Hà Nội: Lý do quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập?

Người xem: 197

Quận Hoàn Kiếm đạt 100% tiêu chuẩn về dân số, nhưng chỉ có 5,29 km2 (đạt 15% về diện tích nên thuộc diện phải sáp nhập trong giai đoạn 2023-2030.
 
Quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập do chỉ đạt 15% về diện tích
 
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, giai đoạn 2023-2025, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, thành phố có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.
 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Hội nghị.

Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,29 km2, gồm 18 phường, dân số 155.900 người. Đây cũng là quận có diện tích nhỏ nhất trên địa bàn Thủ đô giáp quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
 
Theo Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-VPQH Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính nêu rõ, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp quận là quy mô dân số từ 150.000 người trở lên, diện tích tự nhiên từ 35 km2 trở lên, số phường trực thuộc có từ 10 đơn vị trở lên. Như vậy, Hoàn Kiếm đang trong diện phải sắp xếp do không đạt tiêu chí về diện tích.
 
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhấn mạnh, trong tất cả các vấn đề thành phố quan tâm, quan trọng nhất là sự tác động lớn nhất đến với người dân, còn mọi khó khăn khác thuộc về cơ quan hành chính, bộ máy, lĩnh vực hành chính đều có thể vượt qua.
 
Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc chủ trương, các nghị quyết của Trung ương, thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ. Trong đó, thành phố sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người.
 
Giai đoạn 2019-2021, Hà Nội đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường. Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã; và 579 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn.
 
Cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về văn hóa, lịch sử
 
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính là một nhiệm vụ quan trọng.
 
Theo Thủ tướng, sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, bao trùm, có lộ trình, bước đi, thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có trọng tâm, trọng điểm, có cách làm phù hợp, chặt chẽ, thận trọng, hiệu quả; nơi có điều kiện thuận lợi thì làm trước, nơi chưa có điều kiện thuận lợi thì xác định lộ trình phù hợp để thực hiện.
 
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải trên cơ sở khoa học và thực tiễn, căn cứ theo các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và các tiêu chí, điều kiện theo quy định của pháp luật, đồng thời phải chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý – tự nhiên, cộng đồng dân cư.
 
Việc sắp xếp đơn vị hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống người dân; giải quyết tốt các quan hệ dân sự, kinh tế của người dân và doanh nghiệp.
 
Thủ tướng lưu ý thêm cần triển khai công việc bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương, cộng đồng dân cư.
 
Đến nay cả nước thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.056 đơn vị hành chính cấp xã. Qua đó, giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; giảm được 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng.
 
Nguồn: THĐT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *