Vài chuyện liên quan đến phim “Đất rừng phương Nam”

Người xem: 1717

Ong Bắp Cày

Như đã viết trong một bài viết trước đăng trên Trelang24h.com, một tác phẩm nghệ thuật ra đời, sẽ được đánh giá ở nhiều góc cạnh dưới nhiều hệ quy chiếu khác nhau. Sẽ không đánh giá nào thực sự hoàn hảo, kể cả nhận xét của các chuyên gia, các giải thưởng danh giá, hay lợi nhuận thu được… Bộ phim “Đất rừng phương Nam” không phải là ngoại lệ với đầy đủ tiếng khen, lời chê.

Dưới góc nhìn của một khán giả về “Đất rừng phương Nam” vừa được công chiếu vào hôm 13/10, tôi sẽ không nói về những thành công của ê kíp làm phim mà dành dung lượng nói về những câu chuyện ồn ĩ liên quan đến bộ phim. Tất nhiên, đây chỉ là ý kiến cá nhân với mục đích xây dựng chứ không phải để dìm hàng hay chỉ trích ai đó.

1. Phim “Đất rừng phương Nam” là sản phẩm của các công ty tư nhân phối hợp cùng sản xuất. Theo đó, các công ty đồng sản xuất bao gồm: Công ty Cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê, Công ty Cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town, Công ty Cổ Phần Phim Thiên Ngân.

Rất tiếc là trong Công văn xin phép ghi hình của Công ty cổ phần sản xuất phim Hoan Khuê gửi UBND tỉnh Đồng Tháp và Sở VHTTDL tỉnh Đồng Tháp ngày 12/10/2022 về việc sản xuất phim truyện “Đất rừng phương Nam” lại ghi: “Căn cứ công văn số 18676/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc phê duyệt kịch bản Đất rừng phương Nam theo kế hoạch sản xuất phim truyện điện ảnh do Nhà nước đặt hàng“. Tuy nhiên, trong Quyết định số 1230/QÐ-BVHTTDL công bố ngày 26/05/2022 về Dự toán ngân sách năm đã được cấp có thẩm quyền giao ngân sách, mục Giao dự toán chi ngân sách nhà nước đặt hàng sản xuất phim và tài trợ phổ biến phim năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không hề có tên phim Đất rừng phương Nam.

Chi tiết này bị khán giả coi là hành vi “gian dối”, mượn danh nhà nước để hưởng các ưu đãi nhằm tạo lợi thế cho việc sản xuất và phát hành phim sau này. Chi tiết này cũng tạo ra mối hoài nghi cho rất đông khán giả về tính trung thực của nhà sản xuất, về năng lực sản xuất của các hãng phim nhà nước. ranh cãi không cần thiết đã xảy ra và Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành đã phải lên tiếng rằng “Đất rừng phương Nam” không phải là phim Nhà nước đặt hàng sản xuất.

2. Tôi đồng ý với ý kiến của tác giả Thị Dân trong bài viết “Phim Đất rừng phương Nam – nghiêm khắc và công tâm” đăng trong chuyên mục NÓI THẲNG của tờ Người Lao động, rằng việc chọn tên phim có vẻ như một sự ăn theo.

“Đất rừng phương Nam” đã “đóng đinh” với cố nhà văn Đoàn Giỏi từ năm xuất bản (1957), ăn sâu vào tâm trí bao thế hệ. Bốn mươi năm sau, 1997, cái tên tiểu thuyết văn học này lần nữa khắc đậm vào tâm trí người đọc, người xem qua bộ phim truyền hình dài tập của TFS (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn), dù tựa đề có cải biến một chút: “Đất phương Nam”.

“Đất rừng phương Nam” bản điện ảnh 2023 của Nguyễn Quang Dũng mượn nguyên tên của tiểu thuyết văn học, trước đó nhà sản xuất phim này tuyên bố sẽ là tác phẩm điện ảnh được “remake” từ sáng tác gốc, nhưng thực tế, qua xem phim thì thấy nội dung đã được phóng tác khá nhiều (nghệ thuật mà!). Nói “lấy cảm hứng từ…” thật ra chỉ là cách nói chữa cháy. Một khi équipe làm phim đã đẩy “Đất rừng phương Nam” điện ảnh đi khá xa so với bản gốc văn học về nhiều mặt rồi, khiến “đất” và “rừng” chỉ còn là những thành tố phụ của tác phẩm mới thì mục đích của việc “mượn tên” này là gì?

Nếu là để “mượn gió nâng diều”, đánh bóng tên phim nhằm tạo viral tối đa, đem lại doanh thu cao nhất thì quả là không nên, cho dù luật không cấm. Nói rõ hơn, nếu bất chấp mọi giá để đặt tiêu đề theo cách “ăn theo” như thế, cốt vì mục tiêu tối thượng là lợi nhuận thì đó là một lựa chọn đáng chê. Xem phim và ngẫm, thấy nhiều cái tên có thể đặt, sát nội dung mà vẫn có sức dẫn dụ, chẳng hạn: “Phương Nam một thuở”…

3. Ê kíp làm phim đã thiếu cẩn trọng khi đưa những chi tiết có yếu tố lịch sử, chính trị vào phim “Đất rừng phương Nam”.

Đã có không ít ý kiến chỉ trích việc đưa băng đảng Nghĩa Hòa đoàn và Thiên Địa hội có nguồn gốc Trung Hoa vào tác phẩm, thể hiện là những tổ chức yêu nước, kháng Pháp, có công trong cuộc kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm của dân tộc ta, trong khi chính sử Việt Nam không ghi nhận điều này (?!).

Về cứ liệu lịch sử, để công chúng được biết kết luận chân xác nhất, Viện Lịch sử Việt Nam hoặc Hội Khoa học lịch sử TP HCM cũng nên sớm lên tiếng minh định.

Khi làm nghệ thuật, dù có quyền cường điệu, hư cấu, phóng tác cỡ nào đi nữa cũng không được phép làm sai biệt so với sự thật khách quan đã được chính sử kết luận.

Những sai sót (nếu có) phải sửa, thậm chí cắt bỏ, chứ không thể đổi tên là xong. Nói “sửa tên để tránh gây liên tưởng” chỉ thuyết phục được một nửa, một nửa còn lại là bản chất lịch sử – phải trả lại sự thật cho nó, vì đó là chuyện của cả một dân tộc và là trách nhiệm giáo dục truyền thống cho bao thế hệ tiếp nối, không thể xem nhẹ!

Theo dõi kỹ mạch phim, tôi thấy nếu như nhà làm phim vẫn cố đưa các hội kín mang tư tưởng đấu tranh, chống ngoại xâm và nạn cường hào ác bá vào phim thì đâu nhất thiết phải mượn những cái tên đã được “đóng đinh” trong sử (lại là chuyện mượn tên!). Xưng nhóm này, gọi hội kia – những cái tên hoàn toàn không có trong sử liệu – thì vẫn giữ được chất điện ảnh, vẫn toát lên được nét hào sảng, tinh thần mã thượng của dân Nam Kỳ lục tỉnh và hùng tâm tráng chí của các nghĩa quân cơ mà.

Và nữa, biên kịch và đạo diễn lại còn quá tham khi “bày” ra cảnh bé An thắp nhang quỳ bái sư (ông Tiều) để gia nhập Thiên Địa hội, hòa máu vào bát nước (chắc là để uống thề). Cậu bé mới 10 tuổi, vừa rời trường học chạy loạn cách đó không lâu, thì chưa đủ chất giang hồ để làm chuyện như vậy. Quả là gượng ép!

Những tiểu cảnh khiên cưỡng, không cần thiết, kiểu như trên, làm đậm thêm yếu tố bang hội người Hoa trong phim, gây tác dụng ngược. Nếu đưa vào trường học thì có thể sẽ phản giáo dục.

Chính sự thiếu cẩn trọng này đã khiến Ê kíp làm phim đã phải lên tiếng chỉnh sửa.

4. Về trách nhiệm thẩm định, duyệt phim.

Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với tác giả Thị Dân về vấn đề này. Đúng ra, Cục Điện ảnh là đơn vị “cầm cương”, phải thật công tâm và kỹ lưỡng khi thực hiện nhiệm vụ. Đã gọi là kiểm duyệt mà ngày 29/9 bảo đúng, tới 15/10 thì lại yêu cẩu phải sửa, là không được! Sửa ít hay nhiều, vì lý do gì, đều khó thuyết phục. Nói sửa “sau khi lắng nghe dư luận” thì hóa ra đơn vị kiểm duyệt giống người “đẽo cày giữa đường” sao? Sai sót do bất cẩn hay vì trình độ thẩm định chưa tới, cần phải dũng cảm nhận trách nhiệm và công khai điều này.

5. Tiếp thị

Một công ty khi có sản phẩm ra đời với mục đích thương mại thì việc tiếp thị là cần thiết. Tuy nhiên, tổ chức tiếp thị để lôi kéo khán giả nhằm tăng doanh thu như thế nào là cả một nghệ thuật. Nhà sản xuất đã rất tinh đời khi phát hiện ra rằng, học sinh, sinh viên hay các đơn vị có đông quân số là một lực lượng khán giả khổng lồ, mà nếu thông qua BGH nhà trường thì có khả năng sẽ lôi kéo được một lượng khán giả khổng lồ tới rạp và điều đó sẽ làm tăng doanh thu.

Dù không nói ra, nhưng, thông qua các thư ngỏ của loạt trường thì có thể khẳng định nhà sản xuất đã bắt tay với BGH các trường để thông qua đó huy động học sinh, sinh viên đi xem. Và để cho hợp tình, hợp lý thì việc xem phim sẽ được lồng ghép vào chương trình giáo dục của nhà trường với tên gọi là “Hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn cho học sinh bằng hình thức xem phim “Đất rừng phương Nam“.

Không khó để phát hiện ra chiêu thức này của nhà trường và nhà sản xuất phim. Vì một khi đã là giờ học theo phương pháp “Hoạt động trải nghiệm tích hợp liên môn cho học sinh bằng hình thức xem phim” thì bắt buộc học sinh phải tham gia và miễn phí, chứ không phải viết Thư ngỏ (nếu là thư ngỏ thì học sinh có quyền không đi). Ở đây nhà trường đã đề phòng phản ứng của dư luận nên mới viết thư ngỏ nhằm “bắt buộc” học sinh và sinh viên phải “tự nguyện” mua vé xem phim.

Nói chung, việc đưa phim ảnh vào nội dung giảng dạy của nhà trường phải cẩn trọng và phải tuân thủ các quy định của Bộ GD&ĐT về phương pháp giảng dạy tích hợp liên môn. Sẽ không thể đưa vào chương trình giảng dạy những nội dung mà chính bản thân các thầy cô chưa hề xem, chưa hề biết nó như thế nào, nhất là các nội dung có liên quan đến lịch sử dân tộc.

Theo tôi, cách tiếp thị này là không ổn, cả nhà sản xuất phim và nhà trường đều phải rút kinh nghiệm.

6. Việc trả lời báo chí, truyền thông của đạo diễn phim.

Khi hoàn thành một sản phẩm nghệ thuật, nhà sản xuất nên làm tốt truyền thông để có được sự ủng hộ của công chúng, đồng thời giải đáp các thắc mắc của dư luận.

Đạo diễn Quang Dũng đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên theo góc nhìn của anh về mốc thời gian, về yếu tố lịch sử, chính trị. Theo tôi là khá tốt với lời cảm ơn khán giả đã chỉ ra những hạn chế của phim. Tuy nhiên, đã xuất hiện mâu thuẫn trong phần trả lời câu hỏi về lịch sử.

Nhóm làm phim nói rằng, Đất rừng phương Nam là tác phẩm nghệ thuật nên đã được hư cấu, nên không gánh vác chức năng là tư liệu lịch sử. Tuy nhiên, trong Công văn xin phép ghi hình lại ghi đây là phim lịch sử. Rõ ràng ở đây đã có sự bất nhất giữa lời nói và văn bản. Đó là chưa kể đến việc nhóm sản xuất đã hư cấu lịch sử, hiện không được khán giả đồng tình. Cần minh định rằng, lịch sử có thể tùy vào góc nhìn, nhưng sự kiện gắn với mốc thời gian thì không thể hư cấu.

7. Với những người đánh giá về bộ phim.

Theo tôi, chúng ta không nên có thái độ cực đoan quá mức với bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào chỉ vì không thích một anh diễn viên hay đạo diễn nào đó, cũng không nên thổi phồng quá mức những hạt sạn hay trầm trọng hóa những yếu tố chính trị. Hãy nhớ đây chỉ là một phim truyện, đừng đặt quá nhiều sứ mệnh to tát lên đôi vai của một tác phẩm giải trí có thời lượng 120 phút. “Dìm hàng” như vậy là điều hoàn toàn không nên làm.

8. Thái độ của kẻ tự phụ

Một số người được cho là các chuyên gia, KOLs đã có những status có nội dung khiếm nhã, chê bai khán giả là “sở hữu trình độ thấp”, “tư duy nô lệ”, “tâm lý nhược tiểu”,… là không nên chút nào.

Trong khi đó, có một số người đã mượn câu chuyện dư luận phản ứng với Đất rừng phương Nam để nói rằng, các VNS đang bị trói buộc, “cầm tù”, “cấm cản”… khiến nghệ sĩ mất đi sự sáng tạo.

Xin nói thẳng, nhà nước không cấm mà còn khuyến kích sự sáng tạo của các nghệ sĩ, đầu tư rất lớn cho nghệ thuật. Tuy nhiên, do trình độ có hạn, trong khi đó cái tôi của những người này quá lớn, cộng thêm thói kiêu căng, tự phụ, coi mình như bố thiên hạ… dẫn đến chả có tác phẩm nào ra hồn.

Cuối cùng, một cách khách quan tôi thấy, dù còn điều ong tiếng ve, nhưng công bằng mà nói, ta vẫn thấy ở Đất rừng phương Nam nhiều điều thú vị.

P/s: Xin nhắc lại, đây là ý kiến cá nhân trên tinh thần xây dựng, không nhằm hạ bệ hay dìm hàng bộ phim Đất rừng phương Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *