Vỉa hè: Không để nhờn thuốc

Người xem: 145

TP HCM đang rà soát toàn bộ vỉa hè trên địa bàn để từ đó tính toán phương án chọn những điểm phù hợp cho sử dụng làm điểm giữ xe, kinh doanh, quảng cáo, tổ chức sự kiện văn hóa, nơi trung chuyển vật liệu… có thu phí.
 

Một trong những tiêu chí quan trọng là các vỉa hè đó sau khi sử dụng cho việc trên, còn ít nhất 1,5 m cho người đi bộ.

Quá trình tính phương án đang diễn ra, song không vì thế mà việc bao quát những vỉa hè trong hiện tại chững lại vì lý do “chờ”. Bằng chứng là từ giữa tháng 5-2022, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM gửi văn bản khẩn đến UBND 7 quận cùng nhiều cơ quan, đơn vị về việc tăng cường xử lý các trường hợp chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, dừng đỗ xe sai quy định. Vào đầu tháng này, Sở GTVT TP HCM tiếp tục đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên địa bàn thành phố khẩn trương hoàn trả phần vỉa hè đang làm nơi trông giữ xe 2 bánh…
 
Các động thái trên được nhìn nhận là dứt khoát; chuyển tải thông điệp về một đô thị hiện đại, văn minh, không chấp nhận cách làm kinh tế chụp giật, kiếm tiền bằng việc “xà xẻo” không gian công cộng.
 
Mục tiêu tốt đẹp của thành phố là vậy. Tuy nhiên, câu trả lời từ thực tế lại không như mong đợi. Nhiều khu vực vỉa hè vẫn là “lãnh địa” của ai đó, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường.
 
Mới đây nhất, Sở GTVT TP HCM trình UBND thành phố dự thảo triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM. Trong dự thảo có nội dung yêu cầu Sở Nội vụ TP HCM nghiên cứu, đề xuất xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó được giao quản lý tại các đơn vị, chính quyền để xảy ra hành vi vi phạm quy định pháp luật về sử dụng lòng đường, vỉa hè không bảo đảm an toàn giao thông.
 
Nếu được đồng ý, đề xuất trong dự thảo trên có thể nói “rất đúng và trúng”. Đúng ở chỗ chỉ ra được chính xác đơn vị có trách nhiệm trực tiếp trong quản lý vỉa hè. Và trúng, khi xác định rõ việc quản lý hiệu quả hay không phụ thuộc vào sự quyết liệt cũng như cách làm của họ. Không hiệu quả thì chỉ có thể vì lý do nào đó hoặc kém tài. Mà kém tài thì cần thay thế!
 
Tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã diễn ra trong thời gian rất dài. Mong rằng việc truy trách nhiệm người đứng đầu là liều thuốc đủ mạnh trị dứt điểm căn bệnh lấn chiếm vỉa hè. 
 
Nguồn: Ngọc Kỳ
theo báo Người Lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *