Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ ông đã chứng kiến không ít nhà đầu tư nước ngoài háo hức đến Việt Nam rồi lại… rời đi đầu tư ở nước khác.
Phát ngôn ấn tượng nhất ở Quốc hội tuần rồi có lẽ là của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khi thảo luận tổ về dự án một luật sửa bốn luật liên quan đến đầu tư.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Dubai xây dựng TP với 500 tòa nhà chỉ mất năm năm, còn với “rừng quy định” như ở Việt Nam phải mất 1.500 năm”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kể nhiều câu chuyện hay về thủ tục đầu tư ở các nước. Ảnh: HTQ
Trao đổi sau đó, ông Dũng nói sẽ tiếp tục kể câu chuyện này ở nghị trường để mọi người cùng nhìn nhận tận gốc rễ vấn đề của Việt Nam hiện nay, để cùng thay đổi, cải cách, đưa đất nước phát triển trong “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ ông đã chứng kiến không ít nhà đầu tư nước ngoài háo hức đến Việt Nam theo lời mời của Chính phủ, của ông và rồi lại… rời đi đầu tư ở nước khác. Hầu như ở Quốc hội, kỳ họp nào ông cũng có những câu chuyện sinh động như vậy để kể về điểm nghẽn trong thủ tục đầu tư – kinh doanh. Chẳng hạn như kỳ trước, ông kể câu chuyện Trung Quốc từ lúc cấp phép, triển khai, hoàn thành nhà máy ô tô trị giá hơn 1 tỉ USD của Telsa chỉ mất 11 tháng, một trung tâm thương mại lớn chỉ mất 68 ngày.
Mới đây, tại Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, kể: Lĩnh vực bất động sản bị 15 luật khác nhau chi phối. Đã vậy, các luật còn “đá” nhau khiến cho thủ tục pháp lý thường mất rất nhiều thời gian. Có dự án phải trải qua 177 bước, tốn 360 ngày chỉ tính riêng khoản giải phóng mặt bằng. Sau đó, để được triển khai thì lại phải cần 38-40 con dấu. Điều chỉnh quy hoạch cũng là câu chuyện kinh hoàng khi chỉ “nhích ra một tí”, chỉnh con đường để tránh ống cống… cũng phải điều chỉnh quy hoạch và phải lên tận cấp cao nhất của tỉnh.
Những câu chuyện này không khó kiếm tại các hội thảo, đối thoại của doanh nghiệp (DN) với các cơ quan chức năng. Chẳng thể quên một thời, các DN than vãn chuyện “một chiếc bánh sôcôla có đến 13 giấy phép”, hay chính tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng từng phản ánh chuyện “một quả trứng mà ba bộ đồng tình… quản”.
Mà đâu chỉ mỗi DN than vãn với thủ tục? Chính các cơ quan nhà nước cũng than vãn vì nhiều khi luật ban hành rồi mà chả thi hành được. Chẳng những các luật “đá” nhau mà ngay cả luật với nghị định hướng dẫn thi hành cũng có độ vênh nhất định.
Giải ngân đầu tư công mấy năm nay lúc nào Thủ tướng cũng phải thúc giục, thành lập các tổ công tác đốc thúc liên tục… Điểm nghẽn vượt qua khó nhất cuối cùng cũng do cái “rừng quy định” mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phải thấy rằng các nhà đầu tư nước ngoài có quyền chọn lựa là “ra đi” hay “không làm” như lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói. Còn các DN trong nước thì không thể ra đi, họ phải ở lại để “sống chung” với “rừng quy định” ấy và vật lộn với nó. Tất nhiên chúng ta không thể không suy nghĩ về câu chuyện nội tại của chính mình, phải thấy cho được nguyên nhân nào khiến các nhà đầu tư đến rồi đi, câu chuyện dài tập về than vãn của các DN trong nước để điều chỉnh kịp thời và phải xem nó là vấn đề rất lớn trong câu chuyện phát triển.
Việc quản lý nhà nước trong đầu tư là điều tất yếu phải làm. Nhưng vấn đề là việc quản lý ấy hướng tới mục tiêu vô cùng quan trọng là tạo không gian phát triển tốt nhất cho đất nước.
Phải chăng việc quá nặng về quản lý, khi các cơ quan nhà nước nhận lấy phần dễ về phía mình, đẩy phần khó về phía DN đang tạo ra những cản lực lớn cho phát triển. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói: “Nhà nước hiện có rất nhiều quyền. Quyền cho làm gì, cho ai làm, làm ở đâu, làm như thế nào…”. Các quyền ấy muốn duy trì thì phải níu kéo, níu kéo từ trong luật chung đến luật chuyên ngành. Các quyền ấy được duy trì thì hệ quả là câu chuyện “xin-cho” có thể còn lâu mới bỏ được.
Một khi vấn đề nặng về tư duy quản lý này còn duy trì thì đương nhiên chủ trương chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm” triển khai rất khó. Người ta lẽ ra cứ phải công khai, minh bạch để người dân và DN cứ thế mà làm thì ở đây các quy định về “thẩm tra, thẩm định”, tức là “tiền kiểm” còn hiện diện không ít trong các dự thảo văn bản pháp luật. Mà mỗi lần thẩm tra, thẩm định thì rừng quy định lại bủa vây DN trong vòng luẩn quẩn “xin-cho”.
Vừa rồi, Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tám của Quốc hội đã nhấn mạnh rằng: Phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không được thì cấm”. Đảng và Nhà nước đã xác định chủ trương xây dựng luật phải theo hướng quy định nguyên tắc, phân cấp, phân quyền, giải quyết tận gốc câu chuyện “ôm đồm” quyền lực quá nhiều ở một số địa chỉ, bộ phận, gây ra nhiều điểm nghẽn trong vận hành và phát triển…
Rất cần tinh thần này được quán triệt và lan tỏa để thể chế thực sự là động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, đúng như động lệnh phát đi từ người đứng đầu Đảng: “Những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Nguồn: Chân Luận/báo Pháp luật TPHCM
Tin cùng chuyên mục:
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng
Việt Tân và những luận điệu xuyên tạc cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam
Ngô Đình Diệm trong con mắt người dân miền Nam