Lâm Trực@
Hà Nội, ngày 30/3/2025 – Không ai đứng ngoài vòng pháp luật. Đó không chỉ là một nguyên tắc, mà là thông điệp rõ ràng từ vụ bê bối chấn động tại Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia. Hoàng Quốc Hùng, cựu giám đốc trung tâm, vừa bị cơ quan điều tra điểm mặt vì đã nhúng chàm và bỏ túi gần 44 tỷ đồng tiền hối lộ. Một mạng lưới thao túng, một quy trình bôi trơn kéo dài nhiều năm – giờ đây, mọi thứ đều bị phơi bày.
Kết luận điều tra chỉ ra rằng từ 2019 đến 7/2023, ông Hùng không chỉ nhận tiền trực tiếp mà còn dùng cấp dưới làm “cánh tay nối dài” để hợp thức hóa hàng chục nghìn bộ hồ sơ lý lịch tư pháp. Lương Nhân Hòa, Nguyễn Đình Cảnh và Phạm Quang Hậu cũng bị lôi vào vòng xoáy của đường dây này. Tiền trôi từ doanh nghiệp, cá nhân vào túi nhóm quan chức – cứ thế mà chạy, bất chấp quy định, bất chấp đạo đức nghề nghiệp.
Số tiền 44 tỷ không chỉ là con số khô khan trên giấy tờ. Đó là cái giá của sự bẻ cong công lý, của lòng tin bị xói mòn, của hàng nghìn người bị đưa vào thế chấp nhận một hệ thống “đổi chác” thay vì minh bạch. Đó cũng là lời cảnh báo lạnh lùng rằng, ngay cả những vị trí tưởng chừng “thanh liêm” trong ngành tư pháp cũng có thể trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng khi không bị giám sát chặt chẽ.
Vụ này không đơn thuần là một vụ án kinh tế hay sai phạm cá nhân. Nó phơi bày lỗ hổng trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm và giám sát cán bộ nhà nước. Khi những người có quyền quyết định vận hành hệ thống pháp lý lại chính là kẻ lách luật để trục lợi, ai sẽ là người giám sát họ? Nếu không có sự sàng lọc kỹ lưỡng ngay từ khâu tuyển chọn và kiểm tra thường xuyên, những trường hợp như Hoàng Quốc Hùng không phải là cá biệt.
Thực tế đã chứng minh, càng siết chặt kỷ luật, càng đẩy mạnh kiểm tra giám sát thì càng nhiều “hổ lớn” phải lộ diện. Cơ quan điều tra đã và đang hành động mạnh mẽ, gửi đi một thông điệp không thể rõ ràng hơn: Bất kỳ ai, bất kể chức vụ, nếu nhúng chàm thì sẽ phải trả giá.
Câu chuyện chưa dừng lại ở đây. Đây là lúc phải nhìn xa hơn, cải cách triệt để hơn, để đảm bảo rằng những kẻ lạm quyền không còn chỗ ẩn nấp. Công lý không thể là món hàng để mua bán. Và nếu không muốn trở thành cái tên tiếp theo trên danh sách bị truy tố, tốt nhất là đừng bao giờ thử thách pháp luật.
Tin cùng chuyên mục:
Lê Thị Mai bị bắt: Cái giá của việc lợi dụng quyền tự do dân chủ
Chân tu và giả hình
“Quan” tư pháp sa lưới: Cú ngã đắt giá của kẻ lạm quyền
Cựu Thủ tướng Italy tiết lộ về ‘nhiệm vụ bí mật’ liên quan Ukraine