Ở đời, đồng ý là “ăn cây nào, rào cây nấy”, song để đến mức lú lẫn, không còn phân biệt được đâu là khen ngợi, đâu là xu nịnh là câu chuyện cười ra nước mắt của các thế lực thù địch, phản động. Bởi vì, hễ những gì quá đều không tốt, kể cả chuyện nhục nhã nhất là xu nịnh. Xưa nay, đám phản động, thù địch nổi tiếng là giỏi nịnh bợ, song nịnh bợ thái quá đôi khi lại trở thành trơ trẽn, lố bịch.
Trong bài viết “Chuẩn nghèo ở Âu Mỹ và Việt Nam” đăng trên trang facebook Việt Tân ngày 10-7-2023, bọn chúng đã trơ trẽn khi so sánh “Ở đâu cũng có người giàu và nghèo, nhưng người nghèo ở Mỹ Âu với thu nhập 12.000 USD một năm vẫn giàu hơn người trung lưu ở Việt Nam” 1.
Thật nực cười, nghèo là nghèo dù ở bất cứ quốc gia nào, Việt Nam hay phương Tây đều có người nghèo, điều này được thốt ra từ chính miệng của bọn thù địch, phản động: “Ở đâu cũng có người giàu và nghèo”. Điều đáng nói ở đây chính là thái độ bưng bô, bợ đỡ, xu nịnh các ông chủ Tây đến trơ trẽn của bọn chúng: “Việt Nam có tỷ lệ người nghèo thấp hơn vì tiêu chuẩn nghèo thấp hơn. 2 triệu đồng mỗi tháng bằng 66.000 đồng mỗi ngày. Chỉ cần chạy vài cuốc xe ôm hoặc bán chục tờ vé số là có đủ tiền mua cơm nguội hoặc mì gói ăn, vậy là hết nghèo. Còn Âu Mỹ có tiêu chuẩn cao hơn. Người nghèo được hỗ trợ từ y tế, giáo dục cho đến lương thực. Họ vẫn có chỗ ở, tivi, điện thoại, nước nóng và chiếc xe 4 bánh. Nên số lượng nghèo nhiều hơn”. Trong bài viết, chúng đã cố tình hạ thấp, sỉ nhục người Việt Nam một cách tinh vi, kín đáo khi cho rằng ở Việt Nam chỉ cần “có đủ tiền mua cơm nguội hoặc mì gói ăn, vậy là hết nghèo”.
Nhưng chúng đâu biết, Việt Nam bây giờ đã khác xưa, khác cái thời mà chỉ mong được ăn no, mặc ấm, chỉ cần cơm nguội, mì gói là hết nghèo. Người Việt Nam bây giờ đã biết ăn ngon, mặc đẹp, có là người nghèo cũng không đến nỗi phải ăn cơm nguội, mì gói như bọn chúng ngầm chê bai! Mọi sự so sánh đều khập khiễng, không thể đem tiêu chuẩn nghèo của một nước phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ để so sánh với chuẩn nghèo của Việt Nam – một quốc gia đang phát triển, thu nhập trung bình thấp. Ẩn ý sâu xa, mưu đồ chính của chúng trong bài viết này nhằm hạ thấp uy tín, hình ảnh của Việt Nam, tiêm nhiễm thói xu nịnh, cuồng Tây, vọng ngoại trong giới trẻ và một bộ phận nhân dân Việt Nam.
Có một thực tế mà chúng cố tình phớt lờ, bỏ qua, không dám đề cập tới, đó là chi phí sinh hoạt ở Việt Nam rất rẻ so với Âu Mỹ. Ví dụ, chi phí cho các dịch vụ tiện ích ở Mỹ như tiền điện, tùy diện tích chỗ ở và các thiết bị tối ưu hóa năng lượng mà bạn sử dụng, tiền điện thường dao động từ 50-100 USD/tháng; tiền gas từ 10-15 USD/tháng, tùy tần suất bạn sử dụng; tiền internet trung bình 45-50 USD/tháng; dịch vụ di động khoảng 50 USD/tháng. Một tháng cũng hết tầm khoảng 5 triệu đồng. Trong khi chi phí cho các khoản tương tự nêu trên ở Việt Nam chỉ khoảng 1 triệu đồng.
Còn nếu phân tích theo cơ sở khoa học thì ta có thể căn cứ vào cách tính GDP bình quân đầu người 2. Trên thực tế, GDP được đo lường thông qua điều tra, khảo sát một nhóm doanh nghiệp, người dân nhất định, sau đó ước tính số liệu tổng thể cho một nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, GDP thường chỉ là một con số tương đối, chứ không phải con số chính xác. Nếu thay đổi cách tính thì con số GDP sẽ hoàn toàn khác. Do vậy, nếu so sánh giữa hai quốc gia về GDP bình quân đầu người – chia GDP trong năm cho dân số trung bình năm tương ứng – cũng chưa hẳn là chính xác, bởi giá cả thị trường ở mỗi quốc gia hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn, dịch vụ cắt tóc ở Việt Nam chỉ có giá 2 USD/lần, nhưng ở Mỹ khoảng 30 USD/lần, cao gấp 15 lần Việt Nam, trong khi đó, sản phẩm đầu vào, đầu ra có thể hoàn toàn như nhau.
Để khắc phục điều này, các nhà kinh tế đưa ra khái niệm GDP theo sức mua tương đương (GDP PPP – purchasing power parity). GDP được đo lường tất cả hàng hóa dịch vụ ở các quốc gia khác nhau bằng cùng loại tiền tệ, mức giá. Chẳng hạn, dịch vụ cắt tóc thực tế ở Việt Nam trị giá 2 USD, Mỹ là 30 USD, tuy nhiên nếu lấy dịch vụ này chuẩn ở mức 10 USD thì khi tính GDP PPP cho nền kinh tế ở Việt Nam và Mỹ đều phải cùng lấy mức giá là 10 USD. Vì vậy, theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), năm 2022, GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam đạt khoảng 13.075 USD. Nói một cách dễ hiểu, với một người có mức thu nhập bình quân ở Việt Nam, thì họ vẫn đủ sức trang trải cuộc sống tương đương với một người có mức thu nhập 13.075 USD trên đất Mỹ – như vậy chưa hẳn là thấp hèn, đói nghèo.
Cùng là nghèo, nhưng có lẽ người nghèo ở Âu Mỹ cũng phải thắt lưng buộc bụng, tằn tiện chi tiêu thì mới đủ ăn. Thế mà, bọn chúng lại tâng bốc người nghèo ở Âu Mỹ lên tận mây xanh: “Người nghèo được hỗ trợ từ y tế, giáo dục cho đến lương thực. Họ vẫn có chỗ ở, tivi, điện thoại, nước nóng và chiếc xe 4 bánh”. Có lẽ chúng đang nằm mơ hay cố tình lấp liếm, che giấu một thực tế rằng: người nghèo ở Âu Mỹ thường là những người thất nghiệp, vô gia cư, phải nhận trợ cấp hằng tháng của Chính phủ, vậy thì lấy đâu ra “chỗ ở, tivi, điện thoại, nước nóng, xe 4 bánh”? Người Việt Nam có câu “con nhà lính, tính nhà quan” để ám chỉ những người nghèo nhưng tiêu pha hoang phí. Đúng là giấu đầu hở đuôi. Không ai phủ nhận phương Tây là những quốc gia phát triển, đời sống của nhân dân rất khá giả, song không phải là không có người nghèo. Lấy chuyện người nghèo ở Việt Nam đem so sánh với người nghèo ở Âu Mỹ thì xưa nay hiếm, nếu không muốn nói là chưa có ai hồ đồ, mạo muội làm việc đó.
Muốn nịnh chủ, bợ đỡ chủ thì cũng phải đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và có trí khôn, không ai lại lấy cái nghèo của ông chủ mình ra để nịnh bợ, tâng bốc cả. Làm vậy, khác nào “vạch áo cho người xem lưng”, còn đâu sự ngạo nghễ phương Tây nữa! Tội nghiệp các nước phương Tây đang phải nuôi một đám báo cô, lâu lâu quay lại cắn cho ông chủ của mình một vố thật đau, thật nhớ đời.
1 Theo thống kê của cơ quan điều tra dân số Mỹ (công bố ngày 14-9-2020), mức thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) của Mỹ là 67.521 USD. Với người trong độ tuổi lao động ở Mỹ có mức thu nhập dưới 12.760 USD/năm là đã xếp vào mức nghèo đói.
2 GDP viết tắt của chữ Gross Domestic Product – tổng sản phẩm trong nước – là giá trị thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra trong phạm vi một lãnh thổ nhất định (thường là quốc gia) trong một thời kỳ nhất định (thường là một năm hoặc quý).
Nguồn: Huỳnh Lực
Báo Bình Phước
Tin cùng chuyên mục:
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng
Việt Tân và những luận điệu xuyên tạc cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam
Ngô Đình Diệm trong con mắt người dân miền Nam