỡi thế gian. Nhờ họ mà phụ nữ chúng tôi chẳng cần phải gồng mình đấu tranh đòi công bằng, bình đẳng. Vì chúng tôi biết, bình đẳng giới không phải một khẩu hiệu để hô, nó là sự hiểu biết và hành động.
Đỗ Hải
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga