Chỉ trích nhà văn Hiền Trang: Tiếp cận một chiều hay góc nhìn phiến diện?

Người xem: 163

Sau buổi giao lưu thân tình với bạn đọc TPHCM, nhà văn trẻ Hiền Trang bị chỉ trích và tấn công cá nhân với những từ ngữ thiếu văn hoá.

 
Chiều ngày 5/6, nhà văn trẻ Hiền Trang đã phải lên tiếng vì vụ việc liên quan đến cô đang bị cộng đồng mạng đẩy đi quá xa. “Tôi nói ra đây không phải là nói cho mình, mà vì tôi là một phụ nữ. Không phải vì tôi là nạn nhân của những lời lẽ quấy rối, mà vì có rất nhiều người là nạn nhân của điều đó, trong đó có tôi” – nhà văn Hiền Trang viết trên trang cá nhân.
 
Cụ thể sự việc, sau buổi giao lưu, trò chuyện cùng bạn đọc TPHCM vào sáng ngày 3/6, Hiền Trang bị chỉ trích vì một trong những ý được cho là phát ngôn của cô: “Nhà văn phải là những người mà tỉ phú như Elon Musk muốn cùng ăn tối”.
 
Ý nghĩa thật sự của điều mà Hiền Trang muốn nói trong ngữ cảnh của buổi giao lưu, bất kỳ ai có mặt trong buổi giao lưu cũng đều hiểu rằng nhà văn có thể không giàu vật chất, nhưng là những người tạo ra giá trị nghệ thuật, giá trị tư tưởng và có khả năng/có tầm ảnh hưởng lớn.
Nhà văn Hiền Trang (giữa) tại buổi giao lưu. Ảnh: Phanbook

 

Thế nhưng, ngay sau đó, nữ nhà văn nhận được rất nhiều bình luận mang tính tấn công, cười cợt rất khiếm nhã, diễn dịch ý cô theo chiều hướng dung tục, từ những người không có mặt.
 
Sự việc bị đẩy đi xa và ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của nhà văn đến mức Phanbook – đơn vị tổ chức sự kiện phải lên tiếng. “Chủ quan nhìn lại, chúng tôi nhận thấy sự kiện này đã đáp ứng được những mong muốn cơ bản: giới thiệu những giá trị chính yếu của hai tác phẩm Dưới mái hiên đêm những khách lạ và Tại sao ta yêu…(của tác giả Hiền Trang, do Phanbook ấn hành); nêu được một số quan điểm riêng, ý thức kỷ luật, tính chuyên nghiệp trong nghề viết của tác giả; tạo không gian gắn kết, đồng cảm và tôn trọng giữa tác giả với người đọc tác phẩm” – trích bài đăng trên fanpage của Phanbook.
 
Một buổi trò chuyện thân tình, ấm áp lẽ ra là kỷ niệm đẹp cho nhà văn và bạn đọc, lại gây ra “scandal” không nên có. Ảnh: Phanbook

 

Với bản thân Hiền Trang, khi vụ việc mới bắt đầu xảy ra, cô chia sẻ không để tâm và “sẽ cẩn trọng hơn”. Thế nhưng, càng lúc càng có thêm nhiều bình luận ác ý, cho rằng nhà văn trẻ phát ngôn như vậy là hàm ý “muốn lên giường” với tỉ phú Elon Musk. Từ diễn dịch hàm ý chủ quan đó, nhiều người dành cho cô những ngôn từ mà thật khó tin là một ai đó có thể dành cho một người khác trong khi họ không gây hại đến ai.
 
Trong số rất nhiều bình luận, nhận định với ngôn từ khó chấp nhận trên mạng xã hội về vụ việc, lại có sự tham gia của chính những người cầm bút. Chê trách, mỉa mai, miệt thị, khinh rẻ, quấy rối bằng ngôn từ… đủ cả.
 
Sự việc cho đến thời điểm này đã không còn là “chỉ trích mua vui”, với sự hả hê vô cảm của một bộ phận người dùng Facebook mà đã trở thành tấn công cá nhân. Bắt đầu với những bình luận cho rằng nhà văn “háo danh, ham tiền, mộng tưởng…” đến bạo hành một người phụ nữ bằng ngôn từ trên mạng xã hội. Những góc nhìn sai lệch, suy diễn, ác ý đã khiến cho sự việc đã và đang bị dẫn dắt/định hướng theo chiều hướng tiêu cực.

 

Thật khó tin đây là ngôn từ dành cho Hiền Trang từ một người khá nổi tiếng của văn đàn
 
“Tôi đã định im lặng vì tôi không cảm thấy tổn thương, nhưng sau khi đọc status của một nhà văn khác nói về việc hãy dừng lại sự xâm phạm với các nghệ sĩ/văn sĩ nữ, tôi mới nhận ra việc mình có tổn thương hay không, không phải là vấn đề. Nếu mình im lặng thì còn bao nhiêu người khác sẽ phải chịu những điều tương tự. Tôi không im lặng vì những lời lẽ này đã đi quá xa và là sự tấn công hung bạo vào phẩm cách và cơ thể một phụ nữ” – nhà văn Hiền Trang lên tiếng.
 
Nhà văn được yêu mến bởi các tác phẩm của họ, với những giá trị họ chia sẻ có ý nghĩa với cộng đồng. Những cuộc giao lưu, trò chuyện với bạn đọc cũng là một cách kết nối nhà văn – bạn đọc, góp phần đưa tác phẩm đến gần hơn với công chúng. Phát ngôn của nhà văn hay của bất kỳ người nào, khi không hề “cõng” theo sự ác ý nào dành cho người khác, thì dù chúng sâu sắc hay nông cạn, đúng hay sai, cũng đơn giản chỉ là một cái nhìn cá nhân. Chúng ta có thể đồng tình hoặc không, nhưng tấn công và miệt thị là vấn đề khác. Đó là hành vi của kẻ thô lỗ một cách đáng xấu hổ.
 
Văn hóa bình luận trên mạng xã hội thể hiện văn hóa của người dùng và văn hóa ứng xử của cộng đồng. Đặt dưới lăng kính của nhà nước pháp quyền, đó còn là vi phạm luật pháp, vì theo Bộ luật Dân sự năm 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ” – sự bảo vệ này không hề loại trừ không gian mạng.
 

Nguồn: Trần Gia Huy
Báo Phụ nữ Việt Nam

Link:
https://www.phunuonline.com.vn/chi-trich-nha-van-hien-trang-tiep-can-mot-chieu-hay-goc-nhin-phien-dien-a1493346.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *