Hãng thông tấn TASS (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 10/7 cho biết “Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có quyền phát triển quan hệ với Ukraine, nhưng Moskva hy vọng họ sẽ không nhằm vào Moskva”.
Phát biểu với giới phóng viên khi được hỏi về các động thái của Ankara cho phép các chỉ huy của tiểu đoàn Azov (bị coi là một tổ chức khủng bố ở Nga) tới Kiev và khởi động việc sản xuất máy bay không người lái Bayraktar ở Ukraine, ông Peskov nói: “Chắc chắn, là một quốc gia hiện đại, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có quyền phát triển quan hệ với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Ukraine. Nhưng, là đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi hy vọng rằng mối quan hệ đó sẽ không nhằm chống lại chúng tôi”.
Người phát ngôn của Tổng thống Nga mô tả quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ là “khá gần gũi, đã phát triển, nhiều mặt và cùng có lợi”. Tuy nhiên, “có một số lĩnh vực mà chúng tôi có sự khác biệt”, ông Peskov nói thêm.
Tổng thống Ukraine Zelensky hôm 8/7 cho biết ông đã trở lại Kiev cùng với 5 chỉ huy của tiểu đoàn Azov, bất chấp sự phản đối từ Moskva. Trước đó, ông Zelensky đã gặp nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Vấn đề này cũng nằm trong số các chủ đề mà Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã thảo luận qua điện thoại ngày 9/7. Theo Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov và ông Fidan đã nhắc lại tầm quan trọng của việc củng cố lòng tin trong quan hệ giữa hai nước.
Hai nhà ngoại giao cũng đã thảo luận về tình hình mới nhất xung quanh Ukraine và triển vọng nỗ lực hơn nữa nhằm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, Bộ Ngoại giao Nga đưa tin.
Bình luận về các sự kiện trên, tờ Vedomosti (Nga) dẫn lời Ikbal Durre, Phó Giáo sư tại Đại học Ngoại ngữ Moskva cho biết ông Erdogan dường như đã có một cử chỉ thiện chí đối với phương Tây bằng cách trao trả tù binh Ukraine cho Kiev, những người đã bị Thổ Nhĩ Kỳ giam giữ theo thỏa thuận với Nga sau khi lực lượng kháng cự Ukraine ở Mariupol thất thủ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Durre hy vọng rằng động thái này không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong quan hệ của Ankara với Moskva bởi ông Erdogan có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng giữa các cường quốc. Theo chuyên gia này, Ankara sẽ giữ vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột ở Ukraine, lưu ý nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không muốn đánh mất vai trò này vì nó củng cố vị thế đàm phán của ông.
Về thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, Viktor Nadein-Rayevsky, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhấn mạnh, bất kể ông Erdogan có thể đưa ra quyết định gì trong cuộc gặp với Tổng thống Zelensky, phía Nga có đủ cơ sở để từ chối gia hạn thêm thỏa thuận này.
“Phương Tây vẫn từ chối đáp ứng ít nhất một số điều kiện của Nga. Ngân hàng Nông nghiệp Nga vẫn đang bị trừng phạt và không thể phục vụ hàng xuất khẩu của Nga. Vẫn còn vấn đề về bảo hiểm cho các tàu thương mại vận chuyển lúa mì của Nga. Việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc là vô nghĩa trừ khi các hạn chế đối với thương mại của Nga được dỡ bỏ”, chuyên gia chỉ ra, đồng thời kết luận rằng cho đến gần đây, Nga vẫn sẵn sàng nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ về một số vấn đề kinh tế và chính trị.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo TASS/Vedomosti)
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố