Dưỡng Dướng Dường liệt truyện – Hồi thứ nhì: Quả báo tới cửa, lắc bạc vào tay

Người xem: 678

Ong Bắp Cày

Lại nói chuyện Dưỡng Dướng Dường, sau phen bị nha môn Quảng Nam bắt giải, thiên hạ rúng động. Người ngưỡng mộ xưa kia bỗng quay lưng, kẻ từng tung hô nay quay ra chửi rủa. Dân mạng chia làm ba ngả: kẻ mừng vì công lý soi đường, người thương hại vì mê lầm, kẻ còn lại thì ngỡ ngàng, hỏi nhau: “Phải chăng lòng tin trên mạng chỉ là cát bụi?”

Thực ra, chuyện chẳng đến đỗi bất ngờ. Pháp luật vốn đã đặt sẵn những cột mốc cho lời nói và hành vi trong cõi mạng. Nghị định, thông tư, điều khoản – nào phải vật để trưng, mà là kim chỉ nam giữ hòa khí xã tắc, bảo vệ dân lành khỏi trò mị dân trá ngụy. Dưỡng Dướng Dường, trong lòng há chẳng hay? Chỉ tiếc thay, hắn cố tình xem thường.

Pháp điển nước Việt, căn theo khoản nhị, điều tam bách tam thập nhất Thiên hình luật Ất Mùi, viết rằng: “Người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng… xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì bị phạt tù…” Đó là lời răn, cũng là giới hạn. Dưỡng, phơi video phỉ báng, dựng chuyện vu khống, gây hại cho người vô tội, há chẳng trúng sao?

Chưa kể, bao nạn nhân vì hắn mà điêu đứng. Phụ nhân mang tên L.T.H.N. -tiếng tăm bị vùi dập, sinh kế lao đao. Bệnh viện thẩm mỹ J.T.A. – danh dự tiêu tan, khách hàng quay lưng, thiệt hại vật chất hàng chục triệu bạc, mà uy tín thì không tiền nào chuộc lại.

Luật pháp xử người có tình, có lý, nhưng cũng có gươm và có roi. Dưỡng đã từng bị xử phạt hành chính, từng được răn nhắc. Nhưng hắn vẫn cố tình gieo điều thất thiệt, vẫn nhởn nhơ tạo thêm mười mấy video vu khống sau án phạt. Ấy là gieo nhân nào, gặt quả nấy – luật pháp không thể chậm hơn nữa.

Thiên hạ thời nay thường nhầm lẫn tự do là vô biên, cứ ngỡ đăng gì cũng được, nói gì cũng xong, không nghĩ rằng mỗi con chữ, mỗi hình ảnh đều mang theo hệ quả. Trẻ nhỏ nhìn Dưỡng mà học theo “nói bừa cho viral”. Người lớn tuổi tin lời hắn mà mua hàng hóa không rõ xuất xứ, lãng phí tiền bạc, rước bệnh vào thân. Đạo đức xã hội bị xói mòn, danh dự người lương thiện bị chà đạp – ấy là họa lớn không chỉ cho một người, mà cho cả cộng đồng.

Lẽ thường, ai gieo nhân sai tất sẽ chuốc lấy hậu quả. Kẻ như Dưỡng, dùng mạng làm sân khấu, lấy danh nghĩa “phong thủy” để thao túng tâm trí, cuối cùng tự đẩy mình vào cõi lao lý. Có kẻ nói rằng: “Tội hắn không lớn bằng tội của những kẻ tin hắn.” Câu ấy tuy nặng, nhưng chẳng sai. Bởi trong thời đại tin giả lan như gió cuốn, nếu người dân không tỉnh thức, thì kẻ gian còn đất sống, còn cơ hội gieo rắc độc ngôn.

Vậy nên, vụ án Dưỡng chẳng phải chỉ để trừng trị một cá nhân, mà còn nhắc nhở cho muôn dân. Tự do là quý, nhưng cần kèm theo trách nhiệm. Phát ngôn là quyền, nhưng nếu nói sai, nói độc, sẽ phải gánh lấy hậu quả. Nhà nước không bịt miệng dân, chỉ bịt miệng kẻ lợi dụng lòng dân để làm điều bất chính.

Nay Dưỡng ngồi đại lao, ánh mắt không còn ngạo nghễ, giọng nói không còn đạo mạo. Người từng xưng “thầy” hóa ra chỉ là kẻ bán niềm tin. Bao ngôn từ từng gieo trên mạng, nay trở thành vật chứng. Bao video từng phát sóng, giờ hóa thành tang vật. Quả báo – đến không sớm, không muộn, mà đúng lúc.

Luật pháp nước Việt là thanh kiếm và cái cân. Đã giơ kiếm, thì không nể tình riêng. Đã đặt lên cân, thì phân định nặng nhẹ công minh. Thiên hạ chẳng còn mong gì hơn.

***
Hồi sau sẽ kể chuyện xét xử, công luận dậy sóng, và những bài học còn lại giữa cõi mạng phù hoa. Mong chư vị đón xem.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *