Trường bắt giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh, thu không đủ hạ thi đua

Người xem: 566

Một số giáo viên tại Hà Nội cho biết, họ bị giao chỉ tiêu thu một số khoản tiền và bị hạ thi đua khi không thu đủ chi tiêu.

4 năm bị trừ điểm thi đua vì không thu được tiền từ phụ huynh

Như phóng viên Dân trí đã phản ánh trong bài viết “Giáo viên phải đi thu tiền: Mất uy với học trò, rủi ro khi trường lạm thu”, rất nhiều trường học hiện nay đẩy trách nhiệm thu phí cho giáo viên chủ nhiệm.

Đó là hệ lụy của thói quen cũ tồn tại nhiều thập kỷ, ngay cả khi hạ tầng công nghệ thông tin của các trường, đặc biệt là trường học ở đô thị, đủ khả năng dẹp bỏ tiền lệ này.

Giờ tiếng Anh của học sinh tiểu học huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang (Ảnh: Trường Marie Curie).

Cô H.T.V., giáo viên dạy cấp THCS tại Hà Nội, cho biết một trong những áp lực rất lớn khi làm công tác chủ nhiệm là chuyện thất thu. Thất thu là từ được các giáo viên dùng để chỉ trường hợp không thu được tiền học phí và các khoản phụ thu khác từ cha mẹ học sinh trong một năm học.

“15 năm đi làm thì có 4 năm thất thu. Năm 2015 bị thất thu một học sinh, 2017 một học sinh, 2020 một học sinh và 2022 một học sinh.

Áp lực thu tiền, áp lực thất thu thường trực. Không ai có thể biết trước năm học đó mình có bị thất thu hay không, trừ khi được chủ nhiệm lớp chọn, lớp mà phụ huynh có sự đồng đều về hiểu biết, khả năng kinh tế”, cô V. chia sẻ.

Tại sao thất thu khiến giáo viên áp lực? Một là liên tục phải nhắn tin, gọi điện, gửi thông báo thúc giục những trường hợp cha mẹ học sinh chậm nộp tiền. Hai là khi không thu đủ 100% học sinh, giáo viên bị nhà trường trừ điểm thi đua, đánh giá công tác chủ nhiệm. 

“Việc đầu tiên là báo cáo phụ huynh nộp chậm lên nhà trường. Nhưng báo cáo xong không có nghĩa là xong. Giáo viên phải tiếp tục “đòi tiền”, gửi giấy mời, đến tận nhà vận động phụ huynh. Họ không hợp tác, không nộp thì cũng phải chịu.

Cuối cùng phải bỏ tiền túi ra thanh toán với nhà trường nếu không muốn hạ thi đua, ảnh hưởng đến việc xét tăng lương, thăng hạng sau này”, cô V. tâm sự.

Cô P.H.M. cũng từng gặp trường hợp cha mẹ học sinh không đóng một khoản nào trong suốt năm học, kể cả học phí. Mặc dù có báo cáo về trường hợp đặc biệt, nhưng nhà trường không chấp nhận với bất kỳ lý do gì. Cô M. bị hạ bậc thi đua.

“Có giáo viên phải dùng tiền túi bù vào phần tiền phụ huynh chậm đóng để nộp đủ cho nhà trường khi đến hạn, nhưng sau đó không thu được tiền từ phụ huynh. Báo cáo thất thu lên nhà trường không được chấp nhận.

Thế là vừa mất tiền, vừa bị cấp trên nhắc nhở, khiển trách. Chúng tôi gọi đó là tai nạn nghề nghiệp”, cô M. ngậm ngùi.

Áp chỉ tiêu các khoản phụ thu cho giáo viên chủ nhiệm

Cô P.T.T.H., giáo viên tiểu học tại Hà Nội, cho biết, trường cô công tác thực hiện một đầu mối thu tiền ở phòng kế toán từ 10 năm trước. Tuy nhiên, khi cha mẹ học sinh nộp tiền chậm, không nộp tiền hay không đủ 100% học sinh tham gia đóng góp, giáo viên chủ nhiệm là người bị khiển trách.

“Nhất là việc đóng tiền bảo hiểm, cứ lớp nào học sinh chưa đóng đủ 100% là giáo viên chủ nhiệm bị nhắc nhở. Nếu phụ huynh nhất định không đóng, nhà trường sẽ gợi ý giáo viên đóng góp trên tinh thần tự nguyện để bù vào những suất còn thiếu, làm sao phải đạt chỉ tiêu 100% học sinh đóng bảo hiểm.

Đó là một chỉ tiêu kỳ lạ áp với giáo viên bên cạnh những chỉ tiêu về thành tích học tập, thi cử”, cô H. chia sẻ.

Không chỉ bảo hiểm, phóng viên Dân trí cũng tìm hiểu được nhiều khoản thu bị áp chỉ tiêu cho giáo viên chủ nhiệm như tỷ lệ học sinh tham gia chương trình liên kết, tỷ lệ học sinh mua sách giáo khoa, các khoản quyên góp vì người nghèo, đồng bào gặp thiên tai…

Giáo viên không đứng ra thu tiền nhưng phải chịu trách nhiệm vận động cha mẹ học sinh tham gia.

Trường hợp không đủ số lượng học sinh tham gia theo chỉ tiêu, giáo viên bị đánh giá làm không tốt công tác chủ nhiệm.

Thầy N.H.K., giáo viên THCS tại Hà Nội, khẳng định giáo viên không có trách nhiệm thu tiền từ cha mẹ học sinh, không có trách nhiệm với việc phụ huynh chậm đóng hay bỏ đóng các khoản phí. “Không có quy định nào về việc này”, thầy K. nhấn mạnh.

Thầy K. cho rằng giáo viên phải đảm trách việc thu tiền là lệ cũ, không còn phù hợp với bối cảnh xã hội, đồng thời gia tăng áp lực nghề nghiệp một cách vô lý.

“Công việc chuyên môn của giáo viên ngày càng nặng nề. Làm chủ nhiệm lớp, giáo viên phải kiêm nhiệm quản lý học sinh, quan tâm tới mọi vấn đề từ học hành, tâm lý, sức khỏe, các hành vi, các mối quan hệ tại trường lớp và ngoài trường lớp. Mỗi lớp có 40-45 học sinh, khối lượng công việc khổng lồ. 

Vậy mà giáo viên phải đi thu tiền của từng đó cha mẹ học sinh, làm công việc của nhân viên thu ngân kiêm giao dịch viên, đi “gõ cửa” từng gia đình, nhắc nhở thúc giục họ chuyện không liên quan tới chữ nghĩa, tri thức.

Chúng tôi cảm thấy mất đi sự tự tôn nghề nghiệp khi phải làm công việc đó”, thầy K. chia sẻ.

Cũng theo thầy K., trường dân lập từ lâu đã tách giáo viên ra khỏi công việc liên quan tài chính. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sổ liên lạc điện tử, ứng dụng thu tiền tự động…, trường công lập hoàn toàn có thể làm được nếu thực sự nghĩ cho giáo viên, đặt họ vào đúng nhiệm vụ chuyên môn là dạy học.

Nguồn: Hoàng Hồng/Báo Dân Trí

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *