BẠCH HÓA một phần nội dung cuốn sách: Việt Nam lịch sử không biên giới

Người xem: 705

BẠCH HÓA một phần nội dung cuốn sách: VIỆT NAM LỊCH SỬ KHÔNG BIÊN GIỚI

(từ góc nhìn chính trị, lịch sử và xuất bản)

Thưa các bạn, một sự kiện xuất hiện mấy hôm nay tại Nxb KHXH được báo chí và một bộ phận công chúng quan tâm liên quan đến đề nghị của tôi là thu hồi cuốn sách “Việt Nam lịch sử không biên giới”, người ủng hộ nhiều, người chê trách cũng có và người không hiểu gì cả cũng nhiều lắm!

Đặc biệt một số người cho rằng, sâu xa của sự việc là tôi “đánh” ông Q. Giám đốc để tranh chức Giám đốc.

Khổ tôi đã từ bỏ mục tiêu chức quyền cách đây 7 năm rồi, bởi nó “bạc” lắm!

Trước khi vào nội dung, xin đăng lại những tấm hình mà tác giả đăng trên FB Phan Tân

Để có chút “giải” uẩn khúc ở trên, tôi xin nói rõ quan điểm của cá nhân về những nội dung được cho là sai sót của cuốn sách buộc phải đề nghị thu hồi:

Về tên sách: “Việt Nam: Lịch sử không biên giới”, -> sai về lịch sử và quan điểm chính trị.

Lịch sử tộc người có thể “không biên giới”, nhưng lịch sử quốc gia/lãnh thổ thì không thể “không biên giới”.

Trên thế giới, chưa có quốc gia nào lại không có biên giới, chỉ có là quá trình vận động của lịch sử, của chiến tranh, thiên tai ở mỗi thời kỳ mà biên giới được mở rộng hay thu hẹp. Với tên sách như này có thể hiểu rằng lịch sử Việt Nam là không có biên giới, đồng nghĩa không có quốc gia. Chả nhẽ lịch sử của các tộc người hiện đang cư trú trên đất nước Việt Nam là dân du mục, dân lang thang, nay đây mai đó, không có một nơi nào cố định, không có quốc gia lãnh thổ.

=>Đây là quan điểm phi lịch sử, phi chính trị!

Bản đồ in trong ảnh minh họa ở trang bìa, được cắt ra từ một bản đồ nào đó, không có chú thích ảnh cũng không có chú nguồn ở trang signer hay bìa gấp theo quy định của khoa học, xuất bản!

Bản đồ trong sách ở trang 220: Bản đồ không có nguồn (không tác giả, không xuất xứ); Phần insert bản đồ Việt Nam không khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; Lãnh thổ Campuchia (Cambodia) bao trùm cả vùng Nam bộ và một phần vùng Tây Nguyên Việt Nam; Lãnh thổ của Lào bao gồm cả một phần vùng Tây Bắc Việt Nam. Chữ Cochinchina không viết liền mà cố tình viết rời, xuống dòng: Cochin China (viết hoa chữ China); Bản đồ không liên quan đến nội dung (bài viết nói về vùng đất Hội An – hai lịch sử, chú thích bản đồ ghi là “Bản đồ theo độ cao”, tên bản đồ và nội dung viết liên quan gần đó không rõ); Cẩu thả trong xóa chữ trên bản đồ (phía dưới từ “Biển Đông” có chữ bị xóa còn lộ nét chữ xóa);.

Ngôn ngữ trên bản đồ vừa cổ, vừa hiện đại: Đàng Trong – Đàng Ngoài (có khoảng sau năm 1600), Hà Nội (năm 1831), Cambodia (danh xưng của người phương Tây gọi Campuchia khi họ thám hiểm vùng đất này), Vương quốc Chămpa còn gọi là Chiêm Thành (tồn tại từ năm 192 đến năm 1832 thì chính thức sáp nhập toàn bộ vào Việt Nam), cụm từ Cochin China xuyên tạc từ Cochinchina, Biển Đông nghĩa từ mới thay cho Đông Hải. Riêng các ngôn ngữ trên bản đồ đã thể hiện sự lộn xộn, bất nhất,… trong Bản đồ học.

Có phát ngôn cho rằng: “đây là bản đồ cổ” nhằm để lý giải việc không có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (và sau đó họ đã cố tình xóa chữ Cambodia để che giấu thời điểm xuất hiện chữ Cambodia – bắt nguồn từ tiếng Pháp). Đây là một phát ngôn thể hiện sự ngu xuẩn về lịch sử. Trên bản đồ vẫn còn chữ Hà Nội. Danh từ Hà Nội vốn có từ năm 1831 (do vua Minh Mạng đặt khi chia địa giới hành chính 29 tỉnh). Và như vậy, thì ở khoảng thế kỷ 19 đất của Campuchia bao gồm cả phần Nam bộ hiện nay; vương quốc Chăm vẫn tồn tại. Và đường biên giới đang thể hiện điều đó (lãnh thổ Campuchia – cho dù họ đã xóa đi chữ Cambodia, theo đường ranh vẫn bao trùm cả vùng Nam bộ và một phần vùng Tây Nguyên Việt Nam; Lãnh thổ của Lào bao gồm cả một phần vùng Tây Bắc. Đây chắc chắn là bản đồ hiện đại được tác giả tự vẽ mô phỏng nhưng lại không tham khảo từ một nguồn tư liệu nào nên không thể hiện đúng quốc gia Đại Việt ở thế kỷ XVI cũng như ở thế kỷ XIX.

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được các triều đại phong kiến Việt Nam thực thi từ rất sớm. Có tài liệu nói từ thế kỷ XV. Nhưng rõ nhất là từ thế kỷ XVII. Thực tế này đã được các tài liệu của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới lưu giữ dưới dạng: tư liệu, sách cổ, văn bản pháp lý của nhà nước cùng các bản đồ thể hiện việc thực thi chủ quyền của các nhà nước phong kiến Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điển hình là Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư (năm 1686) của Đỗ Bá; Phủ biên tạp lục (năm 1776) của Lê Quý Đôn; Lịch triều hiến chương loại chí (năm 1821) của Phan Huy Chú; Hải ngoại kỷ sự (năm 1696) của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán và An Nam đại quốc họa đồ của nhà truyền giáo người Pháp Jean-Louis Taberd,… Đặc biệt, Việt Nam còn có các Châu bản triều Nguyễn mà các quốc gia khác không thể có được. Đó là các văn bản hành chính chính thức của triều đình nhà Nguyễn (thế kỷ XVII – XVIII) về cử các đội thuyền của Việt Nam đi khảo sát, đo đạc, khai thác và tuần phòng tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các văn bản này dưới dạng chỉ dụ, đều có bút phê và đóng dấu son của nhà Vua. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng khẳng định, từ thế kỷ XVII, Nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền cần thiết đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, không ít thư tịch cổ Trung Hoa, do chính người Trung Hoa viết lại đã thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam – xem thêm: Trần Xuân Hiến (2014), Tư liệu Hoàng Sa, Trường Sa trong thư tịch cổ Trung Quốc (TL Viện Thông tin KHXH) // Hồ Sĩ Quý (2014), Quá trình chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – thực tế, không gián đoạn, hòa bình và minh bạch (06/06/2014, http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=494 )

Về lỗi nội dung:

Trang 28, 29 nội dung ghi: “Thông qua việc khảo cứu sự xuất hiện của một bản sắc Việt Nam độc đáo vào thế kỷ X, Taylor điều hòa giữa những ý niệm tồn tại trong giới sử học Việt Nam về đặc trưng bất biến của lịch sử dân tộc và những hiểu biết kiểu Hán coi Việt Nam là một biến thể của Trung Hoa”.

=>Đây là một quan điểm bành trướng Đại Hán!

Trang 31 nội dung ghi: “Trong cuộc chiến hiện đại giữa miền Bắc và miền Nam, các nhà sử học Việt Nam Cộng hòa đã giải quyết mâu thuẫn này bằng cách dành sự ưu ái cho triều Nguyễn, mô tả vai trò của nó theo hướng mang tính tự vệ. Thủ phạm gây ra sư chia cắt đất nước không phải là nhà Nguyễn mà là nhà Trịnh và nhà Mạc”.

=>Đây là quan điểm ẩn ý bênh vực cho cuộc chiến 1954-1975… Nhưng nội dung này sau khi được góp ý trong nội bộ Nhà xuất bản thì đã được sửa lại là “Trong cuộc tranh luận sử học giữa miền Bắc và miền Nam….”, tờ này đã được in lại và cắt dán vào sách để tiếp tục phát hành.

Trang 32 nội dung ghi: “Lịch sử Chăm và Campuchia kết thúc nơi lịch sử Việt Nam bắt đầu”.

=>Vậy là lịch sử Việt Nam chỉ có khi không còn lịch sử Chăm và Campuchia, hay Việt Nam mới có quốc gia lãnh thổ sau khi thôn tính Chăm và Campuchia. Rất MÉO MÓ về lịch sử! Tuy nhiên, câu này sau khi được góp ý là nội dung mang tính nhạy cảm chính trị nên đã được đối tác cắt bỏ khi sửa lại sách và in bằng tờ khác để cắt dán vào cuốn sách rồi tiếp tục phát hành.

Trang 216 nội dung ghi: “Tại một vài điểm khó phân biệt, lịch sử Việt Nam chấm dứt và lịch sử Chăm bắt đầu”.

=>Nghĩa là lịch sử Việt Nam không còn (quốc gia Việt Nam không còn), nhường chỗ cho lịch sử quốc gia Chăm. Rất MÉO MÓ về lịch sử!

Nội dung trang 32 và trang 216 mâu thuẫn nhau, đều sai một cách NGHIÊM TRỌNG! => đúng là “KHÔNG BIÊN GIỚI”!

Ở các trang 16, 17, 23, 259 đưa ra một số quan điểm lịch sử, chính trị đầy nghi ngờ:

+ “Những học giả người Pháp đầu tiên…. đưa ra một kiến giải đối lập, cho rằng lịch sử Việt Nam là lịch sử “phụ thuộc”, bắt nguồn từ thứ cấp so với, và vay mượn các thiết chế Trung Hoa theo cách không sáng tạo. Adrien Launay, một sử gia của Hội Truyền giáo, cho rằng “người An Nam giữ được một số phong tục nhất định của mình, nhưng về cơ bản mà nói, văn minh An Nam là theo Trung Quốc” (tr. 16). Ông viết tiếp “việc thiếu vắng hoàn toàn sự tiến bộ trong xã hội An Nam so với văn minh Trung Hoa và tình trạng trể nải trong các ngành khoa học và nhân văn, thấp kém hơn nhiều so với Trung Quốc, [cho thấy] rằng nếu không có Bắc Thuộc, Giao Chỉ cổ xưa chắc hẳn phải dựa trên những cộng đồng bộ tộc hoang dã, cũng như người Mường sống ở vùng biên viễn” (tr. 17).

+ “…các học giả khác… cũng lặp lại cách đặc trưng hóa của Launay, khắc họa xã hội Việt Nam thành một phiên bản mờ tối của mô hình phương Bắc”…

+ “Những chính sách buổi đầu “khai hóa văn minh” trước khi chuyển sang những ý tưởng hợp tác đã được hợp thức hóa bằng cách mô tả lịch sử Việt Nam là bất biến, bắt nguồn từ bên ngoài và hoang dã” (tr. 17).

+ “Khôi thừa nhận rằng tổ tiên của Âu Lạc có nguồn gốc Trung Hoa nhưng đã trở thành người Việt Nam bằng cách hòa mình vào phong tục địa phương” (tr. 23).

+ “Ngoài ra, nó cũng dựa trên việc họ coi Nguyễn Huệ-Quang Trung là một tên tướng cướp man rợ” (tr. 259).

(xin xem thêm bản ảnh của các trang ở dưới)

=> Phải chăng ta đang là người tuyên truyền các quan điểm này?

Sách có rất nhiều lỗi dịch, lỗi chính tả do không được hiệu đính, biên tập kỹ.

Như thể hiện ở Bản đồ và các nội dung được trích dẫn ở trên thì đây là những quan điểm phi LỊCH SỬ, phi CHÍNH TRỊ, trái với quan điểm lịch sử và toàn vẹn lãnh thổ của Nhà nước Việt Nam.

P/s:

1) Có một vài quan điểm tranh luận gần đây cho rằng, một số nội dung trích dẫn ở trên “được cho là sai” cũng bởi người dịch không chú dẫn/giải nghĩa cụ thể nên người đọc hiểu sai nội dung muốn trình bày của tác giả nước ngoài.

Việc dịch Sai – Đúng xin nhờ các nhà ngôn ngữ học, các dịch giả, học giả đánh giá. (các bạn có thể tham khảo thêm đánh giá về dịch ở trang này:

https://www.facebook.com/share/p/9Mo5ELNmTww42k3L/

Tuy nhiên, quan điểm xuất bản của chúng tôi là rõ ràng về các quan điểm lịch sử, chính trị, không gây hiểu nhầm. Công chúng/bạn đọc của cuốn sách không chỉ là các trí thức tinh hoa mà cả công chúng bình dân.

Và nếu quan điểm phê phán “dịch sai quá nhiều” như một số bạn nêu là đúng thì riêng việc dịch sai quá nhiều tác phẩm cũng đủ để ra quyết định thu hồi!

2) Chúng tôi làm xuất bản và Luật Xuất bản quy định rất rõ tại Khoản 1 Điều 10, Nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung sau đây:

  1. a) TUYÊN TRUYỀN CHỐNG NHÀ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; PHÁ HOẠI KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC;
  1. b) TUYÊN TRUYỀN KÍCH ĐỘNG CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC, GÂY HẬN THÙ GIỮA CÁC DÂN TỘC VÀ NHÂN DÂN CÁC NƯỚC; KÍCH ĐỘNG BẠO LỰC; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
  2. c) Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
  3. d) XUYÊN TẠC SỰ THẬT LỊCH SỬ, PHỦ NHẬN THÀNH TỰU CÁCH MẠNG; XÚC PHẠM DÂN TỘC, DANH NHÂN, ANH HÙNG DÂN TỘC; KHÔNG THỂ HIỆN HOẶC THỂ HIỆN KHÔNG ĐÚNG CHỦ QUYỀN QUỐC GIA; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Việc chỉ có thế thôi có ĐẤU ĐÁ, TRANH CƯỚP gì đâu

Sách có vẻ đang bán “rất chạy”, ai không kịp mua thì chờ “Tái bản có dịch lại, sửa chữa, bổ sung”

Nay kính bạch

Nguồn: Fb Phan Tân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *