Tiếp tục phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”, sau phần HĐXX và đại diện Viện Kiểm sát xét hỏi, sáng ngày 14/7, Luật sư đã xét hỏi bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.
Kiên là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng trong số 21 bị cáo bị truy tố tội “Nhận hối lộ” theo khoản 4, Điều 354 Bộ Luật Hình sự.
Luật sư có viện dẫn bút lục ghi nhận Kiên đã từng đi điều trị bệnh lý liên quan đến tâm thần trong giai đoạn năm 2022.
Theo khai nhận của Phạm Trung Kiên, vào đầu năm 2022, bị cáo này từng bị mắc Covid-19 với thể trạng nặng cộng với lo sợ về việc hành vi bại lộ nên xuất hiện bệnh lý về tâm thần.
“Tôi bị nhiễm Covid-19 thể rất nặng phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và phải nằm viện thời gian dài. Hơn nửa trong thời gian mắc bệnh, vụ án đang được điều tra, khởi tố nên bị cáo rất lo lắng, nhất là khi tìm hiểu quy định của pháp luật thì biết tội nhận hối lộ với số tiền như tôi thì có mức hình phạt rất cao từ 20 năm, tù chung thân đến tử hình.
Tôi rất hoang mang lo lắng, nhiều khi chỉ muốn chết để nhẹ đầu. Do đó phải đi điều trị rối loạn tâm thần ở bệnh viện”, Kiên nói.
Liên quan đến việc nhận tiền của nhiều doanh nghiệp, về phần mình, Phạm Trung Kiên tiếp tục bác bỏ việc ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền phải đưa tiền cho mình nhất là việc quy định về số tiền cụ thể phải đưa.
“Các doanh nghiệp chủ động tìm đến, tự đưa ra mức chi. Cũng có những doanh nghiệp hỏi thì bị cáo có nói: Chi cho các Bộ khác như thế nào thì mình nhận như thế. Bị cáo hoàn toàn không chủ động ép buộc doanh nghiệp nào”, Kiên giải thích về việc nhận hơn 42,6 tỷ đồng.
Trái ngược, nhiều doanh nghiệp đều khẳng định có việc Kiên chủ động liên hệ yêu cầu đưa tiền và đưa ra mức chi cụ thể.
Điển hình như bị cáo Đào Minh Dương – Chủ tịch Công ty Vijasun, khai nhận ngay trước đó Phạm Trung Kiên đã chủ động ép buộc bị cáo và nhiều doanh nghiệp khác đưa tiền. Theo đó, Đào Minh Dương gặp Phạm Trung Kiên lần đầu vào tháng 9/2021 khi được Samsung và LG nhờ đến Bộ Y tế xin tiêm vắc xin cho công nhân làm việc.
“Tôi nhớ từng chi tiết, bị cáo Kiên quát bị cáo Lê Hồng Sơn ngay tại một phòng họp của Bộ Y tế, và dù không phải là quát thì cũng là nói to gấp rưỡi, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Sơn nói như vậy cao, xin giảm còn 100 triệu đồng/chuyến. Nhưng Kiên vẫn kiên quyết đòi 150 triệu đồng/chuyến, đưa cho Kiên hay Vũ Anh Tuấn ở Cục Xuất nhập cảnh cũng được”, Dương khai.
Sau đó để được cấp phép 17 chuyến bay, Dương đã bị Phạm Trung Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến, phải chuyển tiền trước khi cấp phép.
“Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa. Cứ 8h sáng, khi tôi đến thang máy tòa nhà Lotte là Kiên gọi điện liên tục để đòi tiền. Khi đó đang dịch Covid -19, cấm nghe điện thoại trong thang máy nhưng Kiên gọi liên tục, tôi không nghe. Sau đó tôi yêu cầu nhân viên gọi lại cho Kiên để xem cần gì. Nhân viên báo lại anh Kiên muốn gặp anh và Kiên lại đòi tiền. Anh ta gửi ảnh văn bản chấp thuận cấp phép chuyến bay có chữ ký của Thứ trưởng Bộ Y tế và nói: Chuyển tiền thì có dấu”, bị cáo Dương khai.
Nguồn Lê Mạnh Quốc
Người Đưa tin
Tin cùng chuyên mục:
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả
Chiến công xuất sắc của công an Hà Nội: Triệt phá đường dây mua bán thận qua mạng xã hội