Tự trọng của người làm quan là phải nhìn được những gì mình đã làm được cho nhân dân, cho doanh nghiệp, cho nhà nước.
Người Việt Nam thường có câu “sống phải có lòng tự trọng” để giáo dục, nhắc nhở lẫn nhau. Tuy nhiên, ở đâu đó trong xã hội hiện nay, chúng ta đang thấy lòng tự trọng có biểu hiện xuống cấp, đặc biệt là qua các vụ án xét xử quan chức tham nhũng vừa qua.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin. Không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng”. Tự trọng là việc mỗi người tự ý thức được những giá trị của bản thân mình đang ở đâu và như thế nào, tự trọng là tự mình phải coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự tu dưỡng và rèn dũa nó ngày càng tốt hơn, đẹp hơn. Mặt khác tự trọng còn là việc mỗi cá nhân biết bảo vệ mình, không cho người xúc phạm đến danh dự, uy tín của mình. Hơn ai hết người có lòng tự trọng là những người hiểu được giá trị của bản thân mình. Người có lòng tự trọng cũng là người luôn biết tôn trọng người khác, không bao giờ coi thường người khác và trong giao tiếp thì rất nhã nhặn, lịch sự với người xung quanh.
Người có lòng tự trọng luôn biết ý thức cẩn trọng trước lúc nói và làm, biết hổ thẹn vì những lỗi lầm bản thân, biết thoái lui khi không xứng đáng và luôn vươn lên trong nghịch cảnh. Để làm được điều đó mỗi người phải hết sức “liêm chính, chí công, vô tư”…Khác với những người hay tự ái, những người có lòng tự trọng lành mạnh, trong sáng có cái nhìn cân bằng và chính xác về bản thân mình. Vì thế không có lòng tự trọng hay lòng tự trọng thái quá, biến dạng, méo mó thì thật là vô dụng. Tôi khá tâm đắc câu nói “Mỗi người trong xã hội nên là một tấm gương, không chỉ vì sự tự trọng dành cho bản thân mà còn vì sự tôn trọng đến từ người khác” – Barry Bonds.
Quay trở lại vấn đề lòng tự trọng của người làm quan, trước hết bản thân họ cũng là một con người trong xã hội, vì vậy người làm quan cần có lòng tự trọng lành mạnh theo chuẩn mực xã hội. Nhưng ở họ cần có những yêu cầu cao hơn vì nhân dân, Đảng, Nhà nước trao cho họ quyền lực, ủy thác cho họ đại diện nhân dân để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc…đó là niềm vinh dự, tự hào, nhưng hơn bao giờ hết phải xác định đó là trách nhiệm nặng nề được tin tưởng giao phó. Lòng tự trọng ở đây là phải thể hiện được tính “chính danh, định phận” trong công tác. Nghĩa là phải làm đúng, làm tốt, phải tận tụy, công bằng và phải nhiệt huyết với công việc được phân công, đúng vị trí mình đảm nhận, nhân danh nhà nước thực thi đúng chức năng nhiệm vụ, không lạm quyền không tha hóa quyền lực.
Tự trọng của người làm quan là phải nhìn được những gì mình đã làm được cho nhân dân, cho doanh nghiệp, cho nhà nước. Khi thấy sai phải biết sửa chữa sai lầm, biết xin lỗi và biết khắc phục những điểm yếu của cá nhân mình, biết thoái lui khi thấy mình không còn xứng đáng, không tham quyền cố vị. Lòng tự trọng của người làm quan được biểu hiện sâu sắc trong vấn đề giao tiếp và ứng xử hành vi với nhân dân phải chuẩn mực, tôn trọng và giúp đỡ nhiệt tình, biết tạo ra thành quả cho nhân dân hưởng thụ… được nhân dân tôn trọng và tín nhiệm đó chính là lòng tự trọng lành mạnh của người cán bộ nói chung và người làm quan nói riêng. Ngạn ngữ Tây Ban Nha có câu: “Ngay cả khi trong túi hết tiền, cái mũ trên đầu anh cũng phải đội cho ngay ngắn”, cũng giống như câu tục ngữ ở Việt Nam “nghèo cho sạch, rách cho thơm” hàm ý rộng ra ở đây cho người làm quan dù có khó khăn, vất vả cũng không lấy đồng tiền, lợi lộc trước mắt mà làm khó nhân dân, để nhân dân chửi rủa và mất tôn trọng, thiếu niềm tin, mình phải là “ông quan” thanh liêm, gương mẫu, trong sáng, vì nhân dân phục vụ và cống hiến.
Người Nhật Bản, Hàn Quốc nổi tiếng là những người có lòng tự trọng và kỉ luật cao, điều đó đã khiến họ trở thành một quốc gia giàu có và hùng mạnh như ngày hôm nay. Bởi họ luôn có lòng tự trọng chuẩn mực, họ hy sinh cả cuộc đời cho khoa học, cho quản lý…và luôn giữ mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm với những lỗi lầm gây ra, không hám danh, hám lợi. Tôi còn nhớ nguyên cố thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chỉ vì mắc bệnh đau dạ dày, ông cảm nhận sức khỏe không đủ để đảm đương công việc nên ông đã viết đơn từ chức. Còn ở Việt Nam, đâu đó khi quan chức phạm tội thì cứ trình ra hết các loại bệnh tật tâm thần, rồi ung thư…nghĩ mà buồn và thất vọng cho những con người như thế, xin hỏi vậy lòng tự trọng ở đâu, còn có hay không. Hay như năm 2022, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc đã xin từ chức sau đề xuất cho trẻ học lớp 1 từ 5 tuổi bị phụ huynh và giáo viên phản đối. Bà Park Soon Ae đã cúi đầu xin lỗi sau khi thông báo từ chức… Tôi không có ý quá khen ngợi và so sánh, nhưng đó là biểu tượng của lòng tự trọng của người làm quan mà chúng ta cần học hỏi, nghiền ngẫm và hành động cho tốt hơn với bản thân mình, với người quanh ta.
Một thực tế đau lòng là thời gian qua, các vụ án tham nhũng có quy mô lớn và tính chất phức tạp xảy ra liên tục, trong đó nhiều cán bộ lãnh đạo là ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, Bí thư tỉnh đã nhúng chàm. Lòng tự trọng không có, họ không chiến thắng được sự cám dỗ của đồng tiền. Minh chứng điển hình gần đây nhất là vụ Việt Á, vụ giải cứu chuyến bay… ngay cả khi đứng trước tòa án chịu tội vẫn cố tình nói không biết nhận hàng chục tỷ đồng hối lộ là vi phạm… Nó cho thấy, lòng tự trọng, là liêm sĩ của quan chức không còn…Vì vậy hơn bao giờ hết cần xây dụng lòng tự trọng chuẩn mực, lành mạnh đối với tất cả mọi người và đặc biệt đối với hàng ngũ cán bộ thực thi quyền lực Nhà nước. Đó là văn hóa, là cốt cách căn bản đầu tiên của người làm quan.
Không có điều luật nào dành cho lòng tự trọng, không có chế tài nào của nhà nước ban hành với nó, nhưng lòng tự trọng nó lại có giá trị lớn lao trong cuộc sống hàng ngày. Vậy làm sao để nuôi dưỡng lòng tự trọng trong người làm quan. Thiết nghĩ để lòng tự trọng được nuôi dưỡng và nhân rộng cần có sự hành động của từng cá nhân trong cơ quan, từ những tổ chức mà tiêu biểu là người lãnh đạo đứng đầu trong cơ quan xây dựng nó như một văn hóa tinh thần cao cả. Đặc biệt trong suy nghĩ và hành động không được tiêu cực, tham ô, tham nhũng, luôn hướng tới tinh thần phục vụ, giúp đỡ và xây dựng. Mặt khác luôn phấn đấu học tập nâng cao kiến thức, đo lường kết quả, hiệu quả với chính bản thân mình thường xuyên để hành động tốt hơn hàng ngày. Bên cạnh đó cán bộ, đảng viên thông qua công việc và văn hóa ứng xử phải tạo dựng được niềm tin với nhân dân đó chính là lành mạnh hóa lòng tự trọng, là phẩm chất cần có đối với người cán bộ. Hơn nữa phải biết hài lòng với nhũng gì đang có, biết trao yêu thương, biết trách nhiệm trước nhân dân với việc mình làm, biết kính trọng, lễ phép trước nhân dân hàng ngày đó là nuôi dưỡng lòng tự trọng ngày càng đầy đặn hơn. Đặc biệt không tham quyền cố vị, biết nhận trách nhiệm trước nhân dân và biết nói lời xin lỗi và từ chức khi nhận thấy mình không còn xứng đáng, khi danh mình không còn chính. Hãy xây dựng, vun đắp lòng tự trọng lành mạnh hôm nay trong bộ máy công quyền để có một xã hội Việt Nam giàu mạnh và tươi đẹp, đó là điều nhân dân hàng ngày mong đợi.
Phan Văn Lâm/GDVN
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt