Từ ‘lùm xùm’ phim Đất rừng phương Nam, theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, việc thưởng thức hay phê phán một bộ phim nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung nên xuất phát từ thái độ công tâm, khoa học.
Từ “lùm xùm” Đất rừng phương Nam
Bà Trịnh Thanh Nhã cho rằng, từ những tranh cãi về phim Đất rừng phương Nam, khán giả nên thưởng thức nghệ thuật một cách công tâm. (Ảnh: NVCC)
Trước những ý kiến trái chiều xung quanh phim Đất rừng phương Nam, theo tôi, mọi tác phẩm nghệ thuật khi được “trình làng” gây xôn xao dư luận đều là những tín hiệu tốt, cho thấy tác phẩm “có gì đó để nói”. Những tranh luận nghề nghiệp đối với tác phẩm là hết sức quý giá đối với đội ngũ sáng tạo.
Nhưng cách góp ý theo kiểu mạt sát, “chụp mũ” tác giả và tác phẩm là một thái độ cảm thụ nghệ thuật không có thiện tâm, không công bằng, không khách quan và không có tinh thần khoa học. Điều này đã từng xảy ra và đã vùi dập không ít số phận văn nghệ sĩ đến tàn lụi.
Với trường hợp Đất rừng phương Nam phiên bản 2023, tôi nghĩ nguyên nhân của những ồn ào vừa qua vì có một bộ phận khán giả trong “cơn” lên đồng về tinh thần dân tộc đã nhìn, soi bộ phim với sự ám thị mà họ đang ôm trong người.
Những suy luận từ các chi tiết rất nhỏ đã bị thổi phồng lên, dẫn dụ cộng đồng mạng đến những hiểu biết phiến diện. Thậm chí, có cả những người chưa từng xem phim nhưng đã “a dua” theo, tạo nên làn sóng phản ứng không đáng có đối với một tác phẩm nghệ thuật.
Nói chung, tôi cho rằng việc thưởng thức hay phê phán một bộ phim nói riêng và tác phẩm nghệ thuật nói chung nên xuất phát từ thái độ công tâm, khoa học. Bạn có thể chê “nó”, nhưng hãy bắt đầu từ sự hiểu biết của người làm khoa học đúng nghĩa.
Chuyển thể văn học là một thuật ngữ văn nghệ, chỉ chung một phương thức sáng tác gọi là sự cải biên, trong đó có ít nhất 3 cách làm phổ biến:
Chuyển thể nguyên gốc, tức là trung thành tuyệt đối với nguyên tác, chỉ là dùng ngôn ngữ biểu hiện khác mà thôi. Tuy nhiên, cách làm này không được các tác giả chuyển thể tuân thủ nghiêm ngặt. Ít nhất họ cũng là người đọc có tâm lý tiếp nhận riêng, cho dù trung thành đến đâu thì tác phẩm phái sinh vẫn mang thêm những dấu ấn cá nhân (cảm xúc, chi tiết, tình huống…) của người sáng tạo lại.
Phóng tác là một thao tác cải biên nguyên tác tự do hơn, dựa trên những chủ đề, tình huống, tính cách nhân vật… cốt lõi của nguyên tác. Người phóng tác có thể thêm hoặc bớt vào tác phẩm phái sinh những tình huống kịch, bối cảnh hoặc nhân vật không có trong nguyên tác, miễn là nó giúp cho tác phẩm phái sinh hấp dẫn hơn, rõ nghĩa hơn, căn bản trình bày tác phẩm dưới góc nhìn cá nhân mạnh mẽ của mình.
Còn “lấy cảm hứng” lại là một thao tác cải biên phóng túng hơn nữa. Trong tác phẩm phái sinh, ta có thể thấy bối cảnh, thời gian, nhân vật… có sự chuyển dịch hoặc mở rộng đáng kể, miễn sao không sai lạc về tính cách nhân vật đã xác định trong tác phẩm, cũng như mục đích hành động của nhân vật. Nghĩa là, vẫn đảm bảo chủ đề tối thượng của nguyên tác.
Chuyện này xảy ra với cả điện ảnh và sân khấu. Với cả 3 phương thức cải biên cơ bản này, chỉ cần có sự thoả thuận giữa tác giả nguyên tác (hoặc người sở hữu bản quyền) với tác giả của tác phẩm phái sinh là hoàn toàn hợp pháp.
Thưởng thức nghệ thuật cần lành mạnh
Sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu lịch sử luôn là chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vậy nên, từ trường hợp Đất rừng phương Nam, khi tiếp nhận nghệ thuật cần cởi mở hơn. Lịch sử là một đề tài/chất liệu hấp dẫn và đầy thách thức với người sáng tạo.
Tuy nhiên, chúng ta cũng biết khái niệm “trung thành với lịch sử” là một khái niệm khá mơ hồ. Bởi nếu muốn có sự trung thành tuyệt đối, ta nên tìm đến sách sử hoặc phim tài liệu. Còn với các tác phẩm hư cấu, bao gồm cả văn học, sân khấu, điện ảnh, hội họa… thì đề tài lịch sử là “mảnh đất” cho trí tưởng tượng và những suy luận mang tính triết lý của các nhà sáng tác được bay bổng.
Gần đây, tôi nhận thấy văn học và sân khấu đã đi trước điện ảnh một bước dài với đề tài này. Rất nhiều tác giả văn học và sân khấu đã có tác phẩm dựa trên đề tài lịch sử. Với điện ảnh, do kinh phí cần thiết cho một tác phẩm ra đời quá lớn nên có sự thận trọng hơn.
Nhưng như vậy cũng đủ thấy, lịch sử không phải là một “cái gông” đối với người sáng tác. Sự sáng tạo nên được dựa trên khả năng suy đoán và trí tưởng tượng phong phú của người sáng tác, miễn sao tinh thần thời đại mà họ khai thác không bị sai lệch.
Để những tác phẩm phóng tác, hư cấu về đề tài lịch sử có thêm sức sống mới trong xã hội hiện tại, tôi nghĩ có hai mặt của vấn đề. Về phía người sáng tác, khi bắt tay vào đề tài lịch sử hoặc có liên quan lịch sử, các tác giả nên có sự tham khảo các chuyên gia lịch sử hoặc tư liệu lịch sử đã được in ấn chính thức. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, thao tác “kiểm tra chéo” với các nguồn tư liệu và ý kiến của chuyên gia cũng cần thiết, để từ những tư liệu ấy ta có thể sáng tạo, hư cấu một cách khoáng hoạt và tự tin.
Về phía người xem, không nên xem phim hay đọc sách dưới góc nhìn ám thị của mình, vì không chắc những gì mình biết đã là đúng. Hãy thưởng thức nghệ thuật để đánh giá tính logic nội tại của chính tác phẩm, đặt “nó” trong tinh thần thời đại. Không đem những ám thị của ngày hôm nay đánh giá những giá trị lịch sử của hàng thế kỷ trước. Đó là thái độ thưởng thức nghệ thuật công bằng, lành mạnh và văn minh.
Điện ảnh Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách và khó khăn. Đã từng có thực tế, chỉ một chi tiết trong tác phẩm cũng có thể trở thành nỗi thảm họa cho tác giả và tác phẩm xuất phát từ những suy luận phi văn nghệ. Thiết nghĩ, cần tránh tối đa những thảm họa này, để văn nghệ nói chung và điện ảnh nói riêng có đời sống hồn nhiên, khai phóng và mang lại nhiều cảm xúc đẹp cho công chúng.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã
Trịnh Thanh Nhã là nhà biên kịch nữ hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam thành công cả ở trong lĩnh vực điện ảnh và truyền hình. Hơn 35 năm trước, bà chạm ngõ điện ảnh và gặt hái được thành công với kịch bản đầu tay “Chuyện cổ tích cho tuổi 17” với Giải Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VIII năm 1988.
Trong vai trò biên kịch, bà là tác giả của một số bộ phim điện ảnh: Chuyện cổ tích cho tuổi 17, Giải hạn, Tráng sĩ Bồ Đề, Cạm bẫy tình… Bà cũng là tác giả nhiều kịch bản phim truyền hình như: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ, Ngã ba thời gian, Con nhện xanh, Mã số thần kỳ, Lối rẽ, Những bông hồng xanh, Chuyện làng bè, Chạm tới bình minh, Huế – mùa mai đỏ, Ám ảnh xanh, Ngược sóng, Trò đời… |
Chị này phân tích có ý được nhưng vẫn là đứng trên lập trường của nhà biên kịch. Chưa công tâm.
Ví dụ: Phóng tác được lịch sử hay sao?
BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN NHẬN XÉT PHIM ĐẤT RỪNG PHƯƠNG NAM “TRÌNH ĐỘ BIÊN KỊCH KÉM CỎII”
“Đất rừng phương Nam” 2023 (ĐRPN 2023) được thông báo chính thức ra rạp 20/10 nhưng thật ra đã chiếu trước đó khoảng 1 tuần, và đã tạo ra những tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội xoay quanh bê bối mang tên “Thiên Địa Hội” và “Nghĩa Hoà Đoàn”. Qua vụ việc này, chúng ta thấy được những gì?
Báo CAND nhận xét:”Giải thích cho lỗi sai của mình, biên kịch Trần Khánh Hoàng và đạo diễn Nguyễn Quang Dũng bao biện rằng họ muốn xây dựng một ĐRPN 2023 với nhiều tổ chức yêu nước khác nhau, có cả những con người tự phát. Họ nói trong phim không chỉ có Nghĩa Hòa Đoàn mà còn các nhóm yêu nước khác. Song, đây là một bao biện rất yếu khi không có một tổ chức kháng Pháp nào được gọi tên cụ thể. Việc không tìm ra được tên gọi cho các tổ chức kháng Pháp cụ thể có thể đến từ sự kém cỏi của khâu biên kịch do không tìm hiểu đủ đầy các thông tin lịch sử.”
“Từ câu chuyện này, các nhà làm phim ở Việt Nam nên thận trọng hơn khi chuyển thể tác phẩm từ loại hình khác (văn học, kịch nói). Xưa tới nay, chuyện nhà văn không hài lòng với việc tác phẩm của mình bị “khác đi” khi lên phim vẫn diễn ra khá thường xuyên, thậm chí còn có cả những tranh cãi xảy ra.
Và điều đáng tiếc ở ĐRPN 2023 là nó sử dụng hình ảnh Nghĩa Hoà Đoàn từ chính sự sai lệch trong bản ĐPN 1997 của Nguyễn Vinh Sơn. Ở bản đó, phân cảnh ông Tiều bị bắt cho thấy ông là người của Thiên Địa Hội, thuộc băng “kèo vàng” (Nghĩa Hòa Đoàn) trong khi thực tế lịch sử Nghĩa Hòa Đoàn ở Nam Bộ không chống Pháp. Từ dữ liệu này, biên kịch Trần Khánh Hoàng mới đưa vai trò của Nghĩa Hòa Đoàn khá đậm nét trong ĐRPN 2023. Như vậy, nếu cái lỗi nhỏ của thế hệ đi trước mà không được chỉnh sửa, nó hoàn toàn có thể tạo cơ sở để thế hệ đi sau tin vào thông tin sai lệch và biến cái sai trở thành đương nhiên”
Nguồn: Báo Công An Nhân Dân