Cà phê phố

Người xem: 410

Người ta vẫn quen hẹn và tìm đến quán cà phê để gặp nhau và tận hưởng hương vị ly cà phê theo sở thích.

Từ lâu, những con phố Hà thành, dù lớn hay nép trong các khu chợ, đã dành cho các quán cà phê sự ưu ái mà những mặt hàng khác phải… ghen tị, nhất là quanh các hồ trong phố. Đôi khi những tên quán mới lạ rồi trở nên thân quen tự khi nào, đôi khi những cũ kỹ lại khiến người ta nghiện như nghiện chính hương vị cà phê mà người chủ giữ công thức và truyền đời.

  1. Đã bao người đi mòn đường để đến với cà phê phố, chẳng để cùng ai, mà chỉ để cho mình, lòng tĩnh lặng hay dậy sóng có lẽ chỉ chủ nhân và ly cà phê ấy biết với nhau. Cà phê phố lớn hay cà phê phố chợ nơi Hà thành người xe tấp nập ngày đêm, luôn chở theo thói quen thân thương ấy. Khác nhau có chăng là địa điểm, diện tích, cách bài trí, còn hương vị và những người khách quen thì mãi là “đường xưa lối cũ”. Bởi cà phê phố chợ là những quán cà phê gần chợ, cạnh chợ, chứ không phải nhắm vào chất lượng cà phê là… thứ hàng chợ.

Phải nói rằng, mật độ dân cư ở TP đông lên, nên bán mua cứ thế lan từ siêu thị và chợ ra những khu dân cư lân cận. Nhiều ngôi nhà gần chợ đã biến thành cửa hàng bán hoặc cho thuê đắt giá. Nhiều nhà tầng 1 ở khu tập thể cũ biến thành cửa hàng và “nép” vào những bức tường vàng cũ kỹ ấy là những sạp hàng rau củ, nông sản, quán ăn, quán cà phê… Có những khu như Thành Công, Nghĩa Tân, quy mô chợ rộng hơn nhiều bởi hàng hóa lan dần ra rất nhiều các ngõ quanh chợ.

Cà phê phố Phùng Hưng, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Và thế là Hà thành buổi đô thị hóa, không chỉ vấn vương những phố cà phê Triệu Việt Vương, Thái Phiên – Lê Đại Hành, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thường Kiệt, Hồ Đắc Di…; không chỉ rực rỡ những phố quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Giảng Võ… thơm nức hương vị cà phê quyến luyến, mà còn bao nhiêu quán cà phê xinh xinh “đậu” trong các khu dân cư, con ngõ nhỏ, gần chợ, sát đường, tấp nập người qua lại…

  1. Cà phê phố Hà thành có nét duyên của phố, của ngõ, của chợ – những nơi quán “tựa lưng” để tồn tại và sống. Cà phê phố Hà thành còn có nét duyên của những người khách thường xuyên đến quán.

Như những khu chợ lan ra từ siêu thị và chợ truyền thống ở các khu dân cư, nhiều người quen đến đó hơn là len sâu vào các quầy hàng xếp trong khu chợ lớn. Ở đó, các bà, các bác đi chợ từ sớm, ngay khi đi thể dục về thì nhẩn nha, xem xét, mặc cả, hỏi thăm người bán hàng xong mới mua. Cánh phụ nữ vừa đưa con đi học, vừa tranh thủ đi chợ thì cuống cuồng mua cho nhanh…

Sau 8 giờ, chợ vãn, những người nhàn rỗi, có thể là những bác hưu trí, những người bán hàng mới ngơi tay, thế là người thì gọi bát bún, người mua cái bánh… Cánh hàng thịt cũng vậy, bữa sáng có thể sớm hơn, nhưng cũng vãn người mới có thời gian nạp thêm năng lượng.

Và tầm này là lúc cà phê phố chợ đắt hàng. Nếu những quán mặt phố lớn ít khi hết bàn, thì cà phê phố chợ luôn chật chỗ, người bán suốt buổi không ngơi tay. Khách đi ăn sáng về tạt vào thưởng thức cốc cà phê theo thói quen, chả gì bằng gần và tiện. Quán hàng giữa chợ đông vui, nhìn thấy người xung quanh bán lại càng vui.

Hơn thế, có khi nhiều khách hàng đã dặn những người bán thực phẩm quen giờ ra đây uống cà phê, chờ họ sơ chế thực phẩm cho để mang về. Xông xênh thời gian, nên cứ cà phê chuyện trò thoải mái trước khi ra lấy đồ, nếu không người bán thực phẩm cũng biết chỗ mà cầm ra tận quán.

Khách của quán cà phê phố chợ có khi còn chính là những ông bà chủ bán hàng về chiều. Buổi đi chợ sáng nhàn tênh sau cú điện thoại dặn chủ hàng, nên ăn sáng xong bao giờ cũng phải rôm rả cữ cà phê rồi mới ra chất lên xe đủ thứ thực phẩm để về bán hàng chiều và tối. Với lượng khách thế này, quán đông nghèn là phải. Đấy là chưa kể, cánh đi chợ phố giờ cũng cà phê đều đặn “cho tỉnh táo vì dậy từ tờ mờ sáng”…

  1. Uống cà phê với cậu bán thịt là chồng cô bán rau – anh em cùng làng ở ngoại thành, rủ nhau đi chợ bán hàng, rảnh uống với nhau và nói câu chuyện cho vui. Nhìn họ ríu rít trong hương cà phê quyến rũ, lại nhớ chợ làng xưa thường có bà cụ ngồi bán nồi nước chè xanh, đong bằng bát.

Những người đi chợ thưởng thức quà sáng trong cầu chợ xong là ra làm bát nước chè nóng hổi, nói đôi câu chuyện rồi mới đi mua sắm. Giờ cuộc sống đô thị hiện đại, cánh chị em cũng uống ly cà phê nâu cùng bạn hàng hay uống cùng chồng cho vui. Chẳng thế mà quán cà phê phố chợ đông đến thế…

Những tưởng cà phê phố chợ sẽ đìu hiu mỗi buổi chiều, vì chợ thường rôm rả buổi sáng. Nhưng không, cà phê phố chợ buổi chiều lại rôm rả theo không gian chiều bởi những cuộc hẹn sau giờ nghỉ trưa. Người chủ hàng có khi đi lấy hàng chiều để bán đêm, trong khi chờ hàng thịt “pha” cũng vào làm ly cà phê chờ đợi. Người chờ bạn ra hồ hay công viên làm ván cờ cũng đi sớm hơn để uống ly cà phê cho minh mẫn, sảng khoái trước “giờ thách đấu”. Nhiều ông, bà đón cháu ở trường lúc 4 rưỡi chiều, nhưng có khi chỉ 3 giờ đã có mặt ở cà phê phố chợ chờ đợi…

Thế nên, cà phê phố chợ đông cả ngày là thế. Rồi đến tối, có khi chỉ đôi ba bàn mấy bác hàng xóm ra ngồi nhâm nhi ấm trà, hút điếu thuốc nhả khói vào gốc cây cảnh, thế là quán cà phê phố chợ vẫn sáng đèn…

Đô thị là thế, tất bật, nhộn nhịp, nhưng cung cầu bao giờ cũng hài hòa, kịp thời, tiện lợi. Đô thị là thế, bên cạnh những hào hoa, bóng bẩy, hiện đại, vẫn có những góc bình dị, thân thương, hòa đồng và đón nhận. Nhiều khi, sự để nhớ lại chỉ là những điều giản dị, nho nhỏ như vậy. Một quán nhỏ, ồn ã, giữa những người lao động vất vả, một quán nhỏ không xa mấy những thùng rác chờ đem đi, nhưng vẫn hút khách bằng độ thật, độ ngon và độ rẻ của ly cà phê, đã góp phần làm nên một Hà Nội giản dị, thân thiện, bao dung cho bao người.

Có bao nhiêu người từng nói “Hà Nội dễ sống” bởi là thế!

Nguồn: Nguyễn Minh Hoa/Theo Kinh tế đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *