Trong cuốn sách mới xuất bản phản ánh chi tiết “cuộc chiến kinh tế” của phương Tây nhằm chống lại Nga, nhà báo kinh tế quyền lực của hãng Bloomberg Stephanie Baker đã viết, “tôi tin nó cũng khốc liệt không thua kém cuộc xung đột quân sự đang diễn ra trên thực địa”.
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây. Hình ảnh trên trang bìa cuốn sách “Punishing Putin: Inside the global economics war to bring down Russia” của nhà báo Stephanie Baker. (Nguồn: stephaniebakerwriter.com)
Nhưng liệu các lệnh trừng phạt có thực sự tác động đến Moscow không?… Dưới đây là những góc nhìn mới của cây bút kỳ cựu mang hai quốc tịch Anh-Mỹ Stephanie Baker, người đã viết về nền kinh tế Nga từ những năm 1990 và có quyền truy cập không giới hạn vào các nguồn tin của cả phương Tây và Nga, để đi đến tận cùng của vấn đề.
Bà Stephanie Baker cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã vượt ra ngoài chiến tuyến của chiến hào, quân đội và xe tăng, nó đã lan rộng đến một “chiến trường” của các thỏa thuận và ngoại giao, mối quan hệ của các chủ ngân hàng, công ty bảo hiểm và luật sư, các nhà cung cấp dầu, vi mạch và siêu du thuyền…
Mặt trận trải khắp thế giới
Mặt trận đã trải rộng khắp khu tài chính Manhattan, các khu phố sang trọng nhất của London và cả các hộp thư được các công ty vỏ bọc sử dụng tại các thiên đường thuế. Và cuộc chiến kinh tế này cũng khốc liệt không kém các trận tấn công quân sự đẫm máu đang diễn ra trên thực địa ở Ukraine.
Trong cuốn sách có tên “Punishing Putin: Inside the global economics war to bring down Russia”, nhà báo Baker phác thảo cách Mỹ và một số quốc gia châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chưa từng có đối với Nga sau chiến dịch quân sự của họ ở Ukraine, tháng 2/2022. Theo quan điểm của bà, các biện pháp trừng phạt này quá rộng đến mức chúng cấu thành “chiến tranh kinh tế” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Một số lệnh trừng phạt này diễn ra ngay lập tức và gây chú ý, chẳng hạn như việc tịch thu siêu du thuyền và các tài sản thuộc về các nhà tài phiệt Nga. Tỷ phú Nga Roman Abramovich đã phải bán câu lạc bộ bóng đá yêu thích của mình là Chelsea. Các công ty phương Tây bao gồm Adidas, McDonald’s và Unilever phải đối mặt với áp lực từ các nhà đầu tư và người tiêu dùng để cắt lỗ và rời khỏi Nga.
Tuy nhiên, có các biện pháp trừng phạt khác dù ít được chú ý hơn nhưng có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều. Chẳng hạn, các chính phủ phương Tây đã đóng băng tài sản nước ngoài của Ngân hàng trung ương Nga – tổng cộng khoảng 300 tỷ USD (284 tỷ Euro) – và cấm xuất khẩu hàng hóa sử dụng kép, chẳng hạn như vi mạch, sang Nga. Hay việc EU và các nước G7 đã áp dụng mức giá trần – 60 USD (57 Euro)/thùng dầu Nga xuất khẩu vào cuối năm 2022, với mục đích gây tổn hại đến tài chính của Điện Kremlin, mà không làm đảo lộn thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhà báo Stephanie Baker, người đã có ít nhất 34 năm nghiên cứu về kinh tế Nga đã tiết lộ cách Washington, Brussels và London tiến hành tịch thu siêu du thuyền, cố gắng thao túng giá dầu toàn cầu và nỗ lực ngăn chặn việc bán công nghệ cho quân đội Nga. Bà cũng cho thấy, giữa ý tưởng và hành động đã khác nhau như thế nào, do những xung đột lợi ích trong liên minh phương Tây.
Và khi chi phí “nuôi” cuộc xung đột với Nga tăng lên, một mặt trận kinh tế khác đã xảy ra. Mỹ và EU đặt câu hỏi, liệu có nên tịch thu 300 tỷ USD dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Nga tích lũy ở phương Tây hay không?
Làm sáng tỏ phản ứng của Moscow đối với cuộc đàn áp kinh tế từ phương Tây, bà Baker cho biết, các du thuyền sang trọng đã được đưa đến vùng biển thuộc chủ quyền các đồng minh của Nga, một “đội quân” luật sư đã phải bảo vệ tài sản của các nhà tài phiệt ở các thành phố phương Tây và Dubai thay thế London trở thành nơi cần đến. Các chuỗi cung ứng và tuyến đường mới mở cho “dòng chảy” dầu mỏ và vi mạch tiếp tục củng cố ngân khố nhà nước Nga và đảm bảo cho nguồn lực của nước này trong cuộc xung đột quân sự với Ukraine.
Như vậy, khi lệnh trừng phạt liên tục được phương Tây tung ra, thì Nga cũng không ngừng áp dụng các biện pháp đối phó mới tương ứng. Vậy thực tế, các lệnh trừng phạt của phương Tây có phải đã không đạt hiệu quả? Và tiếp theo còn có thể xảy ra những gì trong cuộc chiến tranh kinh tế này?
Nhà báo của Bloomberg phân tích, các lệnh trừng phạt ban đầu rất ít tác dụng đối với Nga, vì “hầu như không có sự thực thi nào, bởi Moscow có nhiều cách ứng phó và nhiều lỗ hổng đã được tìm thấy”, chẳng hạn, các nhà sản xuất chip phương Tây nói không thể kiểm soát chuỗi cung ứng của mình, khi công nghệ chip của họ được tìm thấy trong tên lửa Nga…
Gần đây, việc thực thi đã mạnh mẽ hơn nhiều với việc nhiều tàu chở dầu Nga bị đưa vào danh sách đen vì vận chuyển dầu dưới mức giá trần, nhưng các biện pháp vẫn chưa đủ. Sau này, khi các lệnh trừng phạt thứ cấp được tính tới, dường như bắt đầu gây khó khăn thực sự cho Moscow, chẳng hạn trừng phạt ngân hàng Trung Quốc tài trợ xuất khẩu hàng hóa cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga…
Cuộc chiến bóng tối dữ dội
Tràn ngập các sự kiện, con số chi tiết mà không khô khan, từ một cuộc điện đàm, đến những câu chuyện thực tế hấp dẫn, sách “Punishing Putin: Inside the global economics war to bring down Russia” đã đưa độc giả vào những cuộc thảo luận hậu trường gay cấn, dẫn đến một kỷ nguyên hoàn toàn mới của “thủ đoạn chính trị kinh tế” được các bên tính toán cẩn thận.
Nhà báo Baker nhận định, cách những chiến lược mới này đang sắp xếp lại hoàn toàn các liên minh toàn cầu. Và nó sẽ ảnh hưởng đến trật tự thế giới ngày nay, thậm chí cho cả các thế hệ mai sau.
Trước trùng điệp các vòng trừng phạt, Moscow đã không nao núng trước 8 năm lệnh trừng phạt của Mỹ (đợt trừng phạt đầu tiên kể từ năm 2014, khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea), khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát lệnh khởi động chiến dịch quân sự vào Ukraine (2/2022). Ngay trong những giờ sau đó, các nhà lãnh đạo phương Tây đã sử dụng các công cụ kinh tế để chống lại một cường quốc có vũ khí hạt nhân.
Những gì diễn ra tiếp sau đó là những thí nghiệm kinh tế, tài chính khổng lồ hiện hữu ở khắp nơi trên thế giới, không thể phủ nhận việc nó có thể tác động làm thay đổi thế giới và từ đó, có nguy cơ đẩy toàn cầu vào một cuộc suy thoái tàn khốc.
Nhưng mục đích của những đòn tấn công kinh tế từ phương Tây lại rất đơn giản – là làm suy yếu sức mạnh cỗ máy quân sự của Tổng thống Putin và gây tổn hại đến nền kinh tế Nga—từng là nền kinh tế lớn thứ 11 trên hành tinh.
Nhà báo Stephanie Baker gọi “cuộc đổ bộ” của hàng loạt vòng trừng phạt từ phương Tây là “cuộc chiến bóng tối dữ dội” và cho biết, những nghiên cứu của bà cho thấy rõ, kết luận cuộc tấn công kinh tế của phương Tây vào Nga không có tác dụng là không đúng.
“Tôi nhận thấy, đây là chiến dịch tuyên truyền hiệu quả từ phía Nga. Do đó, sự ủng hộ đối với các lệnh trừng phạt có thể sẽ giảm đi”.
Đối mặt với hàng loạt khó khăn do tác động từ các vòng trừng phạt, “tôi không nói rằng, nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ, nhưng nếu giá dầu giảm mạnh và một số trụ cột quan trọng yếu đi, thì cuộc xung đột cũng không thể kéo dài được lâu”, bà Stephanie Baker kết luận.
Nguồn: Minh Anh/báo Thế giới & Việt Nam
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả