Giá đắt cho nhiều đêm biểu tình đốt phá nước Pháp

Người xem: 163

Các cuộc bạo loạn đang diễn ra đúng vào thời điểm không thể tồi tệ hơn với một đất nước đang chìm trong nợ nần. Và lần này, Tổng thống Macron khó lòng xoa dịu những người dân phẫn nộ thông qua những gói kích thích kinh tế như hồi năm 2019.

Pháp đang phải đối mặt với nhiều ngày bạo loạn và tàn phá sau các cuộc biểu tình về cái chết của thiếu niên 17 tuổi Nahel Merzouk. Ảnh: REUTERS

Thế giới vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến các cuộc bạo loạn được cho là tồi tệ nhất mà nước Pháp từng chứng kiến ​​kể từ năm 2005. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là bom xăng và chai cháy sẽ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế hàng đầu của châu Âu.
 
Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ nước này, vào lúc cao điểm, 1.500 chiếc ô tô đã bị đốt cháy mỗi đêm. Ngay cả vào ngày Chủ nhật được đánh giá là “yên tĩnh hơn” vào cuối tuần qua, con số đó vẫn lên tới hàng trăm. Ước tính có khoảng 500 tòa nhà đã bị đốt phá vào đêm bạo loạn thứ 5 liên tiếp đó.
 
Đánh giá ban đầu từ các công ty bảo hiểm cho thấy thiệt hại có thể lên tới 100 triệu euro. Nhưng tất nhiên, con số chi phí cuối cùng sẽ còn cao hơn nhiều, khi các cửa hàng đã phải đóng cửa trong dịp cuối tuần vốn đông khách, đặc biệt là ở khu vực đại lộ Champs-Élysées. Lệnh giới nghiêm ban đêm và hạn chế đi lại đã gây thiệt hại đáng kể cho hoạt động kinh doanh nhà hàng, vốn mang lại nguồn thu lớn cho nền kinh tế, khi Pháp là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, nơi du lịch chiếm 10% GDP.
 
Trong quá khứ, các chính phủ Pháp đã phải xoa dịu những cuộc bạo lực dân sự bằng cách tăng chi tiêu công. Sau 3 tuần bạo loạn vào năm 2005, Tổng thống Pháp lúc bấy giờ Nicolas Sarkozy đã hứa hẹn về một “Kế hoạch Marshall” cho các vùng ngoại ô thiếu thốn, với hàng tỷ đô la được cam kết cho đầu tư nhà ở và cơ sở hạ tầng giao thông.
 
Sau các cuộc biểu tình “Áo vàng” vào năm 2019, Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron đã cắt giảm thuế nhiên liệu và tăng cường trợ cấp để “mua chuộc” những người biểu tình chủ yếu ở nông thôn. Trong những ngày tới, điều tương tự có thể xảy ra với việc Chính phủ đưa ra một số cam kết chi tiêu lớn để làm dịu cuộc khủng hoảng – được chỉ ra là hệ quả của sự bất bình đẳng sâu sắc trong xã hội Pháp.
 
Vấn đề là, nước Pháp lúc này không dư giả để Chính phủ thoải mái rút hầu bao. Tổng tỷ lệ nợ trên GDP của Pháp đã đạt 112% GDP, so với 100% ở Anh và 67% ở Đức. Hơn nữa, tình trạng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong phần còn lại của thập kỷ. Thâm hụt ngân sách sẽ đạt 4,7% GDP trong năm nay, ngay cả khi nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch và dự kiến ​​sẽ đạt 4,4% GDP vào năm tới.
 
Pháp đang chứng kiến mức thâm hụt ngân sách lớn nhất trong số các nước phát triển. Chi tiêu của nhà nước đã tiêu tốn gần 60% GDP, và với tỷ lệ thuế trên GDP là 45%. Pháp đứng thứ 2 trong số các quốc gia OECD về số tiền Chính phủ đã “vắt” khỏi nền kinh tế.
 
Khó có cơ hội để tăng thuế, cũng như không thể hy vọng vay nhiều hơn nữa, Pháp hiện đã vượt qua Italia để trở thành con nợ quốc gia lớn thứ 3 thế giới – được đo bằng số tiền nợ thay vì tỷ lệ phần trăm sản lượng – chỉ xếp sau các nền kinh tế lớn hơn nhiều là Mỹ và Nhật Bản.
 
Các cơ quan xếp hạng cũng đã tỏ ra lo lắng về mức nợ đang tăng lên của Pháp. Hồi tháng 5 năm nay, Fitch đã hạ bậc nợ của Pháp xuống mức AA-.
 
“Bế tắc chính trị và các phong trào xã hội (đôi khi bạo lực) gây rủi ro cho chương trình cải cách của Tổng thống Macron và có thể tạo ra áp lực đối với một chính sách tài khóa mở rộng hơn, hoặc đảo ngược các cải cách trước đó” – cơ quan này lưu ý khi đưa ra phán quyết hạ bậc nói trên.
 
Tổng thống Macron gần đây cũng đã phải đương đầu với một làn sóng biểu tình khác trong nỗ lực thực hiện cải cách lương hưu bằng cách bỏ qua sự cho phép của Quốc hội với sắc lệnh đặc biệt.
 
Với bối cảnh tình hình tài chính năm 2023, Tổng thống Pháp khó có điều kiện để dập tắt biểu tình bằng chi tiêu bổ sung. Thậm chí, ông Macron còn đang dự định sẽ cắt giảm chi tiêu trong vài năm tới để cố gắng giảm bớt nợ, đồng thời đưa ngân sách trở lại trạng thái cân bằng.
 
Diễn biến này được cho sẽ lại làm trầm trọng hơn các vấn đề còn tồn tại ở những khu vực kém phát triển nhất của Pháp, tạo nên một vòng luẩn quẩn đói nghèo – bạo lực.
 
theo Kinh tê & Đô thị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *