Hôm 1-7, CNN đưa tin, lửa cháy khắp các địa điểm biểu tình ở Pháp và hơn 1.300 người bị giam giữ khi các cuộc biểu tình bạo lực xuất phát từ một thiếu niên 17 tuổi bị bắn chết.
Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra vào rạng sáng 1-7 bất chấp lệnh cấm được công bố một ngày trước đó đối với tất cả “các sự kiện quy mô lớn” trong nước.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết hôm 1-7 rằng, 1.311 người đã bị giam giữ sau đêm bạo lực thứ tư. 2.560 vụ cháy đã được báo cáo trên các con đường công cộng, với 1.350 chiếc ô tô bị đốt cháy và đã có 234 sự cố hư hỏng hoặc hỏa hoạn trong các tòa nhà.
79 cảnh sát và hiến binh đã bị thương trong suốt đêm 30-6 khi cố ngăn chặn bạo động và có 58 vụ tấn công vào các đồn cảnh sát và hiến binh.
Bộ Nội vụ thông tin, hai sĩ quan cảnh sát bị thương do đạn bắn ở Vaulx-en-Velin, ngoại ô Lyon.
Các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, bạo động diễn ra ở Lyon với tiếng súng nổ được nghe thấy cùng những người biểu tình bên cạnh những ngọn lửa đang cháy.
Bạo lực vẫn tiếp diễn mặc dù cảnh sát Pháp đã triển khai 45.000 sĩ quan, đơn vị đặc biệt, xe bọc thép và máy bay trực thăng trên khắp đất nước vào ngày 30-6.
Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin, trước đó đã nói với BFMTV rằng, bạo lực đã trở nên “ít dữ dội hơn” và tình hình ở khu vực Paris đã lắng dịu hơn, mặc dù ông nói rằng mọi thứ vẫn căng thẳng ở Marseille và Lyon.
Darmanin nói, quân tiếp viện sẽ được gửi đến Marseille sau các báo cáo của thị trưởng địa phương về bạo lực và cướp bóc.
Thị trưởng Marseille Benoit Payan gọi những cảnh bạo động là “không thể chấp nhận được” và kêu gọi chính quyền trung ương “ngay lập tức gửi thêm lực lượng thực thi pháp luật” đến địa phương.
Đêm hôm trước, 917 người đã bị giam giữ, trong số đó có trẻ em 13 tuổi, Darmanin nói với kênh truyền hình Pháp TF1.
Dựa trên những con số do Bộ Nội vụ Pháp công bố, CNN ước tính rằng hơn 2.000 người biểu tình đã bị giam giữ và khoảng 522 sĩ quan cảnh sát và hiến binh bị thương kể từ khi tình trạng bất ổn nổ ra lần đầu tiên vào đầu tuần.
Tình trạng bất ổn ở Pháp là phản ứng sau cái chết của Nahel, 17 tuổi, người bị bắn chết khi bị cảnh sát chặn xe ở ngoại ô Nanterre của Paris vào đầu tuần.
Đoạn phim về vụ việc do một người ngoài cuộc quay lại cho thấy hai sĩ quan đứng ở phía người lái xe ô tô, một trong số họ đã bắn súng vào người lái xe.
Công tố viên Pascal Prache của thành phố Nanterre cho biết, cảnh sát nói rằng nổ súng vì sợ rằng tài xế sẽ cán phải ai đó bằng ô tô.
Bất chấp những lời kêu gọi từ các quan chức hàng đầu về sự kiên nhẫn để cho phép hệ thống tư pháp có thời gian vận hành, một số lượng lớn người dân trên khắp nước Pháp vẫn bị sốc và tức giận, đặc biệt là những thanh niên và phụ nữ da màu từng là nạn nhân của sự phân biệt đối xử. Nahel là người gốc Algeria.
Darmanin đã nói rằng, cái chết của Nahel “không thể biện minh cho tình trạng hỗn loạn và phạm pháp”, trong khi Bộ trưởng Tư pháp Pháp Éric Dupond-Moretti kêu gọi “các biện pháp trừng phạt kiên quyết” đối với những kẻ bạo loạn và nói rằng “công lý không đạt được bằng cách cướp bóc, đập phá các cơ sở công cộng và tấn công người dân”.
Mức độ bất ổn và bạo loạn này là chưa từng thấy ở Pháp kể từ năm 2005 nhưng chính phủ Pháp cho đến nay vẫn phản đối việc ban hành tình trạng khẩn cấp trong thời gian này.
Người phát ngôn của Điện Elysée cho biết, tình trạng khẩn cấp là “không cần thiết” và “phản ứng dần dần” đối với bạo lực xảy ra trong những ngày gần đây là “thích hợp hơn”.
“Đây không phải là cuộc nổi dậy của các khu phố. Đây không phải là về các khu dân cư bị tước quyền. Đây là hành động của một thiểu số phạm pháp” – người phát ngôn nói, phủ nhận có bất kỳ động cơ chủng tộc nào đằng sau vụ nổ súng và nhấn mạnh rằng đó là một “hành động cá nhân” không đại diện cho cảnh sát nói chung.
Anh Duy
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố